Cuộc tranh cãi gay gắt đến mức người phụ nữ phải xóa đoạn video vì sợ sẽ tạo ra căng thẳng giữa 2 phái nam, nữ.
Khi người phụ nữ đến từ tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc đang nói chuyện với một người bạn về đám cưới sắp tới của cô thì 2 bé gái học lớp 2 đứng gần đó tình cờ nghe được cuộc trò chuyện. Hai cô bé quyết định cho người phụ nữ một số lời khuyên, tờ Strait Metropolis News đưa tin.
Người phụ nữ cho biết, 2 bé gái mặc váy khiêu vũ lại gần và khen cô thật xinh đẹp. Tuy nhiên, khi người phụ nữ bắt đầu ghi lại cuộc trò chuyện giữa họ bằng điện thoại thì 2 bé gái liền thay đổi chiến thuật.
“Cháu muốn thuyết phục cô đừng lấy chồng. Vì cô sẽ trở thành bảo mẫu sau khi kết hôn”, một bé gái nói trong video.
Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi lại: “Cái gì cơ? Cô sẽ trở thành bảo mẫu sau khi kết hôn á?”.
Bé gái trả lời: "Mẹ cháu đã trở thành bảo mẫu sau khi kết hôn". Bé gái còn lại nói thêm: “Mẹ tớ cũng thế”.
Người phụ nữ sau đó đã chia sẻ video trên mạng xã hội Douyin vì nghĩ rằng 2 cô bé thật dễ thương và cuộc trò chuyện này thật hài hước.
Nhưng cô không ngờ đoạn video lại gây ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng giữa đàn ông và phụ nữ về vai trò giới trong hôn nhân.
Trước tình huống bất ngờ này, người phụ nữ đã nhanh chóng xóa video và nhắn nhủ rằng cô không có ý định biến video “dễ thương và đáng yêu” thành một cuộc đối đầu giữa 2 giới.
“Tôi thực sự không có ý khơi mào một cuộc chiến giữa nam và nữ. Hai cô bé chỉ nhắc đến mẹ của chúng, có lẽ vì tôi cũng là phụ nữ. Nếu chúng gặp một người đàn ông, chúng có thể đã nói về vai trò của cha mình. Vì thế, xin đừng quá nghiêm trọng hoá. Làm ơn hãy bình tĩnh".
Mặc dù người phụ nữ đã xóa video nhưng chủ đề này vẫn được tranh luận sôi nổi với hơn 200.000 bình luận trên Douyin.
“Chắc mẹ của 2 cô bé hay than thở mình là bảo mẫu. Điều này có thể đã thay đổi cái nhìn về hôn nhân của bọn trẻ”, một người nhận xét.
Một người khác bình luận: “Ngay cả những đứa trẻ cũng nhận thức được điều này”.
Ngược lại, cũng có một số ý kiến đề cao vai trò của đàn ông trong gia đình. “Trong một gia đình, cả đàn ông và phụ nữ đều cùng nhau chia sẻ gánh nặng. Đàn ông phải chịu áp lực kiếm tiền. Họ cũng xứng đáng được thông cảm và đóng góp của họ cũng cần được ghi nhận” - một người bình luận.
Năm ngoái, chỉ có 6,83 triệu cặp vợ chồng kết hôn ở Trung Quốc - con số thấp nhất trong 4 thập kỷ và chỉ bằng một nửa so với năm 2013, theo số liệu từ Bộ Nội vụ nước này.
Theo Nguyên Thảo (VietNamNet)