Xét về thu nhập và chi tiêu thì mỗi nhà lại có cách khác nhau để quản lý tài chính riêng nhưng chung quy lại ai cũng muốn chi ra ít nhất, mua được những thứ tốt nhất và tiết kiệm được nhiều nhất. Hẳn nhiên rồi, nếu ai cũng làm được tất cả những thứ nói trên thì chắc sẽ chẳng có ai than phiền về túi tiền của mình.
Tất nhiên, chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra và những người phụ nữ làm tay hòm chìa khóa trong gia đình thì vẫn cứ cho rằng mình tiêu hoang chẳng tiết kiệm được đồng nào. Như cô vợ trẻ tên N.T.L đây chẳng hạn, dù thu nhập gia đình có lúc lên tới 70 triệu đồng nhưng phần chi ra thì cũng phải gần một nửa khiến L. hết sức đau đầu từ tháng này sang tháng khác.
Đăng trên một hội nhóm kín của các chị em về bảng chi tiêu hàng tháng của gia đình mình, L. đã liệt kê khá chi tiết khoản thu của hai vợ chồng dao động từ 40 - 70 triệu còn khoản chi thì từ 25 - 30 triệu mỗi tháng.
"- Tiền học cho con: 1,8 triệu
- Sữa, bỉm, đồ ăn vặt của con: 2 triệu
- Điện thoại 2 vợ chồng: 1,3 triệu
- Điện, mạng, xăng xe: 1,3 triệu
- Ăn uống hằng ngày 6 triệu
- Lãi ngân hàng: 5 triệu
- Chồng chi tiêu công việc, bạn bè: 3 triệu
- Thuê cửa hàng: 4 triệu
- Lương nhân viên: 4,5 triệu
Tổng chi tiêu tháng dao động 25 - 30 triệu
Thu chồng: 20 triệu, vợ: 20 - 50 triệu (không cố định)
Không thể tiết kiệm hơn được nữa, cũng chưa từng tiết kiệm được. Cầu mong năm nay trả hết nợ tín dụng".
Về phần thu thì L. đang làm kinh doanh nên cũng không phải lúc nào cũng có khoản cố định, có tháng nhiều tháng ít nhưng nhìn chung nhà cô cũng thuộc dạng thu nhập khá cao.
Còn về phần chi ngoài những thứ phục vụ cho kinh doanh như lương nhân viên rồi tiền thuê cửa hàng, lãi ngân hàng thì những khoản khác cũng có vẻ như không thể không chi. Có điều ngoài thị trường có khá nhiều mặt hàng và chọn loại nào là quyền của người tiêu dùng, có thể L. muốn những thứ tốt nhất cho con và cho gia đình nên mới chọn những thứ có giá cao nên mới bị đội chi phí lên.
Thêm vào đó, vợ chồng L. còn bị tốn nhiều ở khoản chồng chi cho công việc và bạn bè, rồi tiền điện thoại, xăng xe. Nhưng nhìn chung nếu những thứ đó đều cần thiết thì có muốn cắt giảm cũng không thể được.
Nhìn vào bảng chi tiêu này, cũng có nhiều mẹ cho rằng L. nên tách bạch phần chi phí kinh doanh so với chi phí sinh hoạt để không cảm tháy quá nhiều. "Bình thường người ta sẽ phải tách riêng khoản chi cho cửa hàng thì mới tính được lãi lỗ chứ bạn để cả vào phần thu chi hằng ngày thế này cũng hơi khó. Làm ăn cái gì cũng phải có vốn thì bạn cũng vậy cho nên phần này coi như không tính đến. Như vậy sau khi trừ khác khoản đó đi thì chi tiêu nhà bạn mỗi tháng chỉ khoảng hơn 12 triệu thôi. Mà chừng ấy ở thành phố thì cũng là mức chấp nhận được chứ không đến nỗi quá hoang phí đâu", Hạnh Ngân bình luận.
Và cũng chính vì sự không tách bạch này mà khoản thu của nhà L. cũng không hề chính xác bởi cô không làm rõ được liệu 70 triệu đồng kia là đã trừ chi phí hay chưa, nếu chưa trừ chi phí thì rõ ràng thu nhập của vợ chồng cô sẽ rơi vào con số thấp hơn hiện tại khá nhiều.
"Các bà nội trợ đành rằng ai cũng muốn tiết kiệm nhưng nhiều khi vì các mẹ thống kê không đầy đủ, rõ ràng và minh bạch nên mới hay nhầm lẫn các con số dẫn đến việc cảm thấy mình bị tiêu xài quá hoang phí. Vì lẽ đó, kinh nghiệm cho các mẹ là đừng nên căng thẳng quá về việc này mà hãy tổng hợp một cách khách quan đển còn thấy mình làm việc có sự dư thừa vê tài chính nhé", chị Trần Minh tư vấn.
Quả thực, có nhiều chị em phụ nữ hơi bị ám ảnh về việc tiết kiệm chi tiêu trong gia đình nên hơi cực đoan như dè xẻn thái quá, chi li thái quá và lúc nào cũng nghĩ đến việc phải chi bao nhiêu cho đủ và kiếm tiền thật nhiều. Nhưng các mẹ à, cuộc sống còn có nhiều thứ hay ho đang chờ mình thì tốt nhất hãy cứ để cho việc quản lý tài chính là chỉ là một phần thiết yếu nhưng không quyết định toàn bộ cuộc đời của mình nhé các mẹ.
Theo Wendy (Helino)