Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì?

10/08/2019 08:12:39

Rằm tháng 7 là Tết Trung Nguyên. Người Việt quan niệm đây cũng là ngày xá tội vong nhân, vì vậy mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị thật chu đáo và trang nghiêm, gồm cả lễ cúng rằm tháng 7 trong nhà và ngoài trời.

Rằm tháng 7 là ngày gì?

Rằm tháng 7 là ngày Tết Trung Nguyên, cũng là ngày xá tội vong nhân theo phong tục của các nước Á Đông. Nhiều người cho đến nay vẫn còn nhầm lẫn, cho rằng rằm tháng 7 và lễ Vu lan là một. Thực ra đây là hai lễ khác nhau hoàn toàn. Ngày xá tội vong nhân còn gọi là lễ cúng cô hồn, mục đích để cầu siêu, tưởng nhớ những vong hồn lang thang. Trong khi đó lễ Vu lan là ngày lễ để con cháu tri ân, báo hiếu tổ tiên, gia tiên, cha mẹ đã khuất, mục đích để giáo dục con người về lòng hiếu thảo, biết ơn và biết đền ơn đấng sinh thành.

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì?

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, gọi là ngày xá tội vong nhân vì đây là ngày cửa ngục mở, ân xá cho vong nhân. Vì thế các gia đình làm lễ cúng cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế. Đây cũng là ngày mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Vào "tháng cô hồn" (tháng 7 âm lịch), theo phong tục dân gian, người Việt tin là tháng không may mắn và có những điều kiêng kỵ, cũng như là khuyến khích ăn chay và làm việc từ thiện.

Ngoài ra, việc cúng lễ trong ngày rằm tháng 7 cũng rất được coi trọng. Cách chuẩn bị mâm lễ cúng, các nghi lễ cúng bái, khấn vái đều được thực hiện trang nghiêm và cẩn trọng. Thông thường lễ cúng cô hồn được tiến hành sau lễ cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên.

Trong khi đó, vào ngày rằm tháng 7, các chùa cũng đều làm lễ chay chạy đàn, phá ngục cho các tội nhân.

Mâm cúng rằm tháng 7 gồm những gì?

Lễ cúng rằm tháng 7 thường có các lễ: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và cúng phóng sinh. Lễ cúng Phật, thần linh và gia tiên thường được thực hiện vào ban ngày, lễ bố thí cho các cô hồn không nhà không cửa, không nơi nương tựa được thực hiện sau đó, vào buổi chiều tối. Theo quan niệm Phật giáo, lễ cúng cô hồn không nên làm cỗ mặn bởi đồ ăn mặn sẽ khơi dậy "tham, sân, si" khiến vong hồn khó siêu thoát, mãi quanh quẩn ở trần thế quấy nhiễu dương gian.

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì? - 1
Mâm cỗ cúng cô hồn trong truyền thống thường bao gồm: cháo loãng, gạo, muôi, cơm trắng, canh, nước lã, xôi, chè (các loại chè), khoai (khoai lang, khoai sọ) luộc, bỏng ngô, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, thuốc lá, hương hoa, quần áo chúng sinh… Yêu cầu mâm cúng được trình bày đẹp mắt, sạch sẽ gọn gàng và thể hiện được thái độ trân trọng.

Lễ cúng Phật, thần linh, gia tiên có thể cúng mặn hoặc cúng chay tùy vào gia chủ. Miễn sao nghi lễ được thực hiện trang trọng và lòng thành. Với mâm cúng Phật ngày rằm tháng 7, có thể chuẩn bị mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả. Thông thường các gia đình thường đọc một khóa kinh (kinh Vu lan) khi làm lễ cúng này, nhằm hồi hướng công đức cho những người thân đã khuất.

Mâm cúng thần linh, gia tiên có thể chuẩn bị các món ăn truyền thống như bánh chưng, xôi, thịt gà, nem rán, canh măng, món xào, món nộm. Ngoài ra, lễ cúng có dâng hương hoa, trầu cau, tiền vàng.

Cúng rằm tháng 7 như nào?

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì? - 2
Cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị các lễ cúng như sau.

Cúng Phật

- Vị trí đặt lễ: Lễ cúng Phật được đặt ở nơi cao nhất.

- Hoa tươi: Hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu... Không dùng các loại hoa tạp, hoa dại khi cúng rằm tháng 7.

- Mâm cỗ cúng chuẩn bị như sau: Sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà.

Cúng thần linh và gia tiên

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì? - 3
- Vị trí đặt lễ: Lễ cúng thần linh đặt dưới lễ cúng Phật và trên Lễ cúng gia tiên.

- Mâm cỗ cúng thần linh bao gồm: Theo tục lệ của người Việt, lễ cúng thần linh thường cúng gà trống để nguyên con và xôi (hoặc bánh chưng bóc hết lá nhưng không cắt thành miếng), lễ đầy đủ phải có thêm rượu, trái cây và bình hoa.

- Mâm cỗ cúng gia tiên bao gồm: Lễ cúng gia tiên nên có một mâm cơm, có thể là món mặn, có thể là món chay tùy vào hoàn cảnh gia đình. Trên mâm cúng gia tiên bày một mâm cỗ mặn (thường có xôi gấc, gà luộc, các món xào, canh), tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật truyền thống (giống như đồ thật) như quần áo, giày dép, áo bào, cung điện, ngựa, các vật dụng trang sức...

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì? - 4
Mâm cúng rằm tháng 7 gồm các món thịt gà luộc, tôm sú hấp bia, nem rán, tim xào đậu cove, cà rốt, canh bí xanh nấu chân giò, dưa chua, bánh chưng. (Ảnh: Mai Chi)

Cúng chúng sinh

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì? - 5
- Vị trí đặt lễ: Lễ cúng chúng sinh nên cúng ngoài trời, hoặc trước cửa chính ngôi nhà

- Chuẩn bị mâm cỗ cúng bao gồm: Tiền vàng từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 đến 50 bộ. Tiền chúng sinh (tiền trinh), hoa, quả 5 loại 5 mầu (ngũ sắc). Bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc. Kẹo bánh, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá). Nếu cúng thêm cháo thì thêm mâm gạo muối (5 bát, 5 đôi đũa hoặc thìa).

Lưu ý trong mâm lễ cúng chúng sinh không cúng xôi, gà. Khi rải tiền vàng ra mâm, để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương, bày lễ và cúng ngoài trời.

Mâm cúng rằm tháng 7 trong nhà

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì? - 6
Mâm cúng rằm tháng 7 trong nhà gồm những món ăn truyền thống, giống như mâm lễ cúng Phật, gia tiên vào những ngày lễ tết. Lễ cúng cần chuẩn bị đầy đủ lễ vật và bài văn khấn chu đáo. Tham khảo văn cúng rằm tháng 7 trong nhà sau đây.

Văn khấn cúng thần linh tại gia rằm tháng 7 âm lịch

Nam mô A Di Đà Phật

Kính lạy: Ngài Kim niên Đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và chư vị thần linh cai quản xứ này.

Hôm nay là ngày rằm tháng 7 năm ………………… (Ví dụ: năm Giáp Ngọ)

Tín chủ chúng con tên là:…..................................... ngụ tại nhà số …., đường …., phường (xã) …., quận (huyện) …, tỉnh (thành phố) …. thành tâm sắm sửa hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.

Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim niên Đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này. Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, soi xét chứng giám.

Nay gặp Lễ Vu Lan, ngày vong nhân được xá tội, chúng con đội ơn Tam bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng chở che, công đức lớn lao nay không biết lấy gì đền đáp.

Do vậy, chúng con kính dâng lễ bạc, bày tỏ lòng thành, nguyện xin nạp thọ, phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình chúng con, người người khỏe mạnh, già trẻ bình an hương về chính đạo, lộc tài vương tiến, gia đạo hưng long.

Giải tấm lòng thành cúi xin chứng giám!

Văn khấn tổ tiên ngày rằm tháng 7 âm lịch

Nam mô A Di Đà Phật!

Kính lạy Tổ tiên nội ngoại họ …………............ (Ví dụ: Nguyễn, Lê, Trần …) và chư vị hương linh.

Hôm nay là rằm tháng 7 năm …………………. (Ví dụ: năm Giáp Ngọ)

Gặp Lễ Vu Lan vào dịp Trung nguyên, nhớ đến Tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành ra chúng con, gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức. Vi vậy cho nên nghĩ, đức cù lao không báo, cảm công trời biển khó đền. Chúng con sửa sang lễ vật, hương hoa kim ngân và các thứ lễ bày dâng trước án linh tọa.

Chúng con thành tâm kính mời: Các cụ Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, Bá thúc đệ huynh, cô dì tỷ muội và tất cả hương hồn trong nội tộc, ngoại tộc của họ ……....... (Ví dụ: Nguyễn, Lê, Trần …)

Cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng lâm linh sàng chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, bình an, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, hướng về chính đạo.

Tín chủ lại mời: các vị vong linh y thảo phụ mộc, phảng phất ở đất này, nhân lễ Vu Lan giáng lâm linh tọa, chiêm ngưỡng tôn thần, hâm hưởng lễ vật, độ cho tín chủ muôn sự bình an, sở cầu như ý.

Giải tấm lòng thành cúi xin chứng giám!

Mâm cúng rằm tháng 7 ngoài trời

Lễ cúng rằm tháng 7 ngoài trời chính là lễ cúng chúng sinh. Lễ này thường không cúng thịt gà và xôi mà cúng hoa quả, bánh kẹo, tiền vàng. Sau đây là văn khấn chúng sinh ngày rằm tháng 7 theo NXB Văn hóa Thông tin.

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì? - 7

Văn khấn thập loại chúng sinh

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần). Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.

Con lạy Đức Phật Di Đà

Con lạy Bồ Tát Quan Âm.

Con lạy Táo Phủ Thần quân Chinh thần.

Tiết tháng 7 sắp thu phân. Ngày rằm xá tội vong nhân hải hà. Âm cung mở cửa ngục ra. Vong linh không cửa không nhà. Đại Thánh Khảo giáo - A Nan Đà Tôn giả. Tiếp chúng sinh không mả, không mồ bốn phương. Gốc cây xó chợ đầu đường. Không nơi nương tựa đêm ngày lang thang. Quanh năm đói rét cơ hàn. Không manh áo mỏng - che làn heo may. Cô hồn năm bắc đông tây. Trẻ già trai gái về đây hợp đoàn.

Nay nghe tín chủ thỉnh mời. Lai lâm nhận hưởng mọi lời trước sau. Cơm canh cháo nẻ trầu cau. Tiền vàng quần áo đủ màu đỏ xanh. Gạo muối quả thực hoa đăng. Mang theo một chút để dành ngày mai.

Phù hộ tín chủ lộc tài. An khang thịnh vượng hòa hài gia trung. Nhớ ngày xá tội vong nhân. Lại về tín chủ thành tâm thỉnh mời. Bây giờ nhận hưởng xong rồi. Dắt nhau già trẻ về nơi âm phần. Tín chủ thiêu hóa kim ngân. Cùng với quần áo đã được phân chia

Kính cáo Tôn thần. Chứng minh công đức. Cho tín chủ con

Tên là:………………………………

Vợ/Chồng:…………………………

Con trai:……………………………

Con gái:…………………………….

Ngụ tại:……………………………..

Cỗ chay cúng rằm tháng 7


Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì? - 8
Mục đích cúng chay là để tránh sát sinh, tích công đức mà vẫn thể hiện được cái tâm của người làm lễ. Như đã nói ở trên, dù cúng chay hay cúng mặn, quan trọng nhất là cái tâm và lòng thành khi chuẩn bị và tiến hành lễ cúng rằm tháng 7. Sau đây là một số mâm cỗ chay cúng rằm tháng 7 cho các gia đình tham khảo. Các nguyên liệu trong mâm cúng chay đều có nguồn gốc thực vật, cách chế biến cũng đơn giản, chỉ cần vài bí quyết bài trí là đã có một mâm cỗ đẹp dâng Phật và gia tiên.

Thực đơn cỗ chay 1

- Nem chay làm từ cà rốt, miến, mộc nhĩ, nấm hương, rau mùi, su su, chút bột năng

- Canh thập cẩm: củ sen, hạt sen, nấm hương, cà rốt, hạt đậu Hà Lan

- Chè trôi nước ngũ sắc

- Xôi nấu từ lá cẩm đỏ và tím

- Củ quả luộc

- Bún xào chay thập cẩm

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì? - 9

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì? - 10

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì? - 11

- Nấm sốt bơ: Chọn loại nấm đùi gà nhỏ, loại to hơn cũng được nhưng sẽ dai hơn. Cắt dọc dày 0.5cm. Cho bơ vào rán nhỏ lửa cho hơi vàng xúc ra. Nếu không kiêng tỏi cho tỏi vào chảo với chút bơ cho vàng thơm, trút nấm vào đun nhỏ lửa. Hòa magi, đường, dầu vừng và một chút nước đổ vào đảo cho sệt lại là được.

- Củ cải cuộn nấm: Củ cải lạng mỏng 0.3cm. Hấp sơ cho mềm. Nhân là nấm rơm, đông cô, cà rốt 1 ít thái sợi. Xào hành cho thơm, xào các nguyên liệu, bỏ ra trộn 1 nửa bìa đậu phụ tán nhuyễn cho dẻo. Cuộn nhân đem hấp. Nước hấp thêm magi và ớt băm nhỏ.

- Rau củ lúc lắc

- Nem nấm chiên xù vỏ từ bánh Sandwich

- Salad bơ dưa hấu: Chọn bơ chín tới không mềm quá, dưa hấu nên chọn loại không hạt vì loại này nhạt hơn hợp với làm salad. Hai loại quả cắt vuông vừa ăn, dưa hấu có thể dùng muôi xúc thành quả tròn cho đẹp. Rau bạc hà thái nhỏ, hành tây tím, ớt sừng thái nhuyễn. Nước trộn gồm nước cốt chanh, dầu oliu, muối tinh, đường, đánh nhuyễn. Khi ăn trộn vào không trộn sớm quá tránh dưa hấu chảy nước.

- Nấm đạm chay xúc bánh đa

- Lẩu nấm

- Xôi đậu xanh

- Canh ngũ vị: Nước dùng ninh từ các loại rau củ, ninh nhỏ lửa trong khoảng 1h30 lấy nước trong. Nêm gia vị, thả táo đỏ, hạt sen, kỷ tử, đậu Hà Lan nấu mềm. Cuối cùng thả đậu hũ non.

 

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì? - 12

Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì? - 13

Nên cúng rằm tháng 7 vào ngày nào?

Theo văn hóa tâm linh của người Việt, ngày 2-14/7 âm lịch là các ngày "mở cửa địa ngục". Vào những ngày này, các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế, vảng vất khắp nhân gian. Vì tin là ngày mở cửa ngục ân xá cho vong linh nên dân gian sắm cỗ cúng các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa để được bình an, ma quỷ không quấy phá.

Ngày rằm tháng 7 là ngày lễ Vu lan, cũng là ngày cúng cô hồn (ngày xá tội vong nhân). Vào ngày này, mọi linh hồn đều được tự do. Vì thế nếu lễ cúng Phật, thần linh, gia tiên thực hiện vào đúng ngày rằm tháng 7 thì sẽ không tốt. Những vong hồn không nơi nương tựa có thể sẽ phá phách và tổ tiên, người thân đã khuất có thể không nhận được đồ cúng tế. Bởi vậy lễ cúng rằm tháng 7 nên được tiến hành trước đó 1 tuần hoặc vài ngày, không cúng đúng ngày 15/7 âm lịch.

Theo Hải Vân (Thời Đại)