Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm.
Tiết khí này được lập lịch theo quan niệm của các quốc gia phương Đông. Người xưa chọn ngày đầu tiên của tiết Thanh minh để làm ngày tết Thanh minh.
Năm 2023, tết Thanh minh sẽ nhằm ngày 5/4 Dương lịch (15/2 Âm lịch), sau khi kết thúc tiết xuân phân và kéo dài đến ngày 20/4.
Trong dịp Thanh minh, người Việt thường chuẩn bị mâm cúng tại nhà và ngoài mộ. Tùy từng gia đình, lễ cúng Tết Thanh minh có thể là lễ chay hoặc lễ mặn. Ngoài ra, mọi người cần chuẩn bị thêm các lễ vật gồm: hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng.
Mâm cúng Thanh minh tại nhà thường có một số món ăn như: xôi, gà luộc, canh măng, các món xào… Bên cạnh đó, mâm cúng Thanh minh còn cần thêm trái cây, hoa tươi, trầu cau, vàng mã… Nếu không muốn cúng lễ mặn, mọi người có thể làm mâm cúng chay.
Với những gia đình không nấu cỗ cúng Tết Thanh minh, gia chủ có thể thắp hương với trái cây tươi, trà, một ít bánh, kẹo để tỏ lòng biết ơn với tổ tiên.
Trước khi cúng Thanh minh tại nhà, gia chủ cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng và lau sạch bàn thờ gia tiên. Người cúng cần chuẩn bị trang phục lịch sự, sạch sẽ, chỉnh tề rồi lên hương, sau đó vái lạy tổ tiên và đọc văn khấn. Khi một tuần hương cháy hết, gia chủ có thể hóa vàng và xin thụ hưởng lộc.
Mâm cúng Thanh minh ở ngoài mộ
Mâm cúng Thanh minh ở ngoài mộ cũng được chia thành lễ chay và lễ mặn. Bạn nên chuẩn bị các lễ vật cần thiết như hương, đèn, chè, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng.
Với mâm cỗ chay, bạn chuẩn bị một số món như xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo, muối, bỏng, bơ, mật ong.
Mâm cỗ mặn có rượu, thịt heo, chân giò, gà luộc hoặc khoanh giò. Nếu ngoài mộ có nhiều bát hương thì bát nào cũng phải thắp hương, lễ vật đặt trên bàn chung.
Trước khi cúng mộ, người ta đem theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ. Điều này giúp tránh vừa tránh các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ, vừa không phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau khi dọn sạch mộ, người tảo mộ đặt lễ vật cúng tết Thanh minh vào chỗ thờ chung để làm lễ.
Bắt đầu vào lễ cúng bái, gia chủ thắp hương, đèn và khấn theo bài cúng lễ Thanh minh. Khi hoàn tất, gia chủ chờ cho hương cháy khoảng 2/3 thì lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Trường hợp gia chủ viết bài cúng ra giấy thì đọc xong đem hóa cùng tờ tiền giấy vàng.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần cắm một nén hương cho những ngôi mộ gần cạnh đó để tỏ lòng kính trọng và chia sẻ sự thành kính với những ngôi mộ không được chăm sóc cẩn thận hay vô chủ, không có người viếng thăm.
(Tổng hợp)
Theo Ngọc Lài (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/mam-le-cung-tet-thanh-minh-2023-trong-nha-va-ngoai-mo-day-du-nhat-2126233.html