Sau khi sinh con, người phụ nữ phải trưởng thành lên rất nhiều, dù muốn hay không muốn, họ cũng buộc phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho đứa con bé bỏng. Ấy vậy mà, đó lại là thời điểm họ bỗng mỏng manh, yếu đuối vô cùng, đặc biệt dễ tủi thân vì cả nghĩ. Đã từng làm cha, làm mẹ, trải qua những giai đoạn thăng trầm trong cuộc đời và vì thế, bố mẹ đẻ thường sẽ là những người chăm sóc, hỗ trợ hết lòng cho cô con gái bé bỏng.
Theo phong tục người xưa, sau khi sinh con được đầy tháng, các chị em thường xin về nhà ngoại một thời gian để nghỉ dưỡng. Ngắn thì 1 tháng, dài thì cũng phải đôi ba tháng rồi mới trở lại nhà nội. Với nhiều người, cảm giác được ông bà ngoại chăm bẵm, cưng nựng cả mẹ lẫn con như là lần thứ hai trở thành đứa trẻ bé bỏng ngày nào của ông bà vậy.
Cho nên, những ngày cuối cùng ở cữ nhà ngoại mới thật khó khăn làm sao. Không ít cô gái, dù đã làm mẹ rồi nhưng vẫn không tránh khỏi những lần rơi nước mắt, cảm giác quyến luyến không nỡ rời xa vòng tay của cha mẹ để trở về nhà chồng.
Đó cũng là tâm trạng của Phạm Thị Thanh Nga (26 tuổi), hiện đang sinh sống tại huyện Đắk Hà, Kon Tum. Đi lấy chồng đã 4 năm, cả 4 năm ròng chạy chữa mới có được mụn con, trong hành trình gian nan ấy luôn có bờ vai của ông bà ngoại, nên sau khi sinh cháu và về nhà ở cữ, Thanh Nga được bố mẹ chiều chuộng lắm. Cũng chính vì hai mẹ con được ông bà cưng chiều nên lúc chuẩn bị hành lý về nhà nội cũng là lúc Thanh Nga rơi nước mắt thật nhiều.
Trong một group tâm sự hội chị em, Thanh Nga đã chia sẻ những dòng tâm sự nghẹn ngào mà bất cứ ai đọc cũng phải xúc động, rơi nước mắt.
"Ngày mai hết cữ về nhà nội rồi, cảm giác nôn nao, trống trải, hụt hẫng như mất đi một thứ gì quan trọng lắm của cuộc đời, có mẹ nào như em không? Cổ họng cứ nghẹn lại, nước mắt chực trào rơi. Cách đây 2 tuần bà ngoại nựng cháu: "Cháu bà nay lớn quá mỗi ngày một khác, bà thương con lắm, con sắp về nội, bà phải xa con rồi", thế là 2 mẹ con ôm nhau khóc cả tiếng. Bà ngoại lại an ủi: "Hai mẹ con về rồi cuối tuần lại lên thăm bà nghe không? Chứ về rồi không thèm bà nữa là bà đuổi nhé".
Đêm cuối ở cữ, ông qua thơm má cháu rồi dặn cháu: "Ngủ ngoan đừng quấy mẹ mà tội mẹ nha con, mai về rồi đừng quên ông nhé, ông nhớ con lắm". Và rồi cái gì đến cũng đã đến, Cái cảm giác đó từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ có, nó không phải bồn chồn, không phải lo lắng, không phải bứt rứt mà là tủi hờn, sợ hãi đến lạ, không phải nhà nội không tốt, cũng không phải nhà nội khó khăn gì mà là phải xa bố mẹ...
4 năm trời ròng rã khó khăn lắm mới có thể mang bầu và sinh con, mặc dù sợ xe như sợ cọp vì say xe nhưng ông bà ngoại bỏ công bỏ việc đưa con gái chạy chữa, bốc thuốc khắp nơi mọi miền Tổ quốc. Ngày báo có thai, bố mẹ nhảy cẫng lên như đứa trẻ lên 3 được mẹ đi chợ về cho quà, lúc này bố lại khóc, không phải khóc vì tủi hờn mà là khóc vì vui sướng.
Ngày con vỡ ối đau đẻ, bố mặc cái quần mà cứ 2 chân vào một ống, đi mổ đẻ ở bệnh viện, bố sốt sắng, lo lắng, thấy rõ những nếp nhăn hằn sâu, bố bảo bố sợ người ta mổ lấy mất quả thận trong người thì chết.
Hết 5 ngày ở bệnh viện, ông bà nội thương con dâu, thương cháu nên cho 2 mẹ con về ngoại ở cữ. Bố vui lắm, hầm luôn 2 cái chân giò cho con gái ăn để nhiều sữa cho cháu bú, bố mẹ bỏ hết công việc đồng áng, ông nhận ở nhà tắm và bế cháu cho con. Đêm hôm thấy cháu khóc là chạy ra giành bế để cho con gái ngủ. Cứ thế ông ngoại nhặt từng cái tã, từng cái áo cái quần mang đi giặt cho cháu.
Cách đây 5 năm khi vừa tròn đôi mươi, vẫn còn nhớ như in cái khoảnh khắc tay bố run run, răng đập cầm cập, chân tay nhũn ra đi không nổi để dắt con gái trao cho con rể về nhà chồng, rồi khoảnh khắc ăn tiệc nhà trai xong, bố không kịp nhìn con gái mà đi thật nhanh, thật nhanh lên xe vội vàng lấy tay áo quệt 2 hàng nước mắt, vì sợ mọi người nhìn thấy.
Bố là người nông dân chân chất thôn quê, cuộc sống nghèo khổ từ nhỏ hằn lên nếp nhăn trên trán bố, 2 bàn tay trắng bố lập nghiệp nuôi nấng 3 đứa con trưởng thành. Vì là nông dân làm cà phê nên biết bao nhiêu tai nạn trong khi làm, máu chảy, đau nhức nhưng lúc nào bố cũng nghiến răng chịu đựng chưa bao giờ than thở 1 câu, có món ngon bố nhường hết con cái để rồi giả vờ "bố no rồi, bố ăn chán rồi".
Cuộc đời bố chỉ rơi nước mắt khi con gái đi lấy chồng, con gái có thai và giờ thì hết cữ con với cháu về nhà nội. Bố không giàu có, không ông to bà lớn, bố không cho con vinh hoa phú quý nhưng bố lại cho con cái cả cuộc đời, cho con gái tình cảm, là nơi che chở thiêng liêng nhất cho con. Với con gái, bố là niềm tự hào lớn nhất, là tình yêu lớn nhất của cuộc đời.
Ngày mai 2 mẹ con về nhà nội rồi sẽ chẳng còn những ngày ông ngoại ầu ơ ru cháu ngủ, xách từng gáo nước, bà thì vội vã đi hái lá chè xanh nấu nước để ông tắm cho cháu. Sẽ chẳng còn những ngày ông ngoại vừa bế cháu vừa mắng con gái dùng điện thoại ít thôi không sau này mù con mắt. Sẽ chẳng còn những ngày ông thì hát bà thì múa để làm trò cho cháu nín, 2 ông bà xoay cuống cuồng lên khi cháu đi tiêm về.
Người ta nói chẳng sai, nuôi con gái là món nợ lỗ nhất của bố mẹ, nuôi con gái là con nhà người ta, ôi em chẳng viết được nữa vì nước mắt ướt nhòe cái điện thoại rồi...".
Ngay khi được đăng tải, câu chuyện cảm động của Thanh Nga đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ phía hội chị em. Ai nấy đều thấy xúc động trước những tâm sự xé gan xé ruột của chị. Nhiều người đọc xong cũng phải rơi lệ bởi thấy sao mà giống mình quá.
Tài khoản T.L bình luận: "Đọc mà rớt nước mắt, giống hoàn cảnh của mình quá. Nhiều khi nghĩ bé bố mẹ nuôi nấng bế bồng, lớn lên lấy chồng sinh con rồi mà còn để bố mẹ phải lo cho mình mãi mà thương bố mẹ vô cùng. Chỉ mong sao bố mẹ được mạnh khỏe, sống vui vẻ cùng con cháu".
"Nhà em bố mất hơn 1 năm, ở quê chỉ còn mỗi mẹ với đứa em nhỏ, cứ lui cui một mình, từ ngày em có bầu đến lúc sinh hầu như em ở nhà ngoại, cũng may ông bà nội tâm lý. Ngoại kêu từ ngày có 2 mẹ con về mới ngủ ngon được. Thế rồi cũng đến lúc về nội, từ taxi nhìn lại đằng sau hình ảnh mẹ mím chặt môi để không bật thành tiếng mà lòng em quặn thắt lại, buồn không tả nổi, cứ hối hận sao lấy chồng xa quá, giờ cứ mỗi lần gọi về thấy mặt hai mẹ con mình là lại khóc, thật chẳng có gì xót bằng", Facebook T.G nghẹn ngào.
Tài khoản T.T.L cũng chia sẻ: "Cảm ơn chị đã nói hộ nỗi lòng của bao người. Ông bà ngoại bao giờ cũng vậy, dù con đã đi lấy chồng, sinh con nhưng đối với cha mẹ con vẫn còn bé lắm. Ngày em đẻ, bé nhà em khóc cả ngày cả đêm, mẹ em ra chăm cháu bế cháu khóc cả đêm. Rồi ngày lại cơm nước, mẹ ra được 1 tháng mẹ về. Em không giám khóc trước mặt mẹ, mẹ về rồi em ôm con khóc quá trời".
Thanh Nga quê ở Kon Tum. Nga lấy chồng cách nhà 10km, nhưng rất ít khi có dịp về nhà ngoại, các con đi lấy chồng, lấy vợ xa không ở cùng ông bà được nên nhiều lúc Thanh Nga thấy thương hai ông bà nhiều lắm.
"Nhà mình có 3 anh em, bố mẹ làm công nhân trồng cà phê nuôi 3 anh em khôn lớn bằng những giọt mồ hôi giữa trời nắng gắt Tây Nguyên. Tuổi thơ mình cũng gắn bó như thế. Tuy khó khăn vất vả nhưng lúc nào bố cũng bên cạnh, yêu thương dành thời gian cho con gái, từ bé đến lớn lúc nào bố cũng ôm con gái vỗ về vào lòng mặc dù con gái đã hơn 20 tuổi. Cứ nghĩ tới bố mẹ là mình tự hào, mặc dù bố mẹ mình chỉ là nông dân chân chất thôi, nhưng tình yêu của ông bà dành cho con cháu vô bờ bến".
Đi lấy chồng rồi nhưng bố mẹ lúc nào cũng coi Thanh Nga như đứa con bé bỏng. Từ lúc chuẩn bị mang thai cho đến khi sinh đẻ, bố mẹ lo lắng, bỏ hết công hết việc để giúp đỡ, chăm sóc con gái và cháu ngoại. "Bố mẹ mình đã gần 60 tuổi rồi. Tâm nguyện cả cuộc đời mình chẳng ao ước gì chỉ ao ước bố mẹ thật mạnh khỏe sống lâu bên con cháu thôi", Thanh Nga tâm sự.
Suy cho cùng, phụ nữ mỏng manh yếu đuối, họ vẫn luôn cần được yêu thương chở che. Đặc biệt là những lúc buồn phiền hay bản thân yếu đuối, họ chỉ muốn được trở về nơi mình sinh ra, không ai tốt với mình bằng cha mẹ, không ai hy sinh cho con vô điều kiện như cha mẹ.
Theo Minh Khôi (Helino)