Báo Tin tức giới thiệu buổi lễ cúng rằm tháng 7 của gia đình ông Lê Văn Khôi, Giáp Nhất, Thanh Xuân, Hà Nội.
Giữa phố xá nhộn nhịp, đông đúc, nhà nhà san sát thì gia đình ông Lê Văn Khôi vẫn giữ được ngôi nhà mái ngói âm dương, khoảnh sân rộng rãi. Ông Lê Văn Khôi cho biết: “Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1941. Đây cũng là một trong những ngôi nhà duy nhất của làng Giáp Nhất không bị phá hủy bởi bom đạn chiến tranh”.
Ông Khôi sinh được 7 người con, trong đó có 6 nữ, 1 nam đều sinh sống ở Hà Nội. Vào dịp này, ông bà đón các con, cháu trở về để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà đã mất.
Ông Lê Văn Khôi chia sẻ: “Có câu ca: Tháng Giêng ăn Tết ở nhà/Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè/ Tháng tư đọng đậu nấu chè/ Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm/ Tháng sáu buôn nhãn bán trâm/ Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân... Với ý nghĩa của câu ca này, ngày rằm tháng 7 thực tế là ngày xá tội vong nhân. Làng Giáp Nhất nhiều đời nay có Đình và Chùa đều làm lễ xá tội vong nhân. Còn các gia đình tùy tâm thực hiện. Nhưng chí ít là làm mâm cơm cúng thần linh, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, những người đã khuất”.
Chị Huỳnh Thị Liên, người con dâu duy nhất trong gia đình ông Khôi cho biết: “Phong tục tập quán mỗi nơi mỗi khác, tôi là người Đà Nẵng làm đâu Hà Nội đã 22 năm. Dịp rằm tháng 7, gia đình tôi chuẩn bị mâm cơm thắp hương tổ tiên, ông bà. Nghe các cụ nói là ngày này người cõi âm đoàn tụ với gia đình”.
“Cách cúng rằm tháng 7 đến nay tùy theo điều kiện mỗi gia đình. Có gia đình bên cạnh mâm cơm cúng thần linh, tổ tiên, có chuẩn bị mâm cúng vong, đốt vàng mã. Tuy nhiên, gia đình tôi chuẩn bị mâm cơm, vàng mã tượng trưng. Gia đình có anh chị em, con cháu khá đông nên dịp này mỗi người đều đến phụ một tay, cùng thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đến những người đã khuất trong gia đình. Đây cũng là dịp để con cháu được đoàn viên, vui vẻ. Đây là truyền thống của gia đình mà tôi thấy được hơn 20 năm về làm dâu”.
Dưới đây là một số hình ảnh lễ cúng rằm tại nhà ông Lê Văn Khôi:
Theo Văn Phú (Báo Tin Tức)