Con cái là một niềm hạnh phúc, là món quà vô giá mà mỗi cặp vợ chồng có được. Thế nhưng trong hành trình nuôi con, không phải lúc nào ý nghĩ phải giữ gìn món quà vô giá đó cũng được đề cao. Đôi khi trong những trường hợp con quá nghịch ngợm, làm điều gì đó không đúng, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là cảm xúc của bố mẹ khi ấy không vui cũng có thể khiến bố mẹ trút giận lên các con. Rất nhiều cha mẹ mất bình tĩnh, không kiểm soát được tâm trạng và rồi đánh đập con mình.
Có một sự thật rất mâu thuẫn, trước khi sinh con, nhìn thấy người cha, người mẹ nào đó đánh đập con, bạn có thể rất bức xúc, lao tới ngăn cản hoặc thề với lòng rằng khi nào có con bạn sẽ không bao giờ dùng vũ lực với con. Thế nhưng thực tế, khi bắt đầu làm bố mẹ thì họ lại chẳng còn giữ được nguyên tắc đó. Miễn là đứa trẻ không ngoan ngoãn và làm điều gì đó sai, họ có thể giơ tay tát con một cái và không cho trẻ cơ hội để giải thích. Chính những điều này hình thành lên một câu nói:
Sự tức giận của bố mẹ là kẻ thù của con cái!
Câu chuyện dưới đây là một ví dụ thật đau lòng!
Lingling là một bé gái 8 tuổi ở Tongchuan, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Cô bé nói rằng bị chóng mặt và nôn mửa sau khi ăn một túi chân gà ngâm. Gia đình nhanh chóng đưa đứa trẻ đến bệnh viện. Sau khi được cấp cứu, cô bé đã chết.
Chuyện gì đã xảy ra với Lingling? Chân gà có độc không? Hay cái gì khác?
Lúc này, mẹ Ling Ling đã bồi hồi nhớ lại:
Lingling vừa xem tivi vừa làm bài tập về nhà. Khi cô kiểm tra đống bài mà con làm, cô thấy con đã làm sai rất nhiều. Bà mẹ đã rất tức giận vì sự thiếu tập trung của con gái nên đã đánh vào đầu con. Lingling khóc và mẹ của cô bé cũng bắt đầu hối hận vì hành động của mình.
Mẹ Lingling đưa cho cô bé vài cái chân gà để ăn nhẹ và dỗ dành. Thật bất ngờ, sau khi ăn xong Lingling bắt đầu cảm thấy chóng mặt và nôn mửa.
Mọi người đều không ngờ rằng cái chết của cô bé 8 tuổi ấy là do mẹ đã đánh vào đầu.
Đáng buồn là ở chỗ, những câu chuyện như thế lại không hề hiếm gặp:
- Vào ngày 14 tháng 9 năm 2009, một bé gái 5 tuổi ở Thâm Quyến đã bị cha giết chết vì quá nghịch.
- Vào tháng 11 năm 2012, vì cô con gái 7 tuổi không làm sạch bình nước, Tao đã la hét và giết chết con gái ruột của mình.
- Vào ngày 14 tháng 3 năm 2016, bé gái 5 tuổi Tongliao đã bị cha làm chết chỉ vì cô bé làm ướt chiếc quần của ông ta.
- Vào tháng 1 năm 2017, một bé gái 4 tuổi ở thành phố Gongyi, tỉnh Hà Nam đã bị mẹ ruột tra tấn đến chết vì quá gần gũi với bà ngoại.
- Vào ngày 4 tháng 1 năm 2017, một bé gái 5 tuổi ở thành phố Hoài Hoa, tỉnh Hồ Nam đã bị mẹ tra tấn đến chết. Cô bé liên tục bị đánh và bị thương.
- Vào ngày 10 tháng 3 năm 2017, một người phụ nữ ở Panyu đã mất kiểm soát và đẩy con gái xuống cầu thang khiến cô bé bị ngã.
- Vào ngày 28 tháng 6 năm 2017, một người mẹ ở Hàng Châu đã bị chồng đánh đập một thời gian dài. Cô căm phẫn, cô trút giận lên đứa con gái 2 tuổi rưỡi của mình và khiến con mất mạng.
- Vào ngày 5 tháng 1 năm 2018, một cậu bé 9 tuổi ở Giang Tô đã vô tình làm mất điện thoại di động của mẹ và bị mẹ đánh đập đến chết.
Khi đối mặt với những bậc cha mẹ như vậy, những đứa trẻ yếu đuối này không có khả năng phản kháng, hơn nữa chúng không dám phản kháng vì đó là cha mẹ, là những người mà chúng nghĩ là yêu thương chúng nhất. Việc mà các con có thể là phục hồi và chỉ có thể đón nhận.
Mọi người thường nói rằng "hổ dữ không ăn thịt trẻ con", nhưng đống bi kịch của bọn trẻ này lại đến từ chính cha mẹ, thật đáng buồn làm sao! Trong một số trường hợp, thậm chí người ngoài can ngăn thì họ còn bao biện: "Tôi giáo dục con cái của mình”.
Ngoài một số thiệt hại về thể chất, trẻ em có thể có vấn đề về tâm lý do hình phạt về thể xác của người lớn.
Ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ em
Đối với những đứa trẻ bị đánh đập, đối xử thô bạo trong một thời gian dài, IQ của chúng sẽ bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là do trong môi trường này, trẻ sẽ trở nên cô đơn và không muốn nói chuyện với ai. Trẻ không có cách nào để thể hiện tài năng của mình, và trí thông minh cũng vì thế mà giảm sút.
Gây ra vấn đề tâm lý cho trẻ em
Nếu trẻ thường xuyên phải chịu sự trừng phạt về thể xác của cha mẹ, chúng sẽ gặp vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Ví dụ chúng sẽ luôn khó chịu với mọi thứ, cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa. Nó cũng có thể có một thái độ nổi loạn đối với xã hội này và làm cho một số điều chống xã hội.
Ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ và con cái
Đây là sự thay đổi rõ ràng nhất, cha mẹ sẽ thấy rằng trẻ em ngày càng xa bạn, không muốn nói chuyện với bạn và không sẵn sàng chia sẻ mọi thứ ở trường. Sau khi đứa trẻ bước vào tuổi trưởng thành, nó sẽ không biết ơn bạn, thậm chí còn có cả sự oán hận.
Nếu đứa trẻ phạm lỗi, chúng ta có thể trừng phạt tinh thần của đứa trẻ theo những cách sau:
Có nhiều cách để trừng phạt khi đứa trẻ phạm lỗi, tất nhiên đó phải là những hình phạt khoa học. Khi con mắc lỗi, cha mẹ nên áp dụng theo đọ tuổi và hoàn cảnh để xử lí.
Ra ám hiệu bằng ngôn ngữ cơ thể thay vì quát tháo, chửi mắng
Một gia đình dắt theo 2 con cùng đi ăn nhà hàng. Hai cậu bé đã gõ đũa, thìa vào bộ đồ ăn tạo nên những âm thanh khó chịu. Thay vì lớn tiếng ầm ĩ, người cha đã nhìn hai con bằng một ánh mắt nghiêm khắc, khẽ lắc đầu. Ngay lập tức, hai đứa trẻ hiểu rằng chúng không nên có hành động như vậy nữa.
Những lời cảnh báo và chỉ trích bằng lời nhắc nhở: “Sẽ không có lần sau đâu đấy nhé”
Ví dụ, nếu một đứa trẻ ở trong công viên giải trí và đánh nhau với những đứa trẻ khác để tranh giành đồ chơi, điều mà người mẹ nên làm là nói với con: “Thật không đúng một chút nào khi con đánh bạn. Đây là lần đầu tiên, mẹ sẽ bỏ qua cho con, nhưng con không được phép phạm lỗi thêm lần nữa nếu không mẹ sẽ phạt con. Hơn nữa nếu con làm thế, con sẽ không có bạn bè chơi với mình đâu”.
Nếu lần thứ 2 con lặp lại sai lầm này, mẹ nên nói: “Đây là lần thứ 2 rồi đấy”. Cho đến lần thứ ba, nói với con: "Đây là lần thứ ba!", Và sau đó ngay lập tức thực hiện hình phạt của cảnh báo trước. Thời gian phạt hợp lý để con bình tĩnh lại.
Ví dụ, khi một đứa trẻ mất bình tĩnh và ném đồ chơi, con sẽ cần phải được đứng vào một chỗ, im lặng và suy nghĩ về những gì mình làm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhốt con vào một cái phòng để con sợ hãi. Bạn chỉ nên để con ngồi vào một góc riêng. Sau ba phút, mẹ có thể đi đến ôm con và nói cho con biết mình đang làm gì sai. Lúc này, hầu hết các con có thể nhận ra lỗi lầm của mình và nhớ hôn con lần nữa.
Yêu cầu con phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình
Khi bạn đánh thẳng vào những “lợi ích” của trẻ, chúng sẽ nhanh chóng nhận ra “hậu quả” nghiêm trọng từ việc mình làm và phải điều chỉnh hành vi.
Ví dụ: giảm số lượng đồ chơi đã mua, hủy một số hoạt động giải trí như xem phim, tham quan công viên,… Khi con yêu thích một điều gì đó, bạn có thể dùng nó là cách để điều chỉnh thái độ cho con. Hãy đặt ra giao ước nếu con phạm lỗi, những món đồ chơi con thích, một chuyến đi chơi của con… tất cả sẽ không còn được như ý muốn nữa. Để làm điều này hiệu quả, bạn cũng cần phải có hình thức thưởng hợp lí khi con làm tốt. Thưởng – phạt phân minh sẽ giúp con trở nên tiến bộ hơn.
Theo Tuệ Lâm (Khampha.vn)