Tuổi thơ của tôi chỉ toàn là đòn roi và những lời mắng chửi, ra lệnh, áp đặt. Hầu như ngày nào bố mẹ cũng đánh chửi tôi. Từ nhỏ tôi chỉ biết học và học. Ngoài đi học, bố mẹ tôi không cho đi đâu chơi, kể cả sang nhà hàng xóm. Hồi đó, cứ hè đến là phường chia cụm sinh hoạt hè cho học sinh, nhưng tôi chưa bao giờ được đi.
Lớp 1 và lớp 2, tôi đứng đầu lớp. Lớp 3, mẹ sinh em bé, tôi tụt xuống vị trí thứ ba. Bố tôi liền lấy con dao gọt trái cây đe cắt ngón tay trỏ của tôi, bắt tôi hứa phải trở lại vị trí thứ nhất. Cấp 2, bố mẹ dồn tiền cho tôi vào học trường tư nổi tiếng để có môi trường tốt bất chấp gánh nặng tiền học khiến họ cãi nhau suốt. Tôi càng không được phép có kết quả học tập tồi.
Lên cấp 3, bố mẹ không có tiền cho tôi theo tiếp trường tư nữa. Tôi có nhiệm vụ phải thi vào một trường điểm công lập. Vì tính lơ đễnh, nhầm ngày thi vào lớp chọn thành ngày đi nộp hồ sơ mà bố chửi tôi dọc đường từ trường về nhà.
Hồi cấp 3 tôi chỉ thích vẽ. Ước mơ của tôi là thi vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Bố mẹ vẫn cho tôi đi học vẽ nhưng không đồng ý cho thi vào trường đó. Đỉnh điểm là mẹ tôi xé tờ giấy vẽ, bắt tôi ăn.
Tôi thi vào Đại học Kinh tế quốc dân, khoa Kế toán theo yêu cầu của bố mẹ để có lương cao, sau này dễ ổn định, kiếm người chồng “ngon”. Nhưng tôi trượt khoa Kế toán, thiếu mất 0.5 điểm nên phải chuyển ngành sang học quản trị kinh doanh. May mà bố bảo học quản trị cũng được, sau làm giám đốc. Tôi học ngành mà tôi không hề yêu thích. Ra trường tôi cũng không biết mình sẽ làm gì. Tôi thay đổi chỗ làm cả chục lần, nhảy việc liên tục, vào Nam rồi lại ra Bắc.
4 năm đại học, bố mẹ không cho phép tôi yêu đương. Khi ra trường, bố mẹ lại liên tục giục lấy chồng. Vì không được cha mẹ thể hiện tình yêu bằng sự ôm ấp vỗ về, tôi trở nên thiếu thốn và rất dễ rơi vào tình cảm với người khác giới do lầm tưởng những sự quan tâm bình thường là tình yêu. Lầm tưởng càng nhiều thì thất vọng càng nhiều. Tôi đã từng quen nhiều bạn trai nhưng rồi đều không ổn.
Năm 23 tuổi, tôi vào Sài Gòn làm việc rồi yêu một người trong đó. Bố mẹ tôi tìm mọi cách bắt bỏ, gọi đủ người khuyên can tôi, phá tôi rồi dọa từ mặt tôi vì gả con gái lấy chồng xa là mất con. Đến năm 29 tuổi, tôi vẫn độc thân, bố mẹ nằng nặc bắt gặp một người hơn tôi gần chục tuổi. Khi gặp, dù không thấy hợp và không muốn gặp thêm nữa nhưng bố mẹ vẫn bắt phải chơi và làm bạn với người ấy.
Đến năm 32 tuổi thì tôi cũng lấy được chồng, do chính tôi lựa chọn. Rồi sinh hai đứa con. Thời gian đầu, ông bà cũng can thiệp những chuyện như cho con tôi ăn uống thế nào, hay không cho cháu đi du lịch, nhưng rồi tôi cũng dần thoát ra sự ảnh hưởng đó vì tôi giờ đã sống riêng.
Cũng hên là tôi không bị trầm cảm. Nhưng tác động tâm lý từ sự hà khắc, áp đặt của bố mẹ thì nhiều. Ảnh hưởng nhất là tôi không có sự tự tin. Mặc dù tôi đã có gia đình ổn định, một công việc tốt với mức thu nhập tốt, nhưng tôi bị ám ảnh mình là kẻ bất tài, lúc nào cũng cảm thấy có lỗi vì là gánh nặng của gia đình.
Tôi chịu ảnh hưởng một cách vô thức từ bố mẹ mình trong cách ứng xử với con. Dù không bao giờ đánh con nhưng tôi nhiễm cách nói khó nghe của họ, cách nói làm tổn thương đối phương. Dù tôi có cố gắng không bực tức với con, không nói lời tổn thương con, nhưng nhiều lúc tôi vẫn phạm phải. Sau đó tôi lại hối hận vô cùng.
Bây giờ tôi chỉ biết bù đắp tất cả cho con để con được hạnh phúc và tự do với những ước mơ, lựa chọn của nó. Tôi và chồng dành nhiều thời gian để ôm ấp con, ngày nào cũng nói lời yêu thương với các con.
Về phần bố mẹ tôi, giờ họ không chửi tôi là bất tài nữa, cũng không còn can thiệp gì vào cuộc sống của tôi. Vì không ở gần nhau nên mối quan hệ cũng tốt hơn, có thể nói là thân thiết. Dù sao thì họ cũng thương tôi, dù cách thương hơi cực đoan, hà khắc.
Tôi vừa mới kết hôn được 2 năm. Chồng tôi hơn tôi 10 tuổi. Thành thực mà nói tôi không yêu chồng tôi. Cả hai gặp nhau qua mối lái, giới thiệu. Sau hôm gặp 1 ngày, anh nhắn tin hỏi tôi có muốn cưới anh không, tôi đồng ý. Đám cưới diễn ra sau đó tròn 1 tháng.
Tôi đồng ý vì anh có đủ các điều kiện để làm con rể bố mẹ tôi: gia đình căn bản, ngoại hình ưa nhìn, công việc nhà nước ổn định. Trước đó, tôi yêu ai cũng đều vi phạm 1 trong 3 điều kiện đó. Bị bố mẹ phản đối quá nhiều lần, tôi chán không còn muốn yêu đương, gặp gỡ ai.
Từ nhỏ tới lớn, tôi làm gì cũng theo ý bố mẹ. Ngay cả việc đẻ con, tôi cũng đẻ con vào năm do mẹ tôi chọn và mổ vào giờ do mẹ tôi chọn luôn.
Thời đi học, tôi học tốt các môn xã hội, kém các môn tự nhiên. Nhưng vì cả gia đình đều làm trong ngành ngân hàng, nên bố mẹ tôi bắt tôi phải học ban A. Tôi thi trượt đại học, chỉ đỗ vào cao đẳng, học ngành kế toán. Ra trường, bố tôi nhờ quan hệ xin cho tôi vào một công ty xây dựng nhà nước.
Trong thâm tâm, lúc nào tôi cũng muốn chống lại sự sắp đặt độc đoán của bố mẹ. Bố mẹ đặt đâu tôi ngồi đấy, nhưng tôi cố làm mọi thứ cho thật tệ. Như việc lấy chồng, tôi lấy theo ý bố mẹ tôi, nhưng tôi chưa bao giờ cố gắng vun vén cho hạnh phúc gia đình. Có lúc tôi nhận ra mình đang trả thù bố mẹ bằng cách cho họ thấy: Nếu tôi làm theo ý họ, cuộc đời tôi sẽ thành ra như thế đó.
Khi tôi làm mẹ rồi, bố mẹ tôi vẫn tiếp tục quản lý cuộc sống của tôi. Ngày ngày ông bà sang chăm cháu, sai chồng tôi làm những việc nọ việc kia, rồi chê bai anh thẳng thừng trước mặt tôi khi anh không làm được như ông bà muốn. Công việc của chồng tôi ổn định nhưng thu nhập không cao cũng là lý do ông bà có ý coi thường.
Cũng vì chuyện này mà vợ chồng tôi vốn đã không có tình cảm càng thêm mâu thuẫn. Chồng tôi có lần còn nói với tôi rằng, nếu ly hôn, anh ấy sẽ giành quyền nuôi con bằng được chứ không để con tôi phải lớn lên bên cạnh tôi và ông bà ngoại của nó.
Bố tôi ngoại tình năm tôi 9 tuổi. Đến 15 tuổi, bố mẹ mới ly hôn. Trong 8 năm đó, bố gần như không ở nhà, thi thoảng mới tạt về, thường là lấy tiền rồi đi tiếp. Mỗi lần về nhà, bố tôi hay kiểm tra sách vở của tôi, hỏi điểm rồi sau đó là chửi mắng tôi và mẹ tôi. Bố tôi bảo tại mẹ tôi không biết dạy con mà tôi chỉ biết ăn diện, làm đẹp chứ học thì dốt.
Bố tôi cũng cấm tôi dùng điện thoại và mạng xã hội, cấm tôi chơi thân với các bạn trai. Bố tôi bảo bố tôi đã không ở cạnh để chăm sóc tôi thì ông phải làm mọi cách để dạy tôi thành người tử tế.
Mẹ tôi kinh doanh giỏi nhưng lại là người yếu đuối. Tôi và mẹ ít tâm sự vì tôi sợ nhìn thấy mẹ khóc, sợ nghe những lời than thở trách móc bố và nhà nội của mẹ. Tôi cũng tránh ăn cơm cùng mẹ, vì nếu ngồi cùng nhau đủ lâu là kiểu gì mẹ cũng kể chuyện, mà kể chuyện là kiểu gì cũng quay về chuyện bố tôi.
Mẹ chiều tôi không thiếu gì về vật chất. Mẹ cho tôi vài triệu tiền tiêu vặt là bình thường. Bạn bè ai cũng bảo tôi sướng. Nhưng chúng nó không biết, tôi toàn phải lén mẹ mua thuốc ngủ để ngủ. Tôi còn bị đau dạ dày và rối loạn tiền đình nữa. Tôi học trước quên sau, không vào đầu cái gì. Mẹ thì cứ nghĩ do tôi mải chơi nên không chịu học, thi thoảng trách móc tôi, trong khi tôi làm gì có bạn để chơi.
Tôi có ước mơ trở thành tiếp viên hàng không. Nhưng một lần nói về ước mơ đó với mẹ, mẹ bảo “cấm”. Mẹ tôi bảo làm tiếp viên hàng không thì sẽ ế chồng, không lấy được người tử tế vì không gia đình tử tế nào chấp nhận con dâu nay đây mai đó. Mẹ muốn tôi học kinh doanh để sau này về tiếp quản cửa hàng cho mẹ. Mẹ bảo nếu tôi không đỗ đại học thì mẹ sẽ chết vì không chịu được nỗi nhục bị bố và bà nội tôi chửi là không biết dạy con.
Người ta thường nói: “Cha mẹ là chốn bình yên nhất cuộc đời”, hay “Trên đời này nếu có ai đó yêu thương bạn vô điều kiện thì đó chính là cha mẹ”. Song, chân lý ấy không đúng trong mọi trường hợp.
Theo PGS.TS Tâm lý học Đặng Hoàng Minh, cha mẹ trong câu chuyện của Minh nói trên không chỉ đơn thuần dạy con theo cách độc đoán mà đã thực sự có hành vi bạo hành. Song, cả cha mẹ Minh và cả Minh đều không nhận thức được điều đó. Bản thân Minh đến giờ vẫn nghĩ cha mẹ chỉ hà khắc với mình thôi chứ vẫn yêu thương mình.
Tác giả Susan Forward trong cuốn sách nổi tiếng của mình mang tên “Cha mẹ độc hại” đã liệt kê 6 kiểu mẫu cha mẹ khiến con cái phải sống trong tổn thương và bất an suốt những năm tháng ấu thơ, thậm chí kéo dài tới lúc trưởng thành. 1 trong 6 là tuýp cha mẹ kiểm soát.
Cha mẹ kiểm soát đối xử với con cái của họ như một đối tượng có nhiệm vụ thực hiện những ước mơ, mong mỏi, mục tiêu mà họ đặt ra. Họ lập ra những kế hoạch, vẽ ra những con đường và điều khiển con như chơi game. Song, khác với game, nếu con cái họ thất bại, “game over”, thì lỗi không phải do họ chơi kém mà do con không đủ tốt, không đủ cố gắng.
Họ yêu cầu con phải nghe lời, phải chấp hành mệnh lệnh, tuân thủ theo những sự sắp đặt của họ với lý do vì con, thương con, “đó là điều tốt nhất cho con”, “cá không ăn muối cá ươn”... Song, nếu con cái đã nghe lời, đã chấp hành, đã tuân thủ và cho ra kết quả tồi tệ, thì họ không bao giờ chịu trách nhiệm. Họ luôn có đủ lý lẽ để ngụy biện cho bản thân và luôn đủ lập luận để quy lỗi cho con cái.
Trong mắt họ, đứa con mà họ kiểm soát lúc nào cũng khờ dại, luôn cần có họ chỉ bảo, dẫn đường. Họ sợ rằng, nếu họ không ở cạnh hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, con cái họ sẽ lạc lối, sẽ làm hỏng mọi thứ. Cứ như thế, cha mẹ kiểm soát sống trong những lo lắng và bất an về con cái đồng thời cũng lôi đứa con mình vào nỗi lo lắng và bất an ấy, khiến đứa trẻ mất khả năng tự chủ, tự quyết định, thậm chí không có niềm tin vào bản thân.
Tổn thương tâm lý của những đứa con sống trong gia đình có cha mẹ kiểm soát đôi khi còn lớn hơn cả sự tưởng tượng của chính chúng. “Nhiều người tin rằng một khi các bậc cha mẹ thích kiểm soát đã mất thì họ sẽ được tự do, nhưng ‘sợi dây rốn’ tâm lý không chỉ có độ dài xuyên lục địa mà còn vươn ra từ dưới nấm mồ nữa…”, tác giả Susan Forward viết.
Những câu chuyện có thật dưới đây chỉ là vài nét phác họa về vết thương tâm lý của những người con có cha mẹ thuộc tuýp kiểm soát. Họ ở độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Một người là cô gái ở tuổi vị thành niên, một người phụ nữ vừa lập gia đình được 2 năm và một người phụ nữ đã ngoài 30. Họ có những nỗi niềm khác nhau, có người đang vùng vẫy trong vũng lầy, có người đã bước qua, xong đều chung một ám ảnh: Không được sống với nhu cầu, lựa chọn của chính bản thân mình.
Còn những bậc làm cha mẹ trong bài viết, mỗi người tâm tư, suy nghĩ, mong muốn cũng khác nhau. Nhưng họ có cũng có điểm chung là yêu thương con cái nhưng chưa thấu hiểu và quan trọng hơn, có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ biết, họ đã tình yêu mà không thấu hiểu rất dễ trở thành tình yêu độc hại - một thứ tình yêu khiến con cái tổn thương và ngột ngạt vô cùng.
Theo HH (Trí Thức Trẻ)