"Khi chúng ta già đi, anh rời thành phố. Mua một căn nhà nhỏ bên ngoài ngoại ô. Nơi yên tĩnh nơi thanh bình, mỗi khi chiều đôi ta ngồi ngắm mây trôi. Ánh hoàng hôn buông..
Khi chúng ta già đi em về miền quê. Nuôi thêm mấy con gà ngoài sân sau. Anh đọc sách, em pha trà, trước hiên nhà trồng thêm những khóm hoa thơm. Khoe sắc ngày mới...".
Đó là lời nhạc của ca khúc "Khi chúng ta già" do nam ca nhạc sĩ Phạm Hồng Phước vẽ ra về một viễn cảnh vô cùng tươi đẹp, hạnh phúc và vô cùng ngọt ngào không kém gì cái ngày còn son trẻ của một cặp đôi khi về già. Nhưng tiếc lắm thay, đâu phải ai cũng may mắn có một cuộc sống như mơ, hai trái tim hòa cùng một nhịp, bên nhau những ráng chiều, rồi cùng nhau trồng rau, thả cá nuôi gà cho qua ngày đoạn tháng khi về già.
Ở nước ta, khi phạm trù gia đình được đề cao, người già lại rất "chuộng" thú điền viên vui vầy bên con cháu thì việc bố mẹ chọn cách sống cùng con cái mình khi tuổi đã cao là vô cùng phổ biến. Và chính trong hoàn cảnh ảnh, khoảng cách về mặt thế hệ cũng như tư tưởng, quan điểm và tính cách phần nào sẽ tạo ra những trường hợp khiến người làm con khó xử.
Vốn là cây bút khiến độc giả tâm đắc khi viết về các chủ đề liên quan đến phụ nữ, vừa mới đây, đạo diễn Lê Hoàng lại gây tranh cãi khi bày tỏ quan điểm về vấn đề gia đình, xoay quanh cái cách "người già làm khổ con cháu". Trên trang cá nhân của mình, anh thẳng thắn kể ra 31 điểm thường thấy ở người già khiến con cháu mình rơi vào tình huống oái ăm và không biết nên cư xử thế nào cho phải.
"GIÀ LÀM KHỔ CON CHÁU
Mới đọc tựa đề bài viết này chắc chắn nhiều người nổi giận. Cha mẹ ta, ông bà ta nuôi nấng ta, công ơn trời bể để đâu cho hết, không bao giờ cố ý muốn làm khổ ai, và có vô tình làm khổ một tý cũng đừng có kêu ca, mới tròn chữ hiếu, mới vẹn đạo con.
Vâng, em biết rồi, thưa quý vị. Nhưng rõ ràng trên đời có những bậc cha mẹ đáng kính và dễ thương không sao kể xiết, và cũng có những vị làm khổ con, khổ cháu đến mức muốn khóc, muốn gào lên cũng không được.
Dưới đây xin thống kê vài đặc điểm, để xem có bạn nào rơi vào hoàn cảnh nào thì tự cảm nhận lấy.
1. Nổi khổ đầu tiên là các cụ hay nói mát mẻ: "Các anh các chị bây giờ lớn rồi, có học rồi, có tiền rồi, chả cần tới tôi nữa". Nói một hai lần còn được, nói nhiều lần quá muốn điên luôn.
2. Hay kêu là mình bệnh, hay nói bị nhức mỏi, bị khó ở, nhưng con cái đề nghị đi bác sĩ, đi bệnh viện thì không chịu, con cái để im cũng không chịu, bảo là chúng nó vô tình. Không biết làm thế nào chiều cho nổi.
3. Hay giáo dục cháu nội hoặc cháu ngoại theo ý mình chứ không theo khoa học hoặc theo cha mẹ chúng. Khi bị phản đối thì hét lên nói: "Tao nuôi chúng mày lớn bằng này có sao đâu".
4. Không chịu ăn cơm, nhưng hỏi tại sao không ăn thì không nói.
5. Hay kể cho hàng xóm những chuyện trong nhà mình. Đến khi con cái phê bình thì hét lên, khóc òa lên nói rằng: "Vâng, tôi lẩm cẩm, tôi lắm mồm".
6. Hay kể lể ngày xưa tao khổ hơn chúng mày bây giờ nhiều lắm. Chúng mày bây giờ sướng mà không biết sướng.
7. Hay mang tiền của con cháu cho vay, chơi hụi hoặc đánh đề. Đến khi mất hết thì dọa tự tử nếu chúng nó cằn nhằn.
8. Không chịu vứt những đồ cũ trong nhà. Nếu con cháu lén vứt thì giẫy lên đành đạch.
9. Ra vào phòng con cái không gõ cửa, không hiểu riêng tư là gì vì bản thân không cần hoặc không có.
10. Con cái im lặng thì giận. Nhưng hỏi thì không trả lời.
11. Giận dỗi, cho là lãng phí khi con cái đi ăn tiệm. Nhưng mời đi thì không chịu, ở nhà thì cau có.
12. Luôn luôn mâu thuẫn và phản kháng osin, luôn luôn kể xấu họ bất kể con cái vừa đi làm về.
13. Hay bắt con cái đi dự những đám giỗ hoặc đám cưới lạ hoắc, chả hiểu tại sao phải có mặt.
14. Không xem cùng chương trình ti vi với con. Nhưng chúng đề nghị mua ti vi riêng cho mình thì không chấp nhận.
15. Hay chất một số đồ dùng ở những nơi chỉ có mình biết.
16. Tự ý xếp dọn, tự ý giải quyết đồ đạc của con cái không cần hỏi ý chúng.
17. Không chịu ngủ, cứ thức khuya chờ con cái về mà chả hiểu việc ấy có ích lợi gì.
18. Chả ai cấm đi đâu. Nhưng lại kêu rên là suốt đời phải ở nhà.
19. Hay thêm muối hoặc nước mắm vào thức ăn bất kể khẩu vị bọn trẻ.
20. Mua cho quần áo mới không chịu mặc, để dành chả biết tới bao giờ.
21. Thấy con cái vác cái gì về cũng kêu đắt. Khiến chúng nó phải nói dối cho xong.
22. Hay thức dậy giữa khuya. Lục đục khiến chả ai ngủ được. Nhắc nhở thì bảo kệ tao.
23. Bắt con cái phải hỏi ý kiến những vấn đề mà mình không hiểu.
24. Đi bộ thì kêu mệt, đi xe thì kêu tốn tiền. Không đi thì bực bội.
25. Hay lén đi xem bói toán rồi khuyên can con cháu theo lời các thầy.
26. Uống thuốc không theo quy định của bác sĩ, bị con cháu nhắc nhở thì tự ái vứt hết đi.
27. Rất hà tiện, nhưng hay bị lừa những vố lớn.
28. Ghét ở nhà chung cư dù biết con mình chỉ có khả năng ấy. Rên rẩm về chuyện đó suốt ngày.
29. Tốn thời gian đi rất xa để ăn một món mình quen.
30. Hay lén cho cháu nội và cháu ngoại ăn rất nhiều kẹo bánh khi bố mẹ chúng đi vắng.
31. Cất tiền bạc ở một nơi nào đó rồi quên. Bắt cả nhà tìm loạn xạ.
Đấy, đại loại các cụ có thể gây cho con cháu những nổi khổ tâm như thế. Xin chúc mừng và ca ngợi những ai chịu đựng được. Và xin đừng phê phán những ai không kham nổi!".
Dường như không gây tranh cãi thì không phải là Lê Hoàng. Vừa mới đăng tải cách đây chưa lâu, bài đăng này đã thu về hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Có người cho rằng: "Đấy là tính nết tự nhiên của người già, những người khi còn trẻ, khỏe đã không tiếc bất cứ điều gì vì gia đình, con cháu. Liệt kê thế để làm gì? Một status thiếu hiểu biết về nhân sinh và hết sức bạc bẽo".
Bên cạnh những ý kiến chỉ trích cũng có không ít người gật gù đồng tình: "Vâng chính xác thế ạ! Mà hình như thế hệ chúng ta đang thành các cụ ấy rồi đấy, soi vào đây xem có thấy mình không?".
Ai rồi cũng sẽ già đi và không còn được minh mẫn như ngày còn son trẻ. Khi đó, khoảng cách thế hiện cùng vòng quay của xã hội hiện đại sẽ khiến những giá trị cũng như quan điểm mà ngày trước chúng ta gật gù trở nên lỗi thời và không còn đúng đắn nữa. Do đó, tình trạng mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi.
Nhưng hơn ai hết, đứng ở góc độ là những người con, đứa cháu, sự mâu thuẫn ấy chẳng là gì so với tình yêu thương, sự trân quý mà chúng ta dành cho ông bà, cha mẹ. Bởi một ngày nào đó, theo dòng tự nhiên, chúng ta cũng sẽ già đi và con cháu đầy đàn. Đến lúc ấy, chắc chỉ cần được nhìn con cháu chúng ta vui vẻ, khỏe mạnh là đã quá mãn nguyện.
Theo Lou (Helino)