Lễ vật cúng Rằm tháng Giêng cần chuẩn bị những gì để cả năm nhiều may mắn, tài lộc?

15/02/2019 11:01:32

'Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng', tuy nhiên không phải ai cũng biết và cúng lễ đúng trong ngày này, vậy cần chuẩn bị những gì?

Theo quan niệm dân gian, rằm tháng Giêng hay còn được gọi là "Tết Nguyên tiêu", đây là một trong những lễ cúng quan trọng nhất trong năm.

Ngày rằm tháng Giêng 2019 là ngày nào?

Vào năm Kỷ Hợi 2019, rằm tháng Giêng là ngày 19/2 Dương lịch (tức ngày 15/1/2019 Âm lịch). Theo lịch vạn niên năm nay, ngày 19/2 là ngày Đinh Hợi, tháng Bính Dần, năm Kỷ Hợi.

Giờ hoàng đạo là: Tân Sửu (1h-3h), Giáp Thìn (7h-9h), Bính Ngọ (11h-13h), Đinh Mùi (13h-15h), Canh Tuất (19h-21h), Tân Hợi (21h-23h).

Lễ vật cúng Rằm tháng Giêng cần chuẩn bị những gì để cả năm nhiều may mắn, tài lộc?

 Mâm cúng rằm tháng Giêng cần chuẩn bị những gì?

Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng không cần quá cầu kì, nhưng thế hiện được lòng thành, cầu cho gia trạch bình an khỏe mạnh, hướng tới những điều tốt đẹp. Ngoài ra, với gia đình thờ Phật mà không có điều kiện tới chùa làm lễ hoặc muốn tổ chức cúng tại gia thì còn chuẩn bị thêm một mâm cỗ chay.

Mâm cỗ chay cúng Phật gồm:

- Hoa quả.

- Chè xôi.

- Các món đậu.

- Canh xào không thêm nhiều hương liệu.

- Bánh trôi nước.

Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên gồm những gì?

Mâm cỗ cũng không thể thiếu bánh chưng. Món bánh truyền thống gắn liền với truyền thuyết về tấm lòng hiếu thảo, quý trọng lao động và như lời chúc cho năm mới vuông vắn, đủ đầy. Xôi gấc cúng tổ tiên đầu năm, cả năm may mắn tốt đẹp vì màu đỏ tượng trưng cho hỉ khí. Gà luộc trong mâm cỗ phải là con gà trống có mào đẹp, thể hiện sự trưởng thành và đại diện cho khởi đầu đầy khí thế.

Theo phong tục, cúng Rằm đầu năm phải có đôi chân giò để gia đình sung túc ấm no, có đôi có cặp. Ở nhiều nơi chân giò được thay thế bằng giò chả.

Lễ vật cúng Rằm tháng Giêng cần chuẩn bị những gì để cả năm nhiều may mắn, tài lộc? - 1

Ngoài các món mặn, mâm cơm cúng còn có món xào và món canh, thường là canh ngũ sắc hoặc canh măng miến tùy theo sở thích của từng người. Ở phương Nam, bổ sung thêm món thịt kho tàu và canh thường là canh khổ qua.

Mâm cỗ không thể đầy đủ nếu thiếu bát cơm tẻ, hạt cơm trắng trong đầy đặn đại diện cho sự sinh sôi nảy nở và tiếp nối truyền thống coi trọng nông nghiệp, quý trọng lương thực của ông cha.

Văn khấn cúng Rằm tháng Giêng

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Kính lạy:

- Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

- Ngài Đông trù tư mệnh Táo Phủ thần quân.

- Ngài Bản gia Thổ Địa Long mạch Tôn thần.

- Các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần.

- Ngài tiền hậu địa chủ tài thần.

- Các Tôn thần cai quản ở trong khu vực này.

Hôm nay là ngày.......... tháng............ năm.............

Tín chủ con là..............................................................

Ngụ tại.........................................................................

Thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật kim ngân trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án.

Chúng con thành tâm cúi xin các Ngài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc, công việc hanh thông. Người người được chữ bình an, tám tiết vinh khang thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

Theo Mai Mai (Khỏe & Đẹp)

Nổi bật