Khóc dở mếu dở với chuyện kì thị khi cách ly: Ra bị nhìn, vào bị hỏi, có nhà còn bị nhét giẻ bịt lỗ ở cửa để phòng virus bay ra

13/03/2020 15:21:16

Trong những ngày cả nước gồng mình lên chống dịch, không thiếu những câu chuyện dở khóc dở cười diễn ra vì lo lắng của người dân.

 

Vô tình một người trong cơ quan bị xác định dương tính với Covid-19, chị Thúy Hằng cũng như các đồng nghiệp nghiễm nhiên trở thành F1, F2, F3… Theo quy định, tất cả F1 được đưa đi cách ly tập trung, trong khi F2, F3 thì tự cách ly tại nhà.

Thời gian này, chị Hằng nghe các đồng nghiệp kể lại việc các ‘group’ dân cư trên mạng xã hội bắt đầu ‘sục sôi’ điều tra thân nhân của toàn bộ gia đình người bị cách ly. Từ tên, tuổi, nơi làm việc, chức danh, hoạt động chuyên môn, thậm chí cả ảnh trao quyết định nhận chức, hành tung đi lại, gặp gỡ của người bị nghi nhiễm… đều bị phơi bày trong vòng vài giờ đồng hồ.

Không cần biết người tự cách ly đã tiếp xúc với người bị nhiễm ở mức độ nào, chỉ cần nghe thấy làm ở chỗ này, chỗ kia có người bị nhiễm là ngay lập tức cư dân xung quanh sẽ liệt họ vào "danh sách đen" cần tránh xa.

Ngay cả khi "các F" đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus thì cũng khó thoát cảnh bị người xung quanh tránh như tránh tà. "Mình được nghe kể có nhà hàng xóm còn lấy giẻ nhét kín vào lỗ trống ở cửa của nhà một F2".

Hay như chuyện của em dâu chị Hằng, suốt từ Tết âm lịch vẫn chưa kịp gặp nhau lần nào, nhưng khi biết nơi làm việc của chị có người bị nhiễm, "cơ quan phun thuốc mù mịt chỗ em ngồi, rồi cho em nghỉ ở nhà luôn" - cô em dâu ấm ức kể.

"Kể cả bạn sống ở khu cao cấp hay ổ chuột thì cũng gặp phải cảnh hàng xóm láng giềng xì xào, bàn tán, chỉ trỏ ngoài cổng", chị Hằng nói tiếp. Hàng xóm bạn chị - người phải đi cách ly tập trung - thậm chí còn dò hỏi xem ‘nhà nó hay để xe chỗ nào trong hầm để còn tránh’.

Khóc dở mếu dở với chuyện kì thị khi cách ly: Ra bị nhìn, vào bị hỏi, có nhà còn bị nhét giẻ bịt lỗ ở cửa để phòng virus bay ra
Người dân Sơn Lôi quay trở lại cuộc sống bình thường sau khi lệnh cách ly toàn xã được gỡ bỏ hôm 4/3. Ảnh: Nguyễn Thảo

Sau khi chị này được xác định âm tính, về nhà, hàng xóm còn nói khéo "nên vệ sinh nhà cửa cho sạch sẽ, vì đằng nào ở sạch thì cũng sướng hơn".

Trường hợp như chị Hằng không hề là cá biệt. Chị Vinh, một F2 bất đắc dĩ cũng chia sẻ, có đôi yêu nhau, cô người yêu vì lo lắng về dịch tới mức hoảng loạn, ngày ngày nhắn cho anh hàng trăm tin, dặn anh phải thế này, phải thế kia. Không được đi ra chỗ này, không được gặp ai... làm anh bực bội phát cáu, rồi chia tay.

Một trường hợp khác "cạn lời" hơn là chuyện của chị Trâm, một phóng viên tác nghiệp. Tuy không thuộc diện F nào cả, nhưng vì đặc thù công việc nên chị Trâm có về xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc một lần. Thời điểm chị Trâm về, Sơn Lôi đã được gỡ cách ly, tuyên bố an toàn, nhưng vì cẩn thận, khi về đến khu chung cư, chị cũng có ý thức hạn chế đi lại và thông báo với hàng xóm không cho trẻ con sang nhà chơi.

"Sau nhiều ngày đóng kín cửa trong nhà, hôm ấy mình có việc ra ngoài hành lang một chút, có đeo khẩu trang cẩn thận. Đang đứng đợi thang máy thì anh hàng xóm nhìn thấy mình, vội vàng gọi con vào nhà ngay. Bác hàng xóm đang đứng đợi thang cùng mình, thấy anh kia nháy, cũng chạy vào nhà lấy khẩu trang ra đeo luôn", chị kể.

Ngoài ra, khu nhà chị Trâm cũng có một gia đình được yêu cầu cách ly tại nhà vì mới bay từ Seoul, Hàn Quốc về nước. Qua ứng dụng liên lạc của khu dân cư, ngay sau khi gia đình này bị cách ly, toàn bộ tên tuổi, số phòng được ban quản lý thông báo công khai cho toàn bộ cư dân. Ngay lập tức, các hội nhóm trên mạng xã hội đã sôi nổi bàn tán về gia đình nọ, dò hỏi xem họ đã đi đâu, làm gì những ngày qua. Hàng xóm nhà chị Trâm còn bảo "bây giờ mà công ty biết khu nhà chị có người bị cách ly, chắc công ty cho nghỉ ở nhà luôn".

Chị Trâm cho rằng, sự kỳ thị đang thực sự diễn ra trong tâm lý của nhiều người, đặc biệt là ở những khu vực có dịch. "Sau chuyến tác nghiệp của mình ở Sơn Lôi, vừa mới bước chân lên xe khách để về Hà Nội, xe chạy được vài mét thì phụ xe bình luận về 2 thanh niên còn đang đứng đợi xe: "Hai đứa kia ở Sơn Lôi ra đấy’'.

Vào thời điểm căng thẳng nhất ở đây, người ta không chỉ kỳ thị Sơn Lôi, mà chính người dân trong xã còn kỳ thị cả những người ở thôn Ái Văn – nơi có nhiều người bị lây nhiễm nhất xã. "Đi bán rau mà ở Ái Văn là người ta không mua". 

Chính sự kỳ thị của cộng đồng xung quanh sẽ khiến cho nhiều người e ngại, không dám khai báo khi có tiếp xúc với người đã nhiễm và nghi nhiễm bệnh, dễ dẫn tới tình trạng mất kiểm soát.

Tuy vậy, chị Trâm cũng chia sẻ, bên cạnh những kỳ thị ‘ngầm’, vẫn còn nhiều người dân thể hiện sự hiểu biết và bình tĩnh trong tình cảnh này. "Có những người đã lên hội dân cư hỏi thăm tình hình gia đình bị cách ly và sẵn sàng giúp đỡ trong việc mua bán lương thực, nhu yếu phẩm. Đó là cách hành xử tỉnh táo và nhân văn mà chúng ta nên làm trong thời điểm này".

Dung (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật