Cho mượn tuổi làm nhà có gặp xui xẻo không?
Nhiều người khi được nhờ mượn tuổi làm nhà thường băn khoăn, không biết nếu đồng ý thì có gánh hết vận hạn xui xẻo, đen đủi của gia chủ hay không, mượn tuổi làm nhà có ảnh hưởng đến vận trình công danh sự nghiệp gì của bản thân mình hay không?
Có người lo lắng rằng cho mượn tuổi làm nhà tức là giúp gia chủ gánh hạn cho căn nhà, chính bản thân gia chủ cũng có người ngần ngừ do dự khi có ý định mượn tuổi người khác làm nhà vì sợ rằng sẽ mang họa cho người thân quen của mình. Tuy nhiên, theo quan niệm truyền thống thì thủ tục mượn tuổi làm nhà chỉ mang ý tốt, tức là tránh sự xung khắc về tuổi của gia chủ với năm làm nhà mà thôi.
Bản thân việc làm nhà không xấu, chỉ đơn giản là khi bản thân gia chủ bước vào năm hạn xấu của mình thì làm gì cũng dễ gặp phải những điều không may, ví dụ như xây nhà thì mọi chuyện không được thuận lợi chẳng hạn. Chính vì thế, cả gia chủ và người cho mượn tuổi làm nhà hoàn toàn có thể an tâm khi làm việc này. Người cho mượn tuổi ở trong năm hạn tốt thì sẽ giúp cho gia chủ hóa giải được vận hạn mà bản thân mình cũng được hưởng phúc báo khi đã giúp người, gặp nhiều vận may trong cuộc sống.
Thủ tục mượn tuổi làm nhà như thế nào cho đúng?
Theo phong thủy nhà ở, khi xây dựng một mẫu thiết kế biệt thự hay nhà ở và tính phong thủy cho ngôi nhà đó, người ta thường lấy tuổi của người đàn ông để làm tiền đề định cát hung. Trong một gia đình, người cha, người ông được xem như gốc rễ của cây phả hệ. Thuyết âm dương ngũ hành cũng coi người đứng đầu như ông, cha trong nhà là một chủ thể đại diện. Còn các vai vế khác như con, cháu, vợ thì được xem như các chủ thể phụ thuộc.
Vì thế, muốn mượn tuổi làm nhà như thế nào cho đúng thì phải mượn tuổi của người đàn ông được tuổi xây nhà của năm đó.
Hiện nay nhiều gia đình vẫn duy trì quan niệm nếu không được tuổi làm nhà thì sẽ mượn tuổi tốt theo cửu trạch. Người được mượn tuổi sẽ khấn hộ trước bàn thờ thần linh khi động thổ. Quan niệm này hoàn toàn sai và không có tác dụng cho việc mượn tuổi làm nhà. Nếu đã quan niệm thần linh linh thiêng thì việc làm trên chính là lừa dối.
Tốt nhất, hãy làm khế ước mua bán nhà cho người mượn tuổi. Sau khi nhà làm xong thì sẽ bán lại cho người chủ cũ.
Làm khế ước bán nhà tượng trưng cho người mượn tuổi để bắt đầu thủ tục mượn tuổi làm nhà
Mượn tuổi làm nhà thế nào cho đúng, bạn nên chú ý các điều sau:
Nên mượn tuổi của những người trong dòng họ, hay những người thân, người quen gần nhà bạn vì điều này sẽ giúp bạn thuận tiện trong các thủ tục về sau
Người cho mượn tuổi không được cùng lúc cho 2 người mượn tuổi. Chỉ được cho một người mượn tuổi và khi người đó làm nhà xong mới được tiếp tục cho mượn tuổi làm nhà. Do đó, khi mượn tuổi ai đó để làm nhà, các gia chủ nên chú ý hỏi kỹ về vấn đề này trước khi nhờ họ động thổ
Chỉ mượn tuổi để xây dựng nhà mới, không mượn tuổi khi sửa chữa nhà ở. Nếu bạn có kế hoạch sửa chữa nhỏ mà không động tới đất đai, long mạch thì chỉ cần chọn ngày tháng đẹp là được. Còn nếu định xây thêm gian thờ, xây thêm nhà kho… cho nhà ở thì nên xem năm vì khi đó có động chạm tới long mạch nhà ở. Nếu năm bạn định sửa nhà chưa được tuổi thì nên chờ sang năm khác.
Làm thủ tục mượn tuổi làm nhà theo các bước sau:
Chủ nhà làm giấy bán nhà tượng trưng cho người mượn tuổi
Khi động thổ, người được mượn tuổi làm lễ và động thổ (chỉ cuốc tượng trưng tại hướng đẹp)
Trong thời gian làm lễ, chủ nhà và các thành viên trong gia đình nên tránh đi chỗ khác.
Khi đổ mái, người được mượn tuổi cũng làm các thủ tục thay chủ nhà và gia đình nhà chủ cũng nên tránh đi nơi khác như khi động thổ.
Khi nhập trạch, người được mượn tuổi sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết như dâng hương, khấn hoàn thành nhà mới… giúp cho gia chủ
Khi mọi thứ đã được hoàn thành, chủ nhà làm giấy mua lại nhà với giá tượng trưng cao hơn giá bán khi động thổ để bàn giao lại nhà cho gia chủ.
Cuối cùng, chủ gia chủ sẽ làm lễ nhập trạch cho gia định mình.
* Thông tin chỉ mang tính tham khảo!
Theo Thu Hoài (Khỏe & Đẹp)