Cuộc "độc thoại" trên chuyến tàu về quê của người đàn ông nói lắp đã khiến nhiều người khó chịu. Nhưng sự xuất hiện của một thứ vào phút cuối đã đập tan mọi suy nghĩ trước đó.
Chuyện ở quán cà phê
Hai ngày trước, trong lúc ngồi uống cà phê, tôi đã bắt gặp và chú ý đến hai tình huống như thế này.
Một phụ nữ trung niên ăn mặc đơn giản ngồi lặng lẽ ở một góc quán. Trước khi đi, bà gom cốc, đĩa và tất cả rác trên bàn vào một chỗ để nhân viên phục vụ thu dọn dễ hơn và người ngồi sau đó cũng thấy dễ chịu hơn.
Điều đáng nói là, quán cà phê không yêu cầu khách hàng phải tự dọn cốc, đĩa hay rác.
Một phụ nữ khác, ăn mặc thời thượng, nhìn dáng vẻ toát lên một vẻ đạo mạo, có học thức, tài cán và kinh nghiệm.
Trên bàn, cô ta kê một tờ giấy trắng sau đó mới đặt chiếc máy tính xách tay lên. Một lúc sau, người này nghe điện thoại. Không một chút quan tâm đến không khí yên tĩnh xung quanh, cô ta cứ thế lớn tiếng nói chuyện điện thoại suốt 20 phút đồng hồ.
Tắt máy, chừng vài phút sau, người phụ nữ rời khỏi quán cà phê, để lại một đống hỗn tạp ở chỗ ngồi.
Mặc dù hành vi của cô ta thực chất không đáng bị chỉ trích gay gắt nhưng nếu so sánh cách hành xử của hai người phụ nữ, thật khó để người ta không đọng lại cảm xúc.
Ảnh minh họa. |
Cách hành xử có giáo dục nhất, chính là không khiến cho người khác cảm thấy khó xử!
Trần Đan Thanh – một nghệ sĩ khá nổi tiếng của Trung Quốc từng có một trải nghiệm đáng nhớ như thế này:
Trong một lần vào nhà vệ sinh, một nghiên cứu sinh rất phong độ, đẹp trai, chừng 24, 25 tuổi vừa nhìn thấy Trần Đan Thanh đã lập tức chạy lại phía sau lưng ông nói thật to: "Thầy có phải là thầy giáo Trần không ạ? Em là người Giang Tây, em biết thầy, em muốn chụp với thầy một kiểu ảnh."
Trần Đan Thanh nhớ lại việc cũ và bày tỏ: "Khi đó tôi vô cùng khó xử."
Đợi vị thầy giáo lớn tuổi đi vệ sinh xong, chàng trai kia đã chuẩn bị xong máy ảnh và lôi bằng được ông ra ngoài đòi chụp ảnh cùng.
Xung quanh chúng ta có không ít những người như vậy. Họ chỉ quan tâm đến suy nghĩ của mình mà không chút để ý đến cảm xúc của đương sự.
Thực ra, ứng xử giữa con người với con người, lễ nghi cơ bản nhất chính là chúng ta không nên khiến người khác rơi vào tình huống khó xử dù là trong lúc nói năng hay hành động.
Tôn trọng cảm xúc của người khác, không làm cho họ khó xử cũng chính là tôn trọng bản thân.
Thực sự có tu dưỡng thì không cần nói ra, người khác cũng sẽ tự khắc hiểu |
Nhà sử học trứ danh người Trung Quốc Cố Hiệt Cương là một người nói lắp. Khi còn trẻ, ông cũng gặp phải một tình huống mà kể từ đó về sau, ông khắc ghi mãi trong lòng.
Có một lần, ông bắt tàu hỏa về quê. Đường xa, ngồi không cũng mệt mỏi nên ông muốn bắt chuyện với người ngồi bên cạnh cho đỡ tẻ nhạt.
Nhìn thấy người ngồi cạnh chạc tuổi mình, ông hồ hởi bắt chuyện. "Xin chào, anh cũng… là… người Tô Châu à?"
Người kia quay mặt lại, không trả lời, chỉ mỉm cười rồi gật đầu.
"Ra ngoài này… đi học à?" – Cố Hiệt Cương tiếp tục bắt chuyện. Người kia vẫn không nói gì, chỉ cười và gật đầu.
"Bao giờ… bao giờ… thì anh đến điểm cuối?" – Cố Hiệt Cương không cam tâm đón nhận sự lạnh lùng đó, tiếp tục truy hỏi. Người thanh niên kia vẫn trầm mặc không nói gì, chỉ mỉm cười và giơ tấm vé tàu ra phía trước mặt.
Khi đó, một người bạn đồng hành ngồi từ phía xa cảm thấy khó coi đã chạy đến trách cứ người thanh niên: "Anh làm sao thế? Không nghe thấy anh ấy đang nói chuyện với anh à?"
Người kia tỏ vẻ không quan tâm, từ đầu đến cuối chỉ mỉm cười. Cố Hiệt Cương giơ tay ra hiệu người bạn kia không nên làm khó đối phương rồi kết thúc cuộc chuyện trò ở đó.
Khi họ chuẩn bị xuống tàu ở bến Thượng Hải, Cố Hiệt Cương mới phát hiện người thanh niên kia đã đi từ khi nào, chỉ để lại một mảnh giấy:
"Người anh em, tôi là Phùng Hữu Lan. Rất xin lỗi anh vì hành vi khi nãy của tôi. Tôi cũng là một người nói lắp, với lại càng rối thì tôi lại càng không nói lên lời. Sở dĩ tôi không trả lời anh là bởi tôi không muốn anh hiểu lầm, cho rằng tôi chế giễu anh."
Trước hành động của người thanh niên đó, Cố Hiệt Cương rất khâm phục. Kể từ đó, trong đầu ông luôn nhớ rất rõ về người có cái tên Phùng Hữu Lan ấy.
Những người thực sự có giáo dục, dù không cần phải nói ra nhưng từ trong tận sâu trong suy nghĩ, họ luôn tôn trọng đối phương, thà làm khó bản thân chứ không làm khó người khác. Đó cũng là sự bộc lộ tự nhiên của những người có nhân cách cao quý.
Cuộc "độc thoại" của Cố Hiệt Cương trên chuyến tàu về quê đã cho ông một trải nghiệm quý. Ảnh minh họa. |
Những tiểu tiết thể hiện sự có giáo dục của con người trong cuộc sống
Sự có giáo dục và sự tôn quý của một con người đều thể hiện ở những tiểu tiết trong cuộc sống hằng ngày. Những tiểu tiết dưới đây có thể nói lên sự có giáo dục của một cá nhân. Hãy đọc và cảm nhận!
1. Không nên khinh suất phủ nhận người khác. Hãy dùng tâm thái độ lượng khoan dung để nhìn nhận quan điểm của đối phương, khẳng định, thừa nhận điểm hợp lý ở họ và đưa ra những quan điểm, cách lý giải khác của bản thân.
2. Đôi khi bạn có thể đùa cợt với bạn bè nhưng tuyệt đối không nên lấy thứ họ trân trọng ra làm trò đùa.
3. Lần đầu gặp mặt, nhất định phải cố gắng nhớ tên người khác. Không ít người nói rằng bản thân không nhớ nổi tên người khác nhưng thực ra, không phải là do không nhớ nổi mà là vì không thực sự để tâm.
4. Bạn có phẫn nộ, bực tức hơn nữa cũng không được nói ra những lời làm tổn thương đến lòng tự tôn của người khác. Càng là người quen biết lại càng hiểu rõ tử huyệt của nhau, thế nên đừng vì người quen mà tùy tiện làm tổn thương họ.
5. Làm việc gì đi nữa cũng phải để cho người khác một đường lui. Thậm chí bạn phát hiện đối phương nói sai hoặc nói dối, cũng chớ vạch mặt họ giữa đám đông.
Những người sống hưng vượng, thành công thực ra không phải vì họ có bí quyết tuyệt mật gì, điều cơ bản nhất là họ có một trái tim biết quan tâm, gần gũi người khác, biết quan tâm đến chính mình. Những người như thế cho dù có bôn ba chìm nổi ra sao cũng sẽ có ngày thành đạt.
Theo D.Anh (Trí Thức Trẻ)