Luật nhân quả: Giàu là nhờ bố thí, nghèo là do bủn xỉn hà tiện

26/05/2015 22:07:50

Trong cuốn sách Nhân quả Giàu - Nghèo, Thượng toạ Thích Chân Quang có viết: Giàu là do siêng năng giúp đỡ, bố thí người khác. Nghèo là do hà tiện, bỏn xẻn, ích kỷ, không chịu bố thí.

Trong cuốn sách Nhân quả Giàu - Nghèo, Thượng toạ Thích Chân Quang có viết: Giàu là do siêng năng giúp đỡ, bố thí người khác. Nghèo là do hà tiện, bỏn xẻn, ích kỷ, không chịu bố thí.
Khi phân tích nhân quả đầu tiên này cũng giống như là chúng ta đã chê người nghèo là đời xưa bỏn xẻn, ích kỷ. Thật ra không phải như vậy, khi phải phân tích thì buộc chúng ta phải liệt kê hết từng trường hợp. Đây là nhân căn bản nhất chứ không phải là nhân duy nhất của tất cả người mắc nghiệp nghèo, không phải ai nghèo cũng là do bỏn xẻn, không phải ai giàu cũng là do tung tiền bừa bãi.
 

Không phải ai nghèo cũng do bỏn xẻn, không phải ai giàu cũng do tung tiền bừa bãi (Ảnh: My Broadband)

 
Người không biết đạo Phật, không tin nhân quả mà nghèo, thì có lẽ kiếp xưa do bỏn xẻn, ích kỷ. Còn những Phật tử thuần thành bị nghèo thì có thể không phải là do bỏn xẻn mà là do nguyên nhân khác, chúng ta sẽ đề cập sau.
 

Những người không tin vào nhân quả mà nghèo có lẽ do kiếp xưa bỏn xẻn, ích kỷ (Ảnh: Xinhua)

 
Có lần, một thanh niên lên chùa gặp chúng tôi than thở: "Thưa Thầy, đời con khổ quá, bây giờ con chỉ muốn đi chùa cho bớt khổ". Nghe xong chúng tôi nói: "Con càng đi chùa thì càng khổ, vì con đang tránh né cái nghiệp con đã gây ra từ đời trước". Vì sao vậy? Vì trên gương mặt người này hiện lên rõ ràng đây là con người khá ích kỷ, chấp nhặt, khó tính, bỏn xẻn, hà tiện. Đời này nghèo khổ nên cứ thích đến chùa, đi chơi cho khuây khoả, để cảm thấy mình có giá trị nơi đời sống tâm linh tín ngưỡng. Làm như vậy là trốn tránh nghiệp cũ, càng trốn thì càng nghèo, càng khổ.
 

Càng bỏn xẻn, trốn tránh nghèo khó thì càng nghèo khổ (Ảnh: Telegraph)

 
Sau đó chúng tôi mới khuyên: "Con phải quay lại đối diện với cái nghiệp nghèo của con, nghiệp của con là do bỏn xẻn, phải tự mình sám hối lỗi lầm rồi nỗ lực chuyển nghiệp cho mình bằng cách làm công quả giúp đời giúp người, chưa có khả năng nhiều thì cố gắng bố thí, làm phước từng chút, từng chút một. Đừng thấy ai rủ đi chùa là lật đật đi theo, như thế không thể hết nghèo được". Nói nghe thật kỳ, thầy tu mà lại khuyên người ta đừng đi chùa, nhưng đối với người này thì chúng tôi cần phải nói rõ như thế mới có thể buộc họ quay lại đối diện với cái nghiệp bỏn xẻn của chính họ.
 

Đi tu mà tâm bỏn xẻn sẽ không vượt qua được nghiệp bỏn xẻn (Ảnh: Irrawaddy.org)

 
Rồi cũng trong ngày hôm đó, có hai người một nam một nữ đến thăm chúng tôi. Người nam có gương mặt hà tiện, nghèo khổ hiện ra rất rõ; cô bạn đi cùng có khuôn mặt cực kỳ rạng rỡ, giàu sang và rộng rãi. Hai người đứng cạnh nhau mà mọi thứ hiện lên trái ngược nhau hoàn toàn.
 
Chúng tôi nói với người nữ: "Con sẽ giàu cả đời con, thậm chí giàu đến cả đời con đời cháu, bởi vì gặp ai con cũng muốn giúp. Con đã vượt qua được cái khó khăn vật chất thì bây giờ tới lúc phải tu, phải mở mang về tâm linh. Con không nên, không được phép đứng yên nơi phước vật chất để rồi thụ hưởng, rất uổng phí".
 

Gương mặt phần nào thể hiện một người có tính cách rộng rãi hay bỏn xẻn (Ảnh: The Star)

 
Còn với anh bạn đi cùng thì chúng tôi nhắc nhở: "Con còn nghiệp bỏn xẻn, nghèo khổ nên phải đập vỡ được nghiệp này, phải chuyển nghiệp để trở nên khá giả hơn rồi sau đó mới nới tới chuyện tu tập tâm linh". Bởi tu tập tâm linh không hề dễ, phải lấy bề dày của phước làm căn bản, phải có được nền tảng đó hoặc nếu chưa có phước sâu dày thì phải là người biết sống vì người khác, biết làm những việc tạo phước, không bỏn xẻn ích kỷ thì mới có thể bắt đầu đi vào tu tập.
 

Hãy biết làm những việc tạo phước (Ảnh: Brett Rush)

 
Chúng ta hãy tự nhìn lại bản thân mình, kiểm tra xem trong suốt thời gian từ khi sinh ra đến bây giờ, mình có bỏn xẻn, ích kỷ, hà tiện không? Hay là cả quá trình sống rất rộng rãi, dễ bố thí, thích giúp đỡ người khác? Cách phát hiện như sau: Người có tính rộng rãi thì lúc nhỏ ra sao không biết nhưng đến khoảng tám, chín tuổi là đã bộc lộ rõ ràng. Nếu người nào đến ba chục tuổi vẫn chưa thấy mình có tính rộng rãi, thì đảm bảo có nghiệp bỏn xẻn. Nghiệp bỏn xẻn là như thế nào?
 

Tính rộng rãi hay bỏn xẻn ở mỗi người bắt đầu bộc lộ từ năm 8-9 tuổi (Ảnh: Mom Tastic)

 
Chúng ta để ý từ những việc nhỏ nhất như hồi nhỏ nếu có bánh thì tìm chỗ kín đáo để ăn một mình, không cho ai thấy. Nếu buộc phải bẻ bánh chia cho bạn thì mình dành phần lớn hơn, nếu được bạn chia bánh thì liếc xem nó đưa cho mình phần nhỏ hay phần lớn. Từ nhỏ đã thể hiện tính so đo, tính toán, bỏn xẻn rồi, đến khi lớn lên còn nhiều chuyện hơn nữa. Tính cách điển hình của kiểu người này là cái gì cũng lo cho bản thân trước, ít thông cảm được với nỗi khổ của người khác.
 

Những người bỏn xẻn luôn lo cho bản than mình trước (Ảnh: Daily Mail)

 
Ví dụ, lần đó mình mua bắp (ngô) luộc từ một gánh hàng rong của một người nghèo. Để chọn cho được trái bắp to ngon nhất, ưng ý nhất, mình đã tàn nhẫn lột vỏ hết trái bắp này đến trái bắp kia ra xem. Không cần biết là sau đó người bán sẽ rất khó bán, vì không ai thích mua những trái lem nhem như thế. Chưa hết, mình còn phải trả giá thật sát mới chịu mua trong khi tiền đầy túi. Chỉ vì miếng ngon, lợi mình mà không biết nghĩ cho người bán, không biết thương người nghèo khổ. Đây là nghiệp bỏn xẻn và ích kỷ, nhân của nghèo khổ về sau.
 

Bỏn xẻn và ích kỷ từ nhỏ đến lớn sẽ tạo nhân nghèo khổ về sau (Ảnh: BenSternke)

 
Hoặc một người không có sự đồng cảm thương yêu đối với những người khó khăn, những hoàn cảnh éo le, những chúng sinh tội nghiệp thì cũng chắc chắn mắc nghiệp bỏn xẻn, ích kỷ và nguy cơ nghèo đói đang chờn vờn trước mắt họ. Như mình đang ngồi ăn một món rất ngon lành thì có con chó chạy đến gần, nó nhìn mình ăn một cách thèm thuồng và vẫy đuôi tỏ ý muốn xin nhưng mình thản nhiên lạnh lùng quay đi, không thèm đếm xỉa đến cái thèm của nó, thì đây là nhân của nghèo khổ.
 

Hãy biết thương yêu và chia sẻ tới cả động vật (Ảnh: One Big Photo)

 
Người biết thương người, thương vật thì tự nhiên có thể hiểu được nỗi khổ của người khác từng chút, từng chút một. Chỉ cần người khác nhúc nhích gì là họ biết người này đang khổ hay không khổ để lo lắng ngay, họ thương yêu vạn loài tinh tế đến từng vấn đề nhỏ nhất như thế.
 

Người biết thương người luôn quan tâm, thấu hiểu nỗi khổ của người khác (Ảnh: CBS News)

 
Ví dụ có người đến thăm, mình liền nghĩ ngay đến việc người này đi đoạn đường bao xa, có mệt không, bụng đã đói chưa để mà lo cơm nước, lo chỗ nghỉ ngơi. Nếu khách đến chơi mà mình chỉ mãi tiếp chuyện, không để ý đến việc người ta vừa đi một đoạn đường dài, mệt mỏi, bụng đói vì chưa kịp ăn hoặc chưa tiện ăn... đã không để ý mà cũng chẳng hỏi han, thì biết rằng mình thiếu tính vị tha, chỉ chăm chăm lo cho mình, ít nghĩ tới cái cần của người khác. Đó là nghiệp bỏn xẻn.
 
Trên đây là những tâm lý chúng ta cần kiểm tra lại để xem mình có mắc nghiệp bỏn xẻn hay không, nếu có thì cố gắng sửa đổi, vượt qua.
 
Theo lời Phật dạy, để làm một bậc Thánh thì trước tiên là phải đập vỡ nghiệp bỏn xẻn. Trong Tứ thánh quả, từ sơ quả Tu Đà Hoàn, nhị quả Tư Đà Hàm, tam quả A Na Hàm và tứ quả A La Hán thì người chứng sơ quả Tu Đà Hoàn được Phật định nghĩa rất rõ ràng là người "không có đôi bàn tay nắm lại, sống với tâm tràn đầy vị tha".
 
(Theo Nhân quả Giàu - Nghèo - Thượng toạ Thích Chân Quang)
 
Theo P.V (Depplus.vn/MASK Online)

Nổi bật