Mang trên người căn bệnh ung thư, sao nụ cười em vẫn hồn nhiên như thế!

05/11/2015 09:28:37

Giữa chằng chịt ống truyền hóa chất, những mái đầu tóc rụng lơ thơ, bên cạnh những tiếng hét, tiếng khóc nấc lên rồi bất chợt chìm vào im lặng, những nụ cười tươi rói của bệnh nhi ung thư chợt khiến ta nhận ra hạnh phúc.

Giữa chằng chịt ống truyền hóa chất, những mái đầu tóc rụng lơ thơ, bên cạnh những tiếng hét, tiếng khóc nấc lên rồi bất chợt chìm vào im lặng, những nụ cười tươi rói của bệnh nhi ung thư chợt khiến ta nhận ra hạnh phúc.
Căn bệnh nào cũng gây nên đau đớn, nhưng ung thư, nó mang đến cho người bệnh không chỉ nỗi đau thể xác mà còn cả những giày vò về tinh thần, vì với nhiều người, mang trong mình căn bệnh này cũng đồng nghĩa với việc “án tử” lơ lửng trên đầu. Với những bệnh nhi ung thư, nỗi đau ấy, niềm ám ảnh ấy có lẽ chưa mấy rõ rệt, nhưng với cha mẹ các em, việc phải chứng kiến căn bệnh quái ác giày vò con mình trong từng hơi thở, từng nhịp sống quả thực là một thách thức tâm lý.
 
Trong những phòng điều trị bệnh nhi ung thư tại bệnh viện K cơ sở 3 (Tân Triều, Hà Nội), cùng với những mái đầu trọc lốc hoặc lơ thơ vài sợi tóc sau những ngày xạ trị, cùng những cánh tay bé xíu luôn bị “khóa” cùng kim truyền hóa chất, những giọt nước mắt không kìm nén nổi của những người cha, người mẹ đang giữ chặt con mình để y tá cắm kim truyền là nụ cười hồn nhiên của những bệnh nhân nhỏ tuổi.
 
Những nụ cười của bệnh nhi ung thư thắp sáng niềm tin của cha mẹ các em về một cuộc sống rộng dài đang chờ phía trước.
 
 
Bé Nguyễn Công Trung Kiên mới 7 tháng tuổi, nhưng đã nằm viện gần 4 tháng. Bé được chẩn đoán mắc u nguyên bào thận lúc hơn 3 tháng tuổi, đã trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u và đang được điều trị hóa chất.
 
 
Cậu bé dũng cảm mang một vết sẹo dài vắt ngang bụng đã biết ngồi và rất thích trò bám vào cột truyền hóa chất để nhún nhảy.
 
 
Bố mẹ của Trung Kiên đều đã nghỉ việc, rời quê Thanh Hóa lên Hà Nội để tập trung chạy chữa cho con. “Dầu tốn kém thế nào, chúng em cũng cố chăm sóc con, kiên trì chữa bệnh, chỉ mong con khỏe mạnh như các bạn khác. Trộm vía, trừ những lúc phải truyền hóa chất, cu cậu sẽ mệt mỏi, gắt gỏng một chút, còn lại, bé rất lanh lợi, cười đùa suốt ngày, ít khi khóc nhè lắm” – chị Duyên, mẹ bé tâm sự.
 
 
Ở bệnh viện, tiếp xúc với nhiều người từ nhỏ, cu cậu rất dạn dĩ và thân thiện. Trong ảnh, Trung Kiên đang chơi đùa với bác Hằng, mẹ của bệnh nhi “hàng xóm”.
 
 
Bé Chu Lam Anh (5 tuổi), bị ung thư hạch đã nhập viện điều trị hơn 7 tháng nay. Mẹ Lam Anh phát hiện ra bệnh của con hồi giáp Tết, khi trên tai, trên cổ cô bé chỉ có vài chiếc hạch nhỏ. “Ngỡ là bé bị viêm hạch cấp hay bệnh gì nhè nhẹ thôi, thế mà sau mấy lần xét nghiệm ở Bắc Ninh và Hà Nội, gia đình mình mới biết bé bị ung thư” – chị Hằng tâm sự.
 
“Những đợt trước, con bé còn đi học bập bõm, lần nào được về nghỉ giữa các đợt điều trị, bé đều nhắc: Mẹ ơi, cho con đến trường. Đợt này, tóc bé vừa bị rụng, bé cũng mệt hơn, có lẽ vì lịch truyền dày hơn, có lần 4 ngày 4 đêm liên tục mới hết thuốc, mình đành cho con nghỉ ở nhà. Hôm tóc rụng, mình cho con cái túi nilon để đựng tóc, nói đùa con là để bán tóc rối. Bà nhìn thấy, bảo vứt đi, con bé vẫn vô tư giữ chặt túi, bảo chờ người mua tóc đến” – chị kể.
 
 
Như nhiều bệnh nhi cùng phòng, chiếc điện thoại thông minh là bạn thân của Lam Anh, giúp cô bé tạm quên thời gian đằng đẵng trên giường bệnh.
 
 
Với những em bé nhỏ hơn, đồ chơi quen thuộc là thuốc và dụng cụ y tế cá nhân.
 
 
Tú lơ khơ cũng là trò tiêu khiển được lũ trẻ ung thư trong viện K3 mê mệt.
 
 
Tương lai của các em sẽ giống quân bài màu đen đang cầm trên tay, hay là một quân đỏ đang ẩn nấp đâu đó?
 
 
Cậu bé Bùi Tiến Dũng, bị ung thư xương ngắm nhìn các bạn chơi cùng nhau.
 
 
Dũng đã bị cắt bỏ chân phải và đang được điều trị hóa chất.
 
 
Đợt này, cậu bé phải truyền 7 chai dung dịch/ngày. Trong ảnh, Dũng bất cẩn làm chệch ven trong lúc di chuyển quanh giường khiến tay em sưng vù, chảy máu. Mẹ Dũng đang giúp cậu bé chỉnh lại kim truyền.
 
 
Người nhà cậu bé chia sẻ, trước khi bị ốm, Dũng học rất giỏi. Cậu bé biết mình bị bệnh hiểm nghèo, nhưng không mấy khi khóc. Dũng chỉ mong đến ngày lành bệnh để được trở về nhà, được đi học lại.
 
 
Hai người bạn cạnh giường cùng mắc bệnh ung thư mắt. Cô bé xinh đẹp vừa tròn 4 tuổi này bị hỏng 1 mắt khi mới 4 tháng tuổi, và vừa phải phẫu thuật bỏ mắt còn lại ít hôm. Bé đang chơi trò xúc cho bạn gấu ăn cơm. Cô bé rất thích chạy quanh phòng và khám phá thế giới bằng tay, dù chưa quen với bóng tối, bé rất dễ vấp ngã. Đang “ngắm nhìn” cô bé xinh xắn này là Đức Anh, 5 tuổi, bị ung thư hắc tố hốc mắt và đã khoét bỏ nhãn cầu.
 
 
Bố mẹ bé Tào Minh Tuấn (4 tuổi) đang dỗ cu cậu ăn cơm để có sức bước vào đợt hóa trị, chống lại bệnh bạch cầu cấp. Bản thân ông bố cũng đang phải chạy thận tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
 
Xong liệu trình cho mình, ông bố lại tất tả vào K3 phụ vợ chăm con. Ông bố với nỗi ám ảnh mình là nguyên nhân gây bệnh cho con (anh phát hiện suy thận khi bé Tuấn được vài tháng tuổi) tâm sự: “Sang tháng, có lẽ tôi sẽ về chạy thận ở Thanh Hóa để tiết kiệm chi phí, chứ hai vợ chồng dồn hết ở đây, mỗi thứ mỗi tốn…”
 
 
Ở một góc khác của bệnh viện, bữa cơm thịnh soạn cũng được chuẩn bị để bồi dưỡng cho một bệnh nhi. Khi vào hóa chất, cơ thể và sức đề kháng của các em đều suy sút, rất cần được tẩm bổ để tăng sức khỏe. Tuy vậy, những em bé mắc bệnh ung thư thường ăn rất ít, dễ bị nôn trớ, khiến việc chăm ăn cho các bé cũng khá vất vả.
 
 
Bố bé Chang Thị Hà Linh, 4 tuổi, người dân tộc Mông đang dỗ dành con gái. Cô bé bị u mô bào và đang được bó bột một chân để bảo tồn. Hà Linh phát bệnh sau một lần bị ngã và không đứng dậy, đi lại được nữa.
 
 
Giống như bé Trung Kiên, bé Nguyễn Đình Quang, 11 tháng tuổi, mắc chứng u bào thần kinh (góc trái) rất thích được mẹ đưa đi lòng vòng bệnh viện. Đình Quang đã chiến đấu với bệnh ung thư được 4 tháng. Những ngày không phải truyền dịch, trò chơi yêu thích của cậu bé là lần tường tập đi.
 
 
Bé Phạm Thị Ngọc Ánh (9 tuổi) đã trải qua hơn một nửa thời gian sống của mình ở bệnh viện. Cô bé rất thích việc chăm sóc những em bé nhỏ tuổi hơn trong khoa bệnh.
 
 
Nụ cười ngọt ngào, vô tư của gia đình bé Trung Kiên và những người bạn nhỏ trong khoa Nội – Nhi, bệnh viện K3, niềm khát khao sống mãnh liệt trong ánh mắt có lẽ là những liều thuốc tinh thần hiệu quả, giúp các em chống chọi với bệnh tật, với nỗi đau đang giằng xé hình hài nhỏ bé mỗi phút, mỗi giờ tồn tại trên đời.
 
Ánh mắt trong veo, nụ cười tươi tắn của các bé – những hình hài nhỏ xíu đang hằng ngày chiến đấu với nỗi đau khủng khiếp của bệnh ung thư và những đợt hóa trị, xạ trị, truyền hóa chất liên miên – ngọt ngào và đáng giá hơn tất thảy nụ cười trên đời. Đó là nụ cười của niềm tin, của khát khao sống mãnh liệt mà các em gieo vào lòng cha mẹ, vào lòng chúng ta.
 
Nụ cười ấy dạy chúng ta rằng, ung thư có thể không là dấu chấm hết, mà chỉ là khởi đầu của hành trình chiến đấu, của một cuộc sống có thể vấp váp, gian nan lúc đầu, nhưng sẽ kiên cường và đáng nhớ. Chúng cũng khiến ta hiểu, mình đang hạnh phúc và giàu có đến nhường nào.
 
>> Clip sẽ khiến bạn một lần nữa rơi nước mắt về sự sống kì diệu của bé Thiện Nhân
 
Theo Trang Trần (Afamily.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật