Sự việc hy hữu này xảy ra trong đám cưới của chú rể họ Tôn, ở Từ Châu, Giang Tô, Trung Quốc.
Theo đó, vào đêm hôm trước khi rước dâu thì chú rể đã bị bạn bè đùa nghịch quá đà, trong đó một người bạn nặng gần 100kg đã đè lên chân của anh Tôn. Điều này khiến anh Tôn bị gãy chân, buộc phải băng bó ngay trong đêm.
Vì không muốn lỡ dở ngày vui, chú rể đành cố gắng tham gia lễ cưới với chân phải thương tật, cảnh tượng khiến nhiều người không khỏi xót xa, ngao ngán.
Sau khi thông tin về vụ việc chú rể bị gãy chân được đăng tải, rất nhanh đã nhận được nhiều phản ánh từ dư luận.
Đa số mọi người đều cho rằng nên bỏ hẳn tục "náo hôn" hoặc phải quy định rõ ràng về mức độ, nghiêm cấm những trò thô tục, bạo lực, không để những biến tướng tiếp tục xảy ra, tạo ra hậu quả đáng tiếc. Cũng có người chỉ trích bạn bè của chú rể là bạn xấu, bạn bè như vậy nên bớt liên lạc.
Dẹp bỏ hủ tục
Được biết, "náo hôn" (naohun) là tục lệ xuất hiện từ thời nhà Hán và tồn tại ở Trung Quốc hàng nghìn năm nay. Theo tục này, những khách bên nhà trai sẽ khuấy động hôn lễ bằng cách trêu chọc cô dâu, chú rể và cả các phù dâu.
Tuy nhiên, hoạt động này ngày càng biến tướng và trở nên xấu xí, thậm chí một số vụ bạo lực trong màn "náo hôn" còn được báo lên cơ quan chức năng trong những năm gần đây.
Jiang Yuxiang, giáo sư tại Đại học Tứ Xuyên, nói rằng trò chơi trong hôn lễ như trên không phải phong tục truyền thống. "Nếu có ai đó nói rằng nó là phong tục truyền thống thì cũng là một phong tục thô tục, cần phải dừng lại".
Hu Guangwei, giáo sư tại Học viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên, cho rằng những trò "náo hôn" là thiếu văn minh, "là sự xúc phạm đối với cô dâu, chú rể".
"Một số cô dâu, chú rể có thể tỏ ra vui vẻ trong một số trường hợp, nhưng có thể bản thân họ bị ép buộc bởi đám đông. Nếu trò đùa này gây thương tích, người tham gia có thể bị buộc tội", vị giáo sư nói.
Theo Thu Hương (Đời Sống & Pháp Luật)