Bị xâm hại thân thể, bị lạm dụng, bị sàm sỡ... dù ở tuổi nhỏ hay khi đã trưởng thành đều là trải nghiệm đáng quên của những ai từng trải qua. Nhưng muốn quên đi, không có nghĩa là họ nên im lặng với câu chuyện của mình và im lặng trước nguy cơ của người khác. Nói ra điều "bí mật" ấy là điều không dễ dàng, nhưng muộn còn hơn là không bao giờ lên tiếng. Vicky Đặng, một người mẹ Hà Nội có con gái đã đắn đo trước khi công khai câu chuyện chị đã từng là nạn nhân của dâm ô, xâm hại thân thể. Nhưng người mẹ ấy đã quyết định tiết lộ nó, để thêm một tiếng nói về câu chuyện quyền an toàn của phụ nữ và trẻ em. Vì im lặng, nhìn dưới một góc độ nào đó, là đồng lõa với tội ác, và bất công với những nạn nhân.
Sau đây là chia sẻ của Vicky Đặng.
"Năm lên 10, vào kỳ nghỉ hè, bố mẹ để tôi và em trai ở nhà tự chơi, tự trông nhau. Đa số thế hệ chúng tôi đều trải qua những ngày "tự" như thế vì điều kiện, vì suy nghĩ, vì quan niệm của người lớn. Quan trọng nhất, chúng tôi đại đa số đều thiếu nhiều kỹ năng khi ở nhà một mình, do cơm áo gạo tiền đã làm người lớn cho rằng việc trang bị những kỹ năng đó là việc chúng tôi phải "tự".
Một ngày như nhiều ngày nghỉ hè, lũ trẻ lại tụ tập ở nhà tôi vì trong ngõ nhà tôi rộng lại có sân vườn. Hôm đó, chú hàng xóm không hiểu vì lí do gì cũng sang ngồi chơi với chúng tôi. Chú mang theo nhiều bỏng, bim bim, và cả kẹo mạch nha. Lũ trẻ rủ nhau chơi trốn tìm, chú cũng hăng hái oẳn tù tì để chơi cùng. Một đứa bị bịt mắt, số còn lại chúng tôi đi tìm chỗ trốn.
Đột ngột, chú bế thốc tôi lên, chạy vào phòng trong "chú cháu mình cùng trốn". Cảm giác bất an sợ sệt dấy lên, tôi vùng vẫy cố thoát khỏi gọng kìm của đôi tay chú, nhưng bất lực. Nói sơ qua về nhà tôi: là ngôi nhà mái ngói ba gian, rộng, có cửa ngăn phòng nhưng các cửa đều không có chốt, chỉ có thể khép hờ mà thôi.
Tôi đã bị tên khốn nạn ấy cọ phần hạ bộ vào cơ thể mình, cảm giác khi gõ lại vẫn kinh tởm và đáng sợ như ngày còn bé. Tôi gào lên khi cánh cửa còn chưa kịp khép: "Bỏ tao ra, đ*t mẹ mày, bỏ tao ra". Chỉ một tích tắc, thằng khốn quăng tôi xuống đất và hăm dọa: "Sao chửi chú láo thế? Chú mách bố mẹ" rồi bỏ về.
Lũ trẻ con lúc đó đã quây đầy quanh tôi. Tôi tiếp tục gào và khóc, ra giữa sân gào lớn hơn. Hàng xóm đổ sang hỏi, tôi chỉ gào mà không nói gì. Bản năng của đứa con gái non dại 10 tuổi bảo tôi rằng không được nói cho đến khi báo được với bố mẹ. Ông tổ trưởng gọi bố mẹ tôi về.
Tối đó, bố mẹ và cậu tôi (một cán bộ quân đội khá cứng) sang nhà thằng biến thái nói chuyện. Không biết bố mẹ và cậu tôi đã xử lý theo hướng nào, chỉ biết sau đó thằng khốn nạn đi đâu biệt tích.
Gõ lại chuyện này, tôi đã băn khoăn liệu có nên để công khai, nghĩa là nhiều người không quen sẽ biết, nghĩa là con gái tôi cũng sẽ đọc được. Nhưng chính tôi luôn dạy con mình rằng sự im lặng của nạn nhân sẽ là điều kiện tuyệt vời để lũ biến thái được đà làm tới. Sự xấu hổ, nỗi "nhục" vô hình nào đó mà gia đình cứ vơ lấy, sẽ là đòn đau lên chính nạn nhân - con em mình.
Ngoài việc trang bị cho con những kỹ năng khi không có bố mẹ bên cạnh, tôi luôn dặn con không bao giờ run sợ trước những lời đe doạ của bọn thú vật, không bao giờ coi việc lên tiếng vì sự an toàn của mình là điều đáng xấu hổ.
Nhiều người nghe tôi nói chuyện với con, bảo tôi cho con biết những thứ đó làm gì. Nếu tôi không tự cho con biết, không trực tiếp phân tích cho con hiểu, thì internet, mạng xã hội sẽ làm điều đó, và liệu có chắc con sẽ được tiếp thu theo hướng đúng?
Những kỹ năng để các con tự bảo vệ mình có ở khắp nơi, dạy con bây giờ cũng không hề khó khăn chật vật khi muốn tìm kiến thức. Nhưng tôi vẫn cho rằng không nên để con mình - dù gái hay trai - chỉ có một mình dù ở bất cứ đâu.
Qua đến giờ tôi vẫn không thôi sợ hãi khi nghĩ nếu là con mình thì sao? Thì tôi sẽ xử lý thằng khốn đó, chắc rồi. Nhưng còn những sang chấn, tổn thương sẽ ám ảnh con cái chúng ta cả đời, thì sao?".
Theo Vicky Đặng.T (Helino)