Khổ sở khi đi du lịch ngày lễ

28/04/2015 14:37:52

Đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ, du khách dễ phải đối mặt với vô vàn phiền toái do lượng khách lớn hơn gấp bội ngày thường.

Đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ, du khách dễ phải đối mặt với vô vàn phiền toái do lượng khách lớn hơn gấp bội ngày thường.

Cháy tua, cháy phòng, cháy chỗ chơi…

Thuận lợi duy nhất của việc đi du lịch trong ngày lễ là được nghỉ nhiều ngày, các thành viên trong gia đình có thể vui chơi cùng nhau hoặc nhóm bạn thân có cơ hội “họp mặt” đầy đủ. Đổi lại du khách phải đối mặt với vô vàn “phiền toái” như tình trạng đông đúc, dịch vụ quá tải, giá cả tăng vọt… bởi lượng khách du lịch lớn hơn gấp bội ngày thường.
 

Đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ, các du khách sẽ phải đối mặt với tình trạng đông đúc, quá tải (ảnh minh họa)

 
Hầu hết các du khách đều phải chấp nhận “thiệt thòi” vì dịch vụ nơi đâu cũng bị quá tải từ phòng ngủ, đồ ăn đến nhân viên phục vụ. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch thường lợi dụng thời điểm “hiếm hoi” này để nâng giá cả lên khoảng 30 – 40%, có nơi còn tăng lên 50 - 70%.

Một trong những khó khăn lớn nhất của khách du lịch trong ngày nghỉ lễ là phương tiện di chuyển. Không phải ai cũng có điều kiện đi máy bay, xe riêng nên xe khách thường là phương tiện được lựa chọn nhiều nhất trong những chuyến du lịch xa. Đây cũng là cơ hội hiếm có cho các nhà xe chặt chém.

Không những thế, khách du lịch còn bị nhồi nhét, đi xe giường nằm nhưng lại phải chịu cảnh “ngồi không ra ngồi, nằm không ra nằm”. Nhiều người lên được đến điểm du lịch rồi cũng chẳng thiết chơi vì quá mệt.

Phương tiện di chuyển tại điểm du lịch cũng không đáp ứng nổi nhu cầu của du khách. Bạn Bình (Hà Nội) chia sẻ về chuyến du lịch Mộc Châu dịp nghỉ lễ 30/4 năm ngoái của mình: “Chúng mình dự định đi ô tô từ Hà Nội lên Mộc Châu rồi sẽ thuê xe máy của khách sạn hoặc  của người dân để vào sâu trong bản vui chơi, khám phá. Nào ngờ, khách du lịch ở đây quá đông, taxi còn chẳng có mà thuê chứ đừng nói đến xe máy. Thế là cả đội ngậm ngùi đi bộ chơi quanh quanh khách sạn rồi về”.

“Cháy” phòng cũng là vấn đề khiến nhiều người lo lắng khi quyết định đi đu lịch trong kỳ nghỉ lễ. Thông thường, các du khách thường phải đặt phòng trước cả tháng trời để đảm bảo đến đó không bị “bơ vơ”. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp đã đặt chỗ và thanh toán trước tiền phòng nhưng đến nơi vẫn phải “ngậm ngùi” nhận lại tiền vì đã có khách khác trả giá phòng cao hơn.
 

Các dịch vụ du lịch liên tục lên giá trong những dịp này (Ảnh minh họa)

 
Bạn Phạm Yến (nhân viên Maketing tại Hà Nội) chia sẻ kỷ niệm nhớ đời về chuyến du lịch cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang hồi 2/9 năm ngoái:“Chúng mình đề phòng trước tình trạng chặt chém, cháy phòng nên đã phải gọi điện đặt phòng trước. Nào ngờ, lên đến nơi thì không còn một phòng nào trống, nhân viên khách sạn chỉ nói xin lỗi rồi trả lại tiền. 8 giờ tối, chúng mình lê lết đi vào nhà dân thuê phòng nhưng cũng hết sạch. May quá gặp được một người dân tốt bụng cho vào phòng khách ngủ nhờ. Trời lạnh, ngủ trên sàn nhà không đệm, chỉ có tấm chăn mỏng mà cả lũ vẫn lăn ra ngủ như chết vì đi đường quá mệt. Đúng là chuyến đi “hành xác” chứ không phải du lịch”.

Tại các điểm du lịch, tình trạng đông đúc cũng gây ra nhiều phiền toái cho các du khách như: chen lấn, xô đẩy thậm chí trộm cắp đồ… Đối với các bạn trẻ đi du lịch bụi, phượt, nhiều xe di chuyển trên cùng một cung đường hẹp, dốc cua cũng dễ gặp nguy hiểm.

“Dù đã dự liệu trước những khó khăn gặp phải khi đi du lịch trong ngày nghỉ lễ, nhưng phải đến khi trải qua rồi mới thấy hết được sự phiền toái nó mang lại. Nếu có thể sắp xếp được thời gian thì tốt nhất nên đi chơi vào ngày thường. Còn nếu “buộc” phải đi vào ngày nghỉ lễ thì nên có sự chuẩn bị kỹ càng, tránh tình trạng đi chơi về lại phải nghỉ làm vì mệt”, bạn Phạm Yến chia sẻ thêm.

“Du lịch đâu nhất thiết phải đi xa”

Được nghỉ lễ 6 ngày nhưng gia đình anh Tuân quyết định ở lại Hà Nội, không đi du lịch. Anh đưa ra một lý lẽ rất riêng và rất thú vị cho quyết định “lạ” của mình: “Mọi người đã quá quen với một Hà Nội ồn ào, đông đúc, bụi bặm nên quên mất rằng nó rất đẹp. Nghỉ lễ, mọi người đổ xô đi du lịch, về quê nên Hà Nội trở nên thênh thang, yên tĩnh và thơ mộng hơn. Và cũng vì thế mà nó trở nên lạ lẫm. Tôi thường nhân những dịp thế này, chở vợ con đi dạo quanh phố phường Hà Nội, ăn món ngon phố cổ, xem phim, nghe nhạc vào buổi tối… Với tôi, đó là cách du lịch rẻ tiền và thư thái nhất, đâu nhất thiết cứ phải đi xa”.
 

Hà Nội lúc vắng vẻ, yên tĩnh mang một vẻ đẹp rất riêng (ảnh minh họa)

 
Rút kinh nghiệm từ chuyến du lịch vào kỳ nghỉ năm ngoái, năm nay chị Hà (Vĩnh Phúc) cùng gia đình về quê ngoại chơi chứ không đi du lịch. “Chẳng tội gì mà vừa mất tiền lại vừa phải chen chúc. Nghỉ dài như vậy mà đi chơi được thì cũng vui lắm đấy nhưng vất vả quá. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng thì tôi khuyên mọi người đừng nên đi chơi xa vào ngày nghỉ lễ. Đông đúc và mệt mỏi lắm”, chị Hà chia sẻ.
 
Có lẽ, phần lớn du khách chỉ chú ý đến những điểm du lịch xa xôi, nổi tiếng mà không nhận ra xung quanh Thủ đô cũng có khá nhiều nơi thú vị như: Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội) Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình)… “Đi đâu không quan trọng mà quan trọng là vui vẻ, thoái mái và thư thái” quan điểm du lịch này có lẽ nên được cân nhắc trong kỳ nghỉ lễ dài ngày.
 
>> Khách sạn 3 sao ở Sapa hét giá 46 triệu/đêm ngày 30.4

Theo Hạ Nhiên (Dân Việt)