Là một bà mẹ trẻ, chị Nguyễn Minh Ngọc, 33 tuổi ở Hoàng Cầu, Hà Nội cũng từng rất đau đầu trong chi tiêu gia đình. Vì chi tiêu không có kế hoạch, thích gì mua đấy, mua sắm vô tội vạ nên dù lương thưởng khá nhưng vợ chồng chị chưa bao giờ để ra được 1 khoản tiết kiệm nào cho bản thân.
"Nhà mình vợ chồng đều đi làm thuê nhưng lương nói chung cũng khá. Hơn nữa cũng có nhà cửa sẵn nên không có ý thức tiết kiệm trước đó. Anh xã mình làm trưởng nhóm kỹ thuật 1 công ty truyền thông, lương tháng 32 triệu. Còn mình làm thiết kế đồ họa một công ty dược phẩm lương tháng 18 triệu đồng. Tổng cộng 1 tháng vợ chồng mình có thu nhập 50 triệu đồng. Thế nhưng trước đó không hiểu vợ chồng tiêu bạt mạng kiểu gì chỉ đủ cho con ăn học, mua sắm, ăn uống và đi du lịch. Chi tiêu tháng nào gần như hết sạch tháng ấy", chị Ngọc ngậm ngùi nói.
Cho tới một lần, nhân có buổi trò chuyện về tích lũy chi tiêu, một đồng nghiệp đã bày cho chị Ngọc cách quản lý tài chính cá nhân để kiểm soát chi tiêu và phấn đấu có tích lũy nhiều. Chị Ngọc thấy rất hứng thú và quyết tâm học theo chia sẻ này. Từ ngày đó đến giờ bà nội trợ 2 con này mới tích lũy được ½ lương của vợ chồng mỗi tháng.
Cụ thể, kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân của chị Ngọc hàng tháng như sau. Mỗi tháng khi nhận lương người phụ nữ này chia luôn thành 3 khoản:
Khoản tiền tiết kiệm: 25 triệu đồng
Mỗi tháng khi vừa có lương của vợ và lương chồng, chị Ngọc gửi thẳng 25 triệu vào sổ tiết kiệm online. Chị Ngọc luôn gửi trước nhất khoản này trước khi chi tiêu. Chưa tháng nào chị chi tiêu rồi có dư ra mới gửi tiết kiệm. Vì như vậy theo chị sẽ luôn không thể có tiền tiết kiệm.
"Mình bắt buộc gửi khoản này đầu tiên. Để sau dù có chi tiêu lạm vào thì mình buộc phải xoay sở cách khác chứ nhất định không để khoản này thâm hụt", chị Ngọc khẳng định.
Khoản tiền bắt buộc chi hàng tháng: 20 triệu đồng
Sau khi gửi tiền tiết kiệm xong, chị dành 20 triệu cho các khoản chi bắt buộc mỗi tháng. Khoản tiền này bao gồm những khoản tiền cụ thể như: Tiền ăn, tiền mua thực phẩm, tiền đóng học cho con, tiền xăng xe, điện thoại, tiện nước, tiền trả giúp việc, tiền đưa anh xã trà thuốc….
Vợ chồng chị Ngọc có 2 con nhỏ. 1 con đang học lớp 5 công lập. Còn con nhỏ 4 tuổi chỉ đang gửi mẫu giáo tư. Số tiền học của 2 con mỗi tháng hết khoảng 5 triệu đồng. Còn khoảng 15 triệu là chị Ngọc để chi mua thực phẩm, điện nước, tiền trả giúp việc và nhiều khoản lặt vặt phát sinh trong nhà.
"Đối với các khoản tiền bắt buộc này thì mình hay rút tiền mặt 1 phần, 1 phần để tài khoản ATM. Cứ mỗi khi có việc phải tiêu, mình rút ra cũng tiện và dễ kiểm soát cũng như dễ tra qua chuyển khoản", chị Ngọc tâm sự.
Khoản tiền hiếu hỷ, ăn chơi, mua sắm nhà cửa, tụ tập bạn bè: 5 triệu đồng
Mỗi tháng chị Ngọc cũng thường để dành 5 triệu cho khoản đi những đám hiếu hỷ, sinh nhật, hỏi thăm người ốm. Ngoài ra, cũng dự phòng 1 khoản khi bạn bè, người thân đến thăm gia đình thì phải mua đồ tươi ngon thết đãi. Hoặc khi đưa gia đình đi chơi ở các khu vui chơi. Thậm chí nếu không có hiếu hỷ nhiều thì sẽ dồn vào việc mua sắm vật dụng bếp núc…
"Các khoản này không thường xuyên và không phải tháng nào cũng dùng hết số tiền này. Bởi thế, riêng khoản này mình cũng để 1 nửa trong tài khoản ATM, 1 nửa gửi vào sổ tiết kiệm loại có thể nộp thêm bất cứ khi nào để tiết kiệm", bà nội trợ này nói.
Riêng đối với các sổ tiết kiệm, bà vợ trẻ giàu kinh nghiệm chi tiêu này cũng có những lời khuyên thiết thực để không bao giờ bị động trong chi tiêu:
"Khi gửi sổ tiết kiệm, mình luôn có 1 khoản dự phòng tầm 20 triệu. Khoản này mình chỉ gửi kỳ hạn 1 tháng, hết tháng thì tự quay vòng cả gốc và lãi. Làm như vậy để khi có việc đột xuất cần thì tất toán luôn được mà không mất nhiều lãi.
Riêng với các sổ tiết kiệm dài hạn, mình cũng gửi cách nhau. Thông thường các sổ dài hạn mình gửi cách nhau mỗi khoản 1 tháng để lỡ có việc cần thì vẫn có tiền đáo hạn không phải tất toán trước hạn", chị Ngọc chia sẻ.
Nói chung theo lời khuyên của bà nội trợ thông minh này, để tiết kiệm được nhiều tiền, gia đình trẻ nào cũng phải tính hết các khoản phải chi tiêu trong tháng ra trước. Bên cạnh đó, chỉ tiêu khi cần chứ không tiêu khi muốn. Như vậy sẽ giúp thu vén khéo và khoản tiền tiết kiệm mỗi ngày 1 đầy lên để có thể mua nhà, mua xe hoặc đầu tư trong tương lai.
Theo Minh Anh (Nhịp Sống Việt)