Kỳ thị người mắc, nghi mắc COVID -19 cũng là tự làm mất cơ hội bảo vệ bản thân

15/03/2020 21:03:26

Giữa diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một bộ phận người dân tỏ ra kỳ thị với những người mắc, người nghi mắc, thậm chí cả người ở vùng bị cách ly. Chuyên gia nhấn mạnh, càng kỳ thị, cuộc chiến với COVID – 19 càng gặp nhiều khó khăn.

Cái hắt hơi cũng gây hoảng loạn

Đại dịch COVID-19 đã vào giai đoạn phức tạp. Cho dù số người nhiễm mới ở Trung Quốc giảm, nhưng đã lây lan rộng đến các quốc gia, vùng lãnh thổ. Mỗi ngày trôi qua, những con số về người nhiễm, tử vong trên thế giới đều tăng nhanh gây lo lắng cho người dân.

Nhiều người bệnh ở nhiều quốc gia đang phải chịu sự kỳ thị, hắt hủi sau khi dịch bùng phát. Chỉ cần một người ho hắng hay hắt hơi ở nơi công cộng thì ngay lập tức sẽ khiến những người xung quanh trở lên xa lánh.

Ở nước ta, tình hình dịch bệnh đang được ngành Y tế kiểm soát tốt, tuy nhiên, diễn biến ở giai đoạn 2 đang khá phức tạp. Hiện đã ghi nhận các trường hợp được coi là "siêu lây nhiễm" như BN17, BN34… Vì thế, một bộ phận người dân tỏ ra kỳ thị với những người mắc, người nghi mắc hoặc với cả người ở vùng bị cách ly.

Còn nhớ thời điểm những ngày đầu khi người dân xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) bị cách ly cũng đã gặp phải tình trạng phân biệt, kỳ thị. Nhiều người tỏ ra lo ngại khi tiếp xúc với người đến từ Vĩnh Phúc, không ít cá nhân tỏ thái độ kỳ thị, xa lánh. Trên mạng xã hội cũng đăng tải hình ảnh một khách sạn treo tấm biển từ chối tiếp công dân Vĩnh Phúc hay những dòng status, comment "Vũ Hán của Việt Nam", rồi "tránh xa Vĩnh Phúc"...

Kỳ thị người mắc, nghi mắc COVID -19 cũng là tự làm mất cơ hội bảo vệ bản thân
Sự kỳ thị người bệnh, nghi nhiễm COVID rất nguy hiểm (ảnh TL)

Sự kỳ thị giữa dịch COVID-19 xuất hiện ở nhiều nơi với người mắc, những người cách ly y tế tại nhà hoặc nơi lưu trú với các biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm ở nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Chính những người chỉ mới đưa đi cách ly khi có tiếp xúc với người được xác định dương tính với COVID-19 cũng cảm thấy sợ hãi khi bị kỳ thị. 

Khi đọc chia sẻ một nữ tiếp viên hàng không mới đây về việc kỳ thị của cộng đồng với chị và đồng nghiệp khi phải đi cách ly mà thực sự khủng khiếp. Theo chia sẻ của chị, 14 ngày cách ly xem tivi, đọc báo và thực tế trải nghiệm của các đồng nghiệp tại những khu cách ly, những người tiếp viên biết rõ cách ly không đáng sợ chút nào. Nhưng lại vấp phải sự kỳ thị của cộng đồng.

Một đồng nghiệp của cô khi đi cách ly sau khi hoàn thành chuyến bay có hành khách dương tính với COVID – 19, ngay lập tức đã phải hứng chịu sự trách móc, mắng chửi, thậm chí có người còn định xông vào đánh những người thân trong gia đình cô. Bản thân vậy, con cái, cha mẹ, những người thân cũng bị ảnh hưởng theo. Trong tình cảnh ấy cô đã thật sự sốc.

Càng kỳ thị, cuộc chiến với COVID-19 càng gặp nhiều khó khăn

Chuyên gia tâm lý cho rằng, sự kỳ thị giữa dịch COVID-19 đến với người mắc, người cách ly y tế do COVID-19 rất nhiều nhưng cái chính vẫn xuất phát từ nỗi sợ hãi. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử thường vẫn gắn với những căn bệnh truyền hiễm khó chữa như người dân vẫn từng rất sợ và xa lánh những người bị bệnh HIV/AIDS, phong… vì không có thuốc điều trị. Bệnh COVID – 19 là bệnh mới, truyền nhiễm nguy hiểm dẫn tới chết người mà lại chưa có vacxin hay thuốc điều trị đặc hiệu. Ngoài ra, vì thiếu hiểu biết hoặc không hiểu đúng về đường lây bệnh. Không ít người vẫn cho rằng, bệnh lây lan ngay cả không tiếp xúc với người bệnh.

Trong cuộc chiến với COVID – 19, nhiều người còn ví virus gây bệnh dịch là virus kỳ thị. Trước khi chết vì dịch, người ta đã có thể chết vì sự kỳ thị. TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, chuyên viên tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM) cho rằng, điều đó là hoàn toàn đúng. COVID-19 là bệnh mới nên dễ hiểu khi việc xuất hiện cũng như lây lan của nó khiến tâm lý người dân lo lắng và sợ hãi. Từ đó góp phần tăng thêm các định kiến có hại, làm tan vỡ các mối quan hệ xung quanh.

"Trong giai đoạn này tôi có làm tham vấn online, có nhiều người họ nói họ rất căng thẳng. Họ dễ xung đột với người xung quanh. Thậm chí công việc tính chất của họ phải tiếp xúc nhiều người, như một ca ở sân bay về nhà bị người thân cách ly, kỳ thị, sợ gần, sợ nói chuyện, không dám tiếp xúc. Họ có những hành vi không được tốt làm cho họ rất khó chịu. Khổ về bệnh dịch một chuyện nhưng khổ về những phiền toái liên quan bệnh dịch rất nhiều. Kỳ thị và phân biệt đối xử dẫn đến hạn chế một số quyền cơ bản như quyền được chăm sóc sức khoẻ, làm việc… là những quyền mà người nghi nhiễm COVID 19 được pháp luật bảo vệ" – TS Phạm Thị Thúy cho hay. 

Bệnh tật ai cũng sợ, nhưng người dương tính với COVID – 19, người cách ly y tế tại nhà hoặc nơi lưu trú đâu có lỗi gì? Vì lí do nào đó, nhiễm bệnh là chẳng may và nhiều khi họ không hề biết. Không ai trong họ muốn bị bệnh và lây cho người khác. Kỳ thị và phân biệt đối xử không làm hạn chế được dịch COVID 19 mà ngược lại còn làm cho dịch bệnh khó kiểm soát hơn. Sự kỳ thị sẽ làm cho mọi người trở nên ngần ngại hơn trong việc khai báo y tế, xét nghiệm, không tự cách ly triệt để. Nó giống như bạn đang tự đẩy mình mất đi cơ hội bảo vệ chính bản thân khi sự lây lan không kiểm soát được.

Nếu người nghi nghiễm được động viên, giúp đỡ, yên tâm cách ly tại nhà, được lấy mẫu xét nghiệm và khi dương tính được điều trị triệt để, ngăn chặn mầm bệnh lây lan ra cộng đồng sẽ có lợi cho bản thân người bệnh, cộng đồng. Chính vì cách ly y tế tốt, người nghi nhiễm tuân thủ đúng thời gian và các quy định cách ly, không ra khỏi nhà, không tiếp xúc trực tiếp với người khác nên thời gian qua bước đầu nước ta đã ngăn chặn dịch bệnh.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park đã nhấn mạnh, mọi người không nên lan truyền thông tin cá nhân của những người mắc COVID-19 vì điều này gây nhiều tác động tiêu cực, bao gồm sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Sự kỳ thị có thể khiến họ che giấu bệnh, không tìm đến sự chăm sóc y tế sớm, thậm chí dẫn tới việc họ tự áp dụng các hành vi thiếu lành mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, mọi người cũng đừng sợ hãi cách ly. Cách ly chẳng qua là chúng ta đang phòng ngừa tối đa mọi tình huống có thể lây lan để phòng chống tốt dịch bệnh trong cộng đồng. Hãy bình tĩnh, đặt niềm tin vào sự dẫn dắt của ngành y tế, Chính phủ. Sự bình tĩnh, thực hiện tốt kiến thức tự phòng bệnh, ý thức vì cộng đồng và sự đoàn kết, đồng lòng hợp tác của mỗi người sẽ là "viên gạch" xây nên thành công trong cuộc chiến chống dịch COVID - 19.

Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)