"Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" - câu nói này ám chỉ môi trường sống, những người xung quanh sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến suy nghĩ, phong cách sống của chúng ta. Chính vì vậy mỗi bậc cha mẹ đều mong con có những người bạn tốt, đi học thì ngồi gần những bạn học giỏi. Bởi họ cho rằng, con mình sẽ có tinh thần học tập hơn nếu thường xuyên tiếp xúc với những cá nhân ưu tú.
Suy nghĩ đó tất nhiên không sai nhưng nếu bố mẹ để tâm quá mức thì đôi khi không tốt. Nó có thể vô tình tạo áp lực cho con trẻ và cho chính người lớn.
Mới đây, một ông bố đã đăng câu hỏi trong một hội nhóm của các bậc cha mẹ có con vào lớp 1 năm nay. Cũng không rõ con của anh này năm nay học lớp 1 hay lớp mấy, nhưng câu hỏi ông bố này đưa ra là: "Nếu con các bạn bị cô giáo bảo ngồi cùng một bạn bị đúp lại năm ngoái thì các bạn sẽ làm như thế nào?".
Câu hỏi này lập tức nhận phải cơn mưa chỉ trích gay gắt từ các bậc phụ huynh khác. Phần đông ý kiến đều cho rằng, ông bố này đang suy nghĩ quá ích kỷ và có tư tưởng kỳ thị người khác, mà đối tượng ở đây lại là trẻ nhỏ. Rất nhiều bình luận phản đối dưới bài đăng như:
- Bố mẹ đừng đặt nặng thành tích quá! Khổ thân chúng nó lắm, đừng kỳ thị để bọn trẻ vô tư đi.
- Bình thường thôi mà. Nếu ai cũng phản đối ngồi cạnh bạn ấy thì bạn ấy ngồi với ai? Rồi cô sẽ chuyển chỗ liên tục thôi.
- Bình thường thôi mà. Đúp nhiều khi không phải vì học kém. Có thể do nhiều nguyên nhân khác. Đừng kì thị con trẻ như thế bạn ạ. Miễn là bạn ấy không trêu ghẹo, phá phách hay đánh con mình, không cho con mình học thì mới ý kiến.
- Ai cũng tránh thì ai sẽ ngồi cùng với bạn bị đúp đó? Học được hay không do con mình mà đâu phải do bạn ngồi cạnh. Đều là trẻ con cả, không nên kì thị như vậy!
- Tại sao lại đi kì thị 1 đứa trẻ? Con bạn giỏi thì tự khắc nó sẽ giỏi chứ không phải giỏi nhờ bạn kế bên.
Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ cho rằng, với những bạn học đúp thì thường các thầy cô sẽ xếp chỗ cho ngồi cạnh những bạn học tốt. Mục đích để các bạn đúp được giúp đỡ. "Nếu là con mình, mình sẽ dặn con kèm cặp bạn. Vừa giúp bạn, vừa để mình ôn lại kiến thức", một cư dân mạng bình luận.
Sau khi nhận nhiều chê trách, ông bố nọ quyết định không xóa bài đăng. Tuy nhiên anh thanh minh rằng câu hỏi của mình chỉ mang mục đích kể chuyện, không có ý kỳ thị đứa trẻ.
Theo Thanh Hương (Pháp luật & Bạn đọc)