"Lì xì ít quá thì kỳ, lì xì nhiều quá thì... cay đắng"

07/02/2016 14:59:05

Lì xì cho người già bao nhiêu, lì xì cho người trẻ bao nhiêu, lì xì cho con anh này bao nhiêu, lì xì cho con chị kia bao nhiêu?

Lì xì cho người già bao nhiêu, lì xì cho người trẻ bao nhiêu, lì xì cho con anh này bao nhiêu, lì xì cho con chị kia bao nhiêu?

​Trưa mùng Hai, trẻ con làm gì. Trẻ con kháo nhau về tiền lì xì.

​Trưa mùng Ba, trẻ con làm gì. Trẻ con kháo nhau về tiền lì xì.

Trong những mê mải tươi vui của ngày Tết, trẻ con đều kháo nhau về tiền lì xì mỗi lúc gặp mặt, tụ họp. Đó cũng là biểu hiện của sự hân hoan.
 

1. Lũ trẻ quê năm ấy, vẫn thường xếp thẳng thớm những tờ tiền mệnh giá nhỏ. Xếp vuông vắn, rồi đếm.

Đếm xong, so với nhau xem đứa nào được nhiều hơn. Xem xong, đưa cho mẹ giữ. Cũng chẳng biết làm gì với số tiền được lì xì ấy, nhất là khi bánh mứt, nước ngọt có sẵn trong nhà. Ấy là chuyện riêng của ký ức.

Càng lớn lên, càng chứng kiến nhiều câu chuyện xung quanh chiếc bao lì xì cho trẻ con. Tất nhiên là trẻ con có bố mẹ là dân kinh doanh, trẻ con có phụ huynh là người có vị thế trong xã hội.

Sẽ thật hồ ngôn khi suy luận rằng, những chiếc phong bao lì xì cho trẻ con là một dịp để trả ơn, để thắt chặt quan hệ cộng sinh hay đơn giản là một cơ hội để duy trì thói quen đưa phong bì trước lúc nhớ việc.

Bởi tôi luôn tin vào sự mở lòng muốn cho nhau một niềm vui vào dịp Tết cổ truyền. Chỉ có điều khó là, không thể để số tiền quá ít rồi lì xì cho trẻ con nhà khá giả, quyền thế.

Điều này, tựa tựa như sự mặc cảm của người lớn trong hoàn cảnh nào đó. Vì người lớn luôn phức tạp hóa mọi chuyện và soi vấn đề qua lăng kính của sự hồ nghi.

Tôi có người bạn thành đạt, tất cả tiền lì xì mà con của anh chị nhận được từ người quen vào dịp Tết. Anh chị đều cất riêng và để dành làm thiện nguyện, từ hỗ trợ cho bệnh nhi khó khăn cho đến thả cá phóng sinh, cúng dường tam bảo.

Chưa bao giờ nghe anh chị nhắc đến số tiền mình đã làm, chỉ nói đó là tiền của cháu, anh chị muốn giúp cháu tạo phước báu về sau theo quan điểm của anh chị.

2. Thật ra, tiền lì xì cũng là bài toán khó khăn, là gánh nặng, là sự ngậm ngùi của những gia đình kinh tế không dư giả.

Lì xì cho người già bao nhiêu, lì xì cho người trẻ bao nhiêu, lì xì cho con anh này bao nhiêu, lì xì cho con chị kia bao nhiêu đều được cân nhắc kỹ lưỡng để không bị hụt chi tiêu.

Tết mà, ngoài khoản tiền chi tiêu mua sắm thì khoản tiền lì xì đôi lúc cũng là gánh nặng. Lì xì ít quá thì kỳ, lì xì nhiều quá thì không đủ, thậm chí là cay đắng nếu là người nghèo.

Cũng không phải chưa từng có trường hợp khách đến chúc Tết, lì xì cho con chủ nhà. Vợ của chủ nhà vội vã kiểm lại bao lì xì rồi bỏ tiền vào bao lì xì khác để mừng tuổi cho con khách đúng với số tiền mà khách đã lì xì cho con mình.

Lâu trước, tôi có xem bức tranh biếm họa về cảnh lì xì mùa Tết. Đại loại họa sĩ biếm vẽ hình anh chồng đang uống rượu với khách, còn vợ tranh thủ đi gọi tất cả các con về nhà chờ khách lì xì. Tôi nghĩ, điều này hơi cay nghiệt cho những ngày vui ngắn ngủi.

Tôi về quê Tết, mỗi lần ghé nhà bạn hữu đều đi một mình với vài cái phong bao lì xì trong túi mừng Tết con bạn.

Viết điều này bỏ quá cho, tôi rất ngại đưa con đi cùng. Chẳng vì là gì cả, vì cảm giác hoàn toàn riêng tư thôi.

Mỗi lần tôi lì xì cho các cháu, anh chị tôi đều lì xì lại cho con của tôi.

Bấy nhiêu là đã đủ rồi, với tôi là vậy. Hồi năm trước, có chị bạn thân, ghé lì xì cho con. Không biết là chị lì xì nhiều vậy, cho đến giờ tôi vẫn áy náy vì không biết phải trả lễ lại làm sao.

3. Phía sau căn nhà của ba má tôi ở quê, là xóm nhỏ. Cái xóm lưu giữ hết ký ức tươi đẹp mà tôi đã trải qua nhiều năm về trước. Trong xóm, rất đông trẻ con.

Những đứa trẻ ở nơi nửa nông thôn nửa thành thị vẫn mặt mày đen nhẻm, chân lấm láp vụi đất, tóc hoe hoe vàng do nắng cháy.

Những đứa trẻ luôn chủ động chào người lớn năm mới và mỉm cười cầu tài, “lì xì đi”. Hẳn, không ai lại từ chối lời đề nghị bình an đến vậy.

Trước Tết vài hôm, tôi đổi một ít tiền mới dành sẵn để lì xì cho những cô bé cậu bé ấy. Ít thôi, mỗi cháu một tờ 10 nghìn hay hai tờ 5 nghìn. Có cháu lì xì trực tiếp nếu đã hết phong bao đỏ.

Tôi rất muốn viết cái kết cho bài này là một cái kết truyền thống, theo lối đầy cổ điển. Nghĩa là, tiền lì xì chỉ là tiền để mừng nhau may mắn, kiểu như phong bao đỏ trong ngày cưới những hôm xưa.

Thế nhưng, viết như vậy là trái sự thật rồi, là khiêncưỡng rồi, tôi không thể. Bởi trẻ con bao giờ cũng đầy hồn nhiên, còn người lớn lúc nào cũng thường phức tạp, Mà tôi thì đã bắt đầu chơm chớm tuổi già.

Duy có điều này chắc chắn là sự thật, người chị ruột của tôi vẫn kiên quyết giữ quan điểm tiền lì xì là tiền may mắn, không so đo ít nhiều. Và tôi thật lòng thấy chị tôi vô cùng đúng đắn.

Thậm chí, là đáng ngưỡng mộ.
 
>> Mừng tuổi Tết - Bao nhiêu là đủ?

 Theo Ngô Nguyệt Hữu (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật