Ăn cắp vặt là thói quen và sở thích xảy ra ở một vài đứa trẻ. Thói ăn cắp vặt này đôi khi ban đầu xuất phát từ sự tò mò, yêu thích món đồ đó, tuy nhiên, nếu không được phát hiện và có hướng dạy dỗ từ phía người thân, cha mẹ nó dễ biến tướng thành những tính cách nguy hiểm khi trẻ trưởng thành.
Mới đây, trên mạng xã hội weibo Trung Quốc, một bà mẹ đã đưa ra câu hỏi cho mọi người về việc con 3 tuổi của chị đã ăn cắp món đồ chơi nhỏ ở trường mẫu giáo và mang về nhà. Chị cũng gặp một trường hợp tương tự khác và chưa biết cách xử trí với con trai mình như thế nào. Chị lo sợ tính cách này sẽ gây ảnh hưởng xấu cho bé nếu không được rèn giũa kịp thời.
Trả lời về vấn đề này, một số phụ huynh trong nhóm cũng chính là chuyên gia tâm lý, giáo dục cho rằng, trước hết cha mẹ cần hiểu rằng trẻ ăn cắp vặt không phải là xấu và cũng không hề ích kỉ. Giá trị đạo đức của một đứa trẻ không được tạo ra một cách tự nhiên mà được hình thành từ từ trong cách tương tác với người khác. Vì vậy, giáo viên hay cha mẹ không nên vội vàng quy chụp tội và mắng mỏ trẻ, điều này rất bất lợi cho sự phát triển của bé.
Vậy cha mẹ nên làm gì?
Cách giáo dục trẻ trong trường hợp này là khác nhau ở mỗi độ tuổi của bé.
Đứa trẻ thuộc độ tuổi trong tình huống này, 3 tuổi. Trước hết mẹ không nên yêu cầu con nhận lỗi và sửa thói quen mà hãy dạy cho bé bằng bài học đi siêu thị. Cho bé cầm 1 chiếc giỏ và nói với bé rằng con có thể lấy những món đồ mà con thích hoặc con cho là cần thiết trong lần đi siêu thị này. Đến khi ra quầy thanh toán, hãy để cho bé thấy những món đồ nào mình mua thì đều phải trả tiền. Đây là lúc hình thành cho bé thói quen những thứ mình thích đều phải trả tiền trước khi lấy đi.
Tương tự, nếu bé lấy đồ chơi của trường học hay của một bạn nào khác, hãy mang một món đồ chơi ở nhà mà bé cũng thích để tìm những đứa trẻ đồng lứa chơi cùng. Khi con cầm món đồ chơi của mình trong tay nhưng lại muốn chơi món đồ của người bạn kia, hãy dạy cho con "Con hãy hỏi bạn về việc có thể mượn đồ chơi chơi một lát được không?" hoặc "Em cũng có đồ chơi, chị có thể chơi chung đồ chơi với em không?".
Nếu con đồng ý với những yêu cầu đó thì con sẽ được phép chơi chung đồ chơi với bạn còn nếu không thì không được phép. Cha mẹ có thể khen ngợi về hành vi của bé. Cách này giúp bé hình thành ý thức tôn trọng chủ quyền của người khác, nếu bé không cho phép người khác chơi đồ chơi của mình nghĩa là bé cũng không được phép lấy trộm đồ chơi của người khác để chơi. Sự thích thú khi được chơi đồ cùng nhau sẽ nhanh chóng qua đi nhưng kinh nghiệm và kiến thức bé được học sẽ được tích lũy.
Với đứa trẻ đã đi học mẫu giáo, hãy gợi ý để bé trải nghiệm sự đồng cảm.
"Nếu không hỏi nghĩa là con đã ăn cắp"; "Có mượn thì có trả" đó là những điều mẹ hãy nói với con. Rất có thể đứa trẻ sẽ trả lời rằng "khi con lấy không ai nhìn thấy cả" hoặc "không có ai ở đó, con có thể lấy đó". Câu trả lời hay cho mẹ là "Mọi thứ có mặt ở đó không có nghĩa là con có quyền lấy, không có ai ở đó không có nghĩa là con được lấy".
Hãy để người thân trong nhà lấy đi món đồ chơi hoặc món đồ ăn mà bé yêu thích. Quan sát phản ứng của con và ghi lại bằng điện thoại di động. Hãy dùng đó làm "bằng chứng" để giáo dục lại con về thói ăn cắp vặt, giúp bé hiểu rằng hành động của bé cũng gây cho người khác nỗi buồn tương tự.
Đối tượng thứ 3 là học sinh tiểu học.
Nếu đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học mà còn có thói ăn cắp vặt thì cha mẹ hãy xem lại cách giáo dục, dạy dỗ của chính bản thân mình. Trẻ ở giai đoạn này, cha mẹ có thể trực tiếp trao đổi thẳng thắn với con và hỏi con đang nghĩ gì: có phải con thích nó không?
Nếu con thích nó hãy nói với cha mẹ về việc mua món đồ như vậy làm phần thưởng cho một thành tích xứng đáng của con. Nếu ăn cắp vặt chỉ là do tò mò, hãy quay lại hướng giải quyết đầu tiên để trẻ hiểu được việc phải trả tiền cho những món đồ mình muốn mang đi.
Tóm lại, với cách giáo dục nhẹ nhàng, phân tích, giảng giải ngay từ đầu, cha mẹ sẽ giúp trẻ hình thành được những tính cách tốt đẹp, không còn tình trạng ăn cắp vặt khi đến độ tuổi đi học.
Theo Chi Chi (Khampha.vn)