3- 5 triệu/tháng: Có đủ sống ở Sài Gòn?
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đông đúc nhất cả nước với gần 9 triệu dân. Với nhiều người, đây thực sự là miền đất hứa bởi luôn có rất nhiều cơ hội việc làm cùng hệ thống đô thị hiện đại, cơ sở hạ tầng phát triển với những tòa nhà cao chọc trời cùng rất nhiều khu vui chơi giải trí hấp dẫn.
Nhiều hứa hẹn là thế nhưng đi cùng với đó đương nhiên là áp lực không hề nhỏ bởi chi phí sinh hoạt ở Sài Gòn khá đắt đỏ. Vậy nếu đang sinh sống và làm việc tại đây, bạn cần có thu nhập hàng tháng bao nhiêu thì mới đủ? Đây là câu hỏi được rất nhiều sinh viên đặt ra khi chuẩn bị hành trang "Nam tiến".
Câu chuyện 3 triệu hay 5 triệu/ tháng có đủ sống hay không vốn gây tranh cãi từ trước đến nay. Cuối năm ngoái, một nữ sinh chia sẻ các khoản chi tiêu trong tháng với trung bình 5 triệu đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Người đồng tình, kẻ lại bảo chỉ 3 triệu/ tháng cũng đủ.
Đó là với nữ sinh, còn với các nam sinh viên thì lại cho rằng 3 triệu là đủ (nếu chưa có người yêu). Cụ thể, bạn Nguyễn Văn C. liệt kê: Một tháng ba mẹ cho 1,5 triệu đủ tiền phòng ở ghép 2,3 người. Tiền ăn hết 500k/ tháng, tiền nước 100k, tiền phát sinh 500k. C. cho biết sở dĩ tiền ăn ít vì tháng nào ba mẹ cũng gửi đồ ăn ra. "Cứ đi trà sữa, đi nhậu, chơi game thì tiền tấn nào cũng hết chứ nói gì 3 triệu", nam sinh này nói.
Còn với nhiều sinh viên khác ở các quận trung tâm, mức sống cao hơn thì khoản 3 hay 5 triệu chỉ vừa đủ chứ không thể dư dả, thậm chí phải chi tiêu rất dè xẻn. Bạn T.Thức (SV năm 3 ở TP.HCM) nói: "Con trai 1 tháng đi party, đi nhậu trung bình 300 - 500k/ lần là ít. Rồi tiền để cưa cẩm crush, bạn gái cũng tốn thêm 500k/ tháng. Tiền trọ, ăn uống, mua quần áo bèo lắm cũng tốn hết 2,5 triệu/ tháng rồi. Còn nhiều thứ lặt vặt phát sinh như xà bông, cafe, card điện thoại hết 300k nữa".
Làm nghề bảo vệ với thu nhập 10 triệu đồng/tháng, chú Văn Phương (Quận 3) cho biết mỗi tháng chú chỉ chi tiêu hết 1 nửa số tiền này (5 triệu). Quan điểm của chú là việc chi tiêu thế nào cho đủ tùy thuộc nhu cầu và điều kiện của mỗi người.
Từ mức sống chỉ 3-5 triệu/ tháng, các bạn sinh viên cho rằng nếu ra trường đi làm, lương 10 triệu - 15 triệu/ tháng là đủ sống "thả phanh" nhưng thực chất có phải như vậy?
10 - 20 triệu/ tháng: Kiểu nào cũng... bay hết!
Từ cuộc sống sinh viên với chi tiêu 5 -6 triệu/ tháng, khi kiếm được công việc mức lương 13 triệu/ tháng, T.Hằng (23 tuổi, NV văn phòng ở quận 4) ngỡ mình sẽ dành được ít nhất là 3 triệu/ tháng để gửi về gia đình nhưng thực tế phũ phàng: Lương tháng nào hết veo tháng đó!
Hằng chia sẻ: "Ngày trước chỉ đi học rồi làm thêm, không về nhà trọ thì la cà ăn vặt vỉa hè, tháng 5 triệu vẫn đủ. Nhưng khi đi làm thì không hiểu sao nhu cầu cứ phát sinh đủ thứ: đi mua sắm cùng chị em đồng nghiệp, lâu lâu đi du lịch, đi ăn ốc, BBQ, cafe ăn trưa, tiền túi xách giày dép mỹ phẩm cũng đầu tư hơn... cứ thế tháng nào cũng tiêu hết sạch, kể cả tháng đấy có được thưởng thêm lương thì cũng không dành được bao nhiêu!". Theo Hằng, nhu cầu chi tiêu và mức sống của mỗi người sẽ tăng dần theo mức thu nhập cá nhân, vì vậy mà 3 triệu hay 13 triệu cũng... hết như nhau!
Chưa kể khi mức sống cao hơn, nhiều người sẽ cảm thấy việc không được mua sắm, cafe, du lịch là... đau khổ. Với các nhân viên văn phòng, việc lạm dụng thẻ visa còn khiến họ mang theo một khoản nợ hàng tháng vì không "kiềm chế" được hấp dẫn của những món hàng trên mạng. Nhiều người lĩnh lương xong, trả dư nợ sao kê xong thì "bay" luôn nửa tháng lương.
Không phải nặng gánh gia đình vì sống cùng bố mẹ ở Sài Gòn, anh Đình Quang (NV Ngân hàng) với mức lương, thuởng tầm 15- 16 triệu đồng/ tháng đã trích khoảng 5 triệu đồng để dành cho Quỹ dự phòng. Theo anh Quang, nếu tháng nào tiêu hết tháng đó mà không có một khoản tiết kiệm thì thế nào cũng thâm hụt lương khi gặp biến cố.
"Kể cả có tiền để dành riêng nhưng đôi khi một năm nhìn lại số tiền tiết kiệm cũng không đáng là bao. Chẳng hạn Quỹ dự phòng được 15 triệu thì đồ công nghệ mới ra tôi mua ngay thế là cũng hết. Máy tính, xe cộ hỏng hóc cũng tốn cả mớ tiền sửa. Chưa kể đau ốm, thuốc thang, tiền mua sắm, quà cáp cho bạn gái. Bây giờ nhu cầu đi du lịch cũng tăng cao, mà đi một chuyến ra nước ngoài thì tốn cả chục triệu rồi. Theo tôi, phải 20 triệu/ tháng thì một người đàn ông mới có thể đủ mà lo cho bản thân, gia đình và bạn gái", anh Quang nói.
"Chưa có nhà ở Sài Gòn thì lương phải 60 triệu mới đủ nuôi gia đình!"
Trong một cuộc khảo sát nhỏ với một số cư dân ở các độ tuổi khác nhau, hiện đang sinh sống, làm việc trong các ngành nghề khác nhau hay học tập tại Sài Gòn, chúng tôi nhận ra rằng cái "đủ" là rất khác với mỗi người.
Clip: Người trẻ lương bao nhiêu mới đủ sống ở Sài Gòn? - Thực hiện: Kingpro. |
Theo đó, việc "sống đủ", "sống dư", "sống hạnh phúc" là những khái niệm không dựa vào thu nhập bao nhiêu mà dựa vào khoản chi tiêu thế nào. Những phụ nữ thường xuyên phải chi tiền vào việc mua mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp, mua túi áo hàng hiệu cho rằng những ai không có nhu cầu cho những thứ này là một... may mắn.
"Mình thấy có những bạn da dẻ đẹp đẽ, mạnh khỏe, công việc không đòi hỏi phải ăn diện mỹ phẩm đắt tiền thì sẽ đỡ được một khoản khấm khá cho hạng mục này. Riêng mình đã quen việc đã ra đường là phải trang điểm, công việc đòi hỏi không thể ăn mặc xuề xòa nên tiền đầu tư cho những thứ này mỗi tháng cũng ngốn hết 2/3 số lương.Chưa kể mặt mình lại hay bị nổi mụn, dị ứng, tháng nào cũng tốn cả triệu bạc skincare", chị Ngọc, nhân viên sale một công ty bất động sản cho biết. Hiện chị Ngọc đang thuê một phòng riêng đầy đủ tiện nghi và sống một mình, giá 5 triệu/tháng chưa kể điện nước, do vậy theo chị, lương phải hơn 25 triệu mới đủ trả tiền nhà, mỹ phẩm, đi skincare, cafe, ăn uống bên ngoài, bar club với bạn bè.
Còn anh Duy, một nhân viên văn phòng ở quận 3 cho rằng, thu nhập từ 15 triệu trở lên là có thể sống thoải mái nếu... không tính tới chi phí thuê nhà.
"Thu nhập hàng tháng của mình khoảng từ 25 triệu. Mình nghĩ nếu trừ đi chi phí thuê nhà thì từ 15 triệu đồng trở lên là có thể sống thoải mái", anh Duy nói. Theo anh Duy, với số thu nhập nói trên, anh có thể đảm bảo cho sở thích mua sắm quần áo, máy ảnh của mình.
Như vậy, có thể thấy, đến Sài Gòn lập nghiệp thì chi phí dành cho nhà cửa chiếm phần khá lớn trong chi tiêu của mỗi người. Đặc biệt với những người trẻ không muốn ở ghép hoặc ở những căn phòng, dãy trọ chật hẹp. Họ sẵn sàng bỏ ra từ 5 -7 triệu/ tháng để thuê phòng riêng, căn hộ chung cư và tiết kiệm vào khoản khác. "Làm gì thì làm cũng phải có chỗ ở tươm tất sạch đẹp, sống thế mới ra sống".
Đồng quan điểm này, anh Phước - nhân viên kinh doanh cho biết, vì không thích thuê nhà nên anh đã mua trả góp một căn hộ ở Sài Gòn. Chi phí mua trả góp căn hộ hiện đang chiếm tới 70% trong thu nhập 30 triệu/ tháng của anh.
"Theo mình để có thể sống thoải mái tại Sài Gòn thì bạn cần có nhà sẵn. Nếu đã có nhà mà thu nhập 30 triệu/ tháng thì cuộc sống sẽ khá sung túc, còn nếu chưa thì phải kiếm được... 60 triệu", anh Phước chia sẻ.
Như vậy có thể thấy, chuyện kiếm được tiền bao nhiêu, lương bổng thế nào cũng chưa chắc quyết định được bạn có "đủ" sống hay không. Tất cả đều tùy vào nhu cầu và mức độ hưởng thụ cũng như bài toán chi tiêu của từng người. Ai cũng muốn tiết kiệm nhưng tiết kiệm như thế nào thì không phải ai cũng biết!
Theo báo cáo khảo sát, người tiêu dùng Đông Nam Á dẫn đầu khi nói đến tiết kiệm, và ý định này vẫn không thay đổi trong hai năm qua. Trong quý II/2018, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam mong muốn tiết kiệm chiếm đến 70%.
Tuy nhiên, sau khi chi trả cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu, người tiêu dùng Việt Nam sẵn lòng chi tiêu cho các hạng mục lớn vì họ muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. 49% người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho các kỳ nghỉ và du lịch, 46% người tiêu dùng Việt Nam muốn chi tiền cho quần áo và các sản phẩm công nghệ mới. Ngoài ra, 43% người Việt muốn chi cho các hoạt động giải trí gia đình và 38% muốn chi tiêu cho việc nâng cấp/trang trí nhà cửa.
Theo Q.T (Trí Thức Trẻ)