Lễ cúng hóa vàng còn được gọi là lễ tiên ông bà tổ tiên hay lễ tạ đầu năm mới. Sau khi mời tổ tiên về dự 3 ngày Tết Nguyên đán với con cháu, gia đình sẽ tiến hành hóa vàng. Thông thường lễ cúng hóa vàng sẽ diễn ra từ ngày mùng 3 Tết trở đi.
Thông tin trên báo Khỏe & Đẹp, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, năm Nhâm Dần 2022 có ngày mùng 4 tháng Giêng là ngày Lập Xuân theo Nhật lịch 24 Tiết Khí 4/2/2022 Dương lịch từ 3h50 phút là trời đất bắt đầu bước vào tiết Lập Xuân.
Chuyên gia phong thủy này cho biết, mọi năm các nhà hay hóa vàng từ mùng 3 âm lịch trở ra. Tuy nhiên, năm Nhâm Dần 2022, các gia đình không nên hóa vàng vào ngày mùng 4 âm lịch vì rất kỵ khi ngày này là ngày Lập Xuân.
Ở các nước châu Á, đa phần các quốc gia có nền văn minh nông nghiệp đều coi trọng ngày lập xuân vì nó được coi là ngày mở màn của mùa xuân nông nghiệp. Từ xa xưa, người ta có truyền thống thực hiện nghi lễ cúng Nhị thập tứ tuần (tức 24 vị thần cai quản 24 tiết khi) vào Tết Lập Xuân. Vì vậy, năm nay, chuyên gia khuyên không nên hóa vàng vào mùng 4. Hóa vàng là kết thúc nghi lễ gia tiên trong khi đó lập xuân là khai mở chào đón năm mới của mùa xuân nông nghiệp. Kiêng hóa vàng vào ngày Lập Xuân bởi như vậy sẽ đóng lại may mắn của cả gia đình, dòng tộc.
Chuyên gia phong thủy Song Hà chia sẻ thêm, mọi người có thể hóa vàng sớm từ mùng 2, mùng 3 Tết hoặc hóa vàng muộn vào mùng 6, mùng 7 Tết. Nếu không phải gia đình làm ăn thì có thể hóa vàng vào mùng 5. Hóa vàng có thể thực hiện vào buổi tối, không bắt buộc phải làm vào ban ngày.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cũng chỉ ra một số ngày đẹp, giờ đẹp để hóa vàng phù hợp với tuổi gia của gia chủ.
Ngày 3/1/2022 âm lịch (3/2 dương lịch - ngày Đinh Hợi): hợp các gia chủ tuổi Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, Tý, Ngọ, Mão, Dậu giờ từ 7h đến 9h hoặc từ 13h đến 15h.
Ngày 5/1/2022 âm lịch (5/2 dương lịch - ngày Kỷ Sửu): hợp các gia chủ tuổi Dần, Thân, Tị, Hợi, Tý, Ngọ, Mão, Dậu giờ từ 5h đến 7h ; 9h đến 11h hoặc từ 15h đến 17h.
Ngày mùng 6/1/2022 âm lịch (6/2 dương lịch - ngày Canh Dần): hợp các gia chủ tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi giờ từ 7h đến 9h; giờ từ 9h đến 11h hoặc giờ từ 13h đến 15h.
Tùy theo điều kiện mà gia đình lựa chọn ngày giờ hóa vàng phù hợp.
Một số kiêng kỵ trong ngày hóa vàng
Mâm cỗ hóa vàng thường có hương, hoa tươi, quả tươi, trà, trầu cau (1-3 quả cau còn cuống với một lá trầu), đèn, nến, rượu, vàng mã…
Ngoài ra, gia chủ có thể chuẩn bị mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay. Sau khi làm cơm cúng xong, gia chủ sẽ đem số vàng mã đã cúng trong ba ngày Tết ra hóa. Lưu ý, những vàng mã dành cho người mới mất được hóa riêng.
Nhóm tác giả PGS Lê Trung Vũ, Lê Huỳnh Lý, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Lưu Kiếm Thanh, Hồ Tường trong Nghi lễ vòng đời người cho hay: "Khi hóa vàng xong thì người ta vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng, ở cõi âm các cụ mới nhận được và vàng mã đó mới tiêu được ở âm phủ. Hai cây mía cũng được đem hơ trên đống tàn vàng".
Sau khi hết một tuần hương, gia chủ có thể tiến hành hóa vàng. Mỗi lễ tiền vàng đều được hóa riêng từ các bậc cao xuống theo thứ tự thần trước, gia tiên sau.
Trước khi hạ mỗi lễ đều vái ba vái và đọc câu khấn: "Gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân… thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới".
Đặc biệt, việc hóa vàng phải được thực hiện ở sân hoặc một góc vườn sạch sẽ.
Ba việc không nên làm vào ngày mùng 3 Tết
Cha ông ta vẫn thường có câu “có kiêng có lành” để mong cầu một năm mới thuận lợi, gặp nhiều may mắn chúng ta nên tránh không nên làm 3 việc sau.
Không nên động vào kim chỉ và khâu vá
Theo quan niệm dân gian, vào 3 ngày đầu năm mới, các gia đình nên tránh động đến kim chỉ, đặc biệt là tránh khâu vá vào những ngày đầu năm này. Vì người xưa quan niệm rằng, việc sử dụng kim chỉ để may vá vào những ngày đầu năm mới sẽ khiến gia chủ khó có một năm đủ đầy mà luôn phải lấy trước vá sau, dễ gặp khó khăn vất vả.
Không nên nói những điều xui xẻo
Vào ngày này tránh không nên nói những điều xui xẻo, tang tóc hay trù ếm nặng lời với mọi người xung quanh. Làm như vậy khiến mối quan hệ bị rạn nứt trở nên bất hòa, từ đó làm bầu không khí chung của cả gia đình mất đi sự vui tươi và ấm áp vốn có của ngày đoàn viên.
Chính vì vậy, vào những ngày Tết hãy dành cho người thân và bạn bè những lời chúc bình an ý nghĩa để cùng cầu mong một năm hanh thông, thuận lợi sẽ đến với tất cả mọi người.
Không nên quét nhà và đổ rác
Theo quan niệm dân gian, trong 3 ngày đầu xuân năm mới mùng 1, mùng 2, mùng 3 các gia đình tránh không nên quét nhà và đổ rác. Vì làm như vậy đồng nghĩa với việc “quét” cả lộc tài ra khỏi nhà. Làm như vậy sẽ dễ khiến gia đình đó có một năm khó khăn, làm ăn khó có thể tấn tới được.
Chính vì vậy, trước khi sang năm mới, các gia đình đều có những ngày tổng dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, để mọi thứ tươm tất và sạch sẽ đón năm mới, đồng thời cũng để 3 ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 không cần quét dọn.
Những việc nên làm vào ngày mùng 3 Tết
Theo quan niệm dân gian “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, do đó ngày mùng 3 Tết mọi người có thể sắp xếp thời gian tới thăm hỏi chúc tết những người thầy, người cô đã từng dìu dắt và dạy dỗ chúng ta như một hành động tri ân, uống nước nhớ nguồn.
Ngoài ra, vào ngày này cũng có rất nhiều gia đình lựa chọn làm ngày cuối để hóa vàng, tiễn gia tiên và các chư vị thần linh về bên kia an nghỉ.
Nhiều gia đình cũng chọn ngày mùng 3 Tết đi lễ chùa và xin chữ đầu năm để cầu mong một năm mới bình an, sung túc.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.
NT (Nguoiduatin.vn)