Mẹ chồng – nàng dâu vốn là mối quan hệ ẩn chứa rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Người có số hưởng khi xuất giá, không những được nhờ cậy tấm chồng mà còn được mẹ chồng thương yêu, đối đãi như con đẻ. Có người “kém số” hơn, xung khắc với mẹ chồng thì lại được đức lang quân chở che, bảo vệ. Thế nhưng, có những người lấy chồng như đi khổ sai khi chẳng những được sướng thân mà còn phải hầu hạ, phục dịch nhà chồng.
Và câu chuyện đầy sự sầu bi của một sản phụ được chia sẻ trên một nhóm facebook của hội chị em mới đây là minh chứng cho điều đó. Câu chuyện xoay quanh nỗi khổ của một người con dâu mới sinh em bé có mẹ chồng cùng cậu em út ở quê lên chăm. Mừng thầm trong bụng sẽ có người đỡ đần trong những ngày ở cữ, nhưng qua ngày một ngày hai, cô gái đã phải trút trong mình sự ấm ức khi chồng vô tâm, mải đi làm, mẹ chồng thì chẳng những không ngủ được với cháu nội được đêm nào mà liên tục kêu ốm, nằm trên giường cả ngày. Đến cả nồi cháo sườn con dâu tự nấu dành cho sáng hôm sau cũng bị bà mẹ “xơi tái”. Sự uất ức lên đến đỉnh điểm khi chỉ sau 5 ngày sinh, cô gái trẻ đã phải bò dậy đi chợ và nấu cơm phục dịch cả nhà 4 người.
Nguyên văn câu chuyện như sau:
“Mẹ chồng đi chăm con dâu đẻ mà cứ kêu ốm xong lên giường năm cả ngày. Chỉ đợi thằng con út tắm xong là dậy giặt quần áo cho (không phải chồng em), cháo sườn con dâu nấu từ tối hôm trước để sáng hôm sau dậy có cái ăn thì sáng bà dậy múc ăn trước để lại ít cháo với xương không. Tối thì bảo ốm không ngủ với cháu mà đi xuống tầng dưới ngủ với con giai út. Nếu là các chị thì thế nào ạ? Em đẻ 5 ngày đã phải dậy đi chợ nấu cơm phục vụ cho 4 người khỏe mạnh.
(Vợ chồng em thuê nhà ở Hà Nội làm chứ không ở chung với bố mẹ chồng ở quê)”
Ngay khi xuất hiện, câu chuyện đã lập tức thu hút sự quan tâm của 500 chị em, trong đó, đa phần các thành viên trong hội đều tỏ ra bức xúc thay cho gái, ném đá kịch liệt hành động vô tâm của bà mẹ chồng và thắc mắc “không biết vai trò của người chồng đang ở đâu?”
Trước việc mới sinh chưa vỏn vẹn một tuần mà đã phải dậy làm đủ thứ việc, hội chị em “bỉm sữa” cũng đưa ra những lời khuyên: “Xin về ngoại thôi chứ ở như này ức chế sau lại thành ra trầm cảm”, “Về nhà mẹ đẻ đi, chị làm sớm đau đủ bệnh á”, “Phải kiêng nước, gió ít nhất 1 tháng không sau này sẽ bị sản”.
Một số người lại đồng cảm với nhân vật vì quá giống với hoàn cảnh bản thân từng trải qua, như lời tâm sự của tài khoản Trang Lê chia sẻ: “Mình cũng từng như thế. Cũng đẻ được 5 ngày xong phục vụ 2 người lớn khỏe mạnh. Mẹ chồng chỉ ăn xong ngủ, chồng tối ngày đi chơi, một nách 2 đứa con. Giờ nghĩ lại vẫn uất. Mang tiếng mẹ chồng ra thăm mà mình mệt thêm, bà vẫn được tiếng chăm con dâu đẻ.”
Bên cạnh đó, cũng có không ít bà mẹ trẻ đọc được câu chuyện mới cảm thấy mình còn may mắn. Nickname Khách Trần Gian bình luận: “Tớ thì khác. Mẹ chồng chăm bẵm từ khi mới sinh. Đến bây giờ nấu cơm bưng vào cho con ăn xong thì bê bát đi rửa. Sáng ra khi nào cũng sửa soạn nước lá trầu cho rửa. Áo quần bận rộn như nào mẹ cũng giành giặt cho. Tôi nói để con tự làm nhưng mẹ vẫn làm giúp”.
Tài khoản Hoàng Yến cũng tiếp lời với tâm thế bất ngờ: “Mới 5 ngày mà đã dậy đi chợ nấu cơm rồi á. 5 ngày của tôi còn nằm trên giường mẹ mang cơm lên tận phòng ăn, bà mang lên mang xuống. Ăn cơm ngán bà còn mua phở bò cho ăn cho đỡ chán. Sáng nào cũng nấu cháo móng giò cho con dâu. Hoa quả, bánh kẹo bà đi hỏi mọi người ăn được là bà mua mang về để trên phòng. Quần áo của cháu bà tự giặt mặc dù nhà có máy. Tắm cho cháu bà cũng tự tắm...”
Xuất phát điểm là những người xa lạ về chung một gia đình, dẫu biết rằng giữa mẹ chồng – nàng dâu còn nhiều hiểu lầm và những điều khó nói. Nhưng mẹ chồng ơi, “yêu thương khởi nguồn từ yêu thương”, người con dâu rồi có không tốt chăng mấy thì cũng sẽ thay đổi, sẽ vẹn tâm toàn ý khi được ở bên một mẹ chồng mẫu mực, chu đáo và sâu sắc. Còn chị em thì sao? Nếu là nhân vật chính của câu chuyện này, bạn sẽ làm gì để thuận cho bản thân và cho cả mái ấm nhỏ của mình?
Theo Trang Trang NF (Helino)