Ấy vậy nhưng đâu đó ở quán xá, công sở, hè phố, nhà riêng... vẫn gặp cảnh rượu tràn cung mây với lý do: Chúc Tết, mừng xuân... Không ít người làm việc với bộ mặt đỏ gay, trạng thái lâng lâng vì rượu, thỉnh thoảng xảy ra va chạm cãi vã thì đổ lỗi cho... rượu nói! Xem ra, hiếm cộng đồng nào có cái Tết dài và "dại" như người Việt mình.
Năm nào về quê ăn Tết, tầm mùng 4 Tết, gia đình tôi trở về Hà Nội chuẩn bị cho công việc, học hành... cũng bất đắc dĩ phải nhận bao lời trách móc: Sao không ở chơi hết hội hẵng đi?. Hội ở đây có thể hiểu là đủ thứ hội. Nào hội làng, hội đồng hương, phong tục lễ lạt địa phương, hội chợ lớn chợ nhỏ... tính ra có "chạy sô" cả tháng Giêng cũng chẳng hết!
Hình ảnh ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ là những khoảnh sân gieo mạ đợi trồng cấy được phủ nilon tránh rét ở làng quê cho đến hết Tết vẫn phủ trắng xóa y nguyên như thế. Cây mạ đã lớn, đủ tháng đủ ngày cần trồng cấy xuống ruộng thành cây lúa non nay phải đợi con người chơi hết tháng Giêng trong quắt queo, héo hắt, sắc xanh đã ngả sang vàng.
Hình ảnh ở hội khai ấn Đền Trần khi lịch nghỉ Tết đã kết thúc. Ảnh: Đình Việt |
Tôi đã từng băn khoăn về những mầm sống ấy rồi nhận được những câu trả lời y hệt nhau, thông điệp hàm chứa ý dạy bảo: "Cây chết có thể gieo trồng lại còn hết hội hè thì không... chơi lại được". Thế nên, tôi cũng chẳng ngạc nhiên khi thấy ở những làng quê kiểu thế, các thành phần tưởng như trẻ trung, đổi mới là những sinh viên, người trẻ đi làm trên thành phố sẵn sàng nghỉ học, nghỉ việc để "kế tục truyền thống". Không tin, bạn cứ để ý những giảng đường, nhà hàng, quán xá sau Tết... thể nào cũng thưa vắng những mặt người.
Đã có lý giải cho rằng, nguồn gốc câu cửa miệng "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" xuất phát từ lịch nông nghiệp nhưng ngẫm lại, đó không phải lý do mang tính gốc gác. Chưa kể, nếu xét yếu tố thiên thời-địa lợi-nhân hòa thì mùa xuân mới là thời điểm thích hợp nhất để con người tiến hành gieo trồng, vun đắp và lao động hăng say!
Giáo sư Võ Tòng Xuân - người cách đây hơn 10 năm từng gây tranh cãi với quan điểm gộp Tết âm Tết dương cũng là một bậc minh sư về nông nghiệp cho rằng, chỉ những người không có công ăn việc làm, lười lao động thì mới thích cái Tết lê thê, lãng phí. Vấn đề không thể đổ lỗi cho lịch nhà nông được.
Bao năm qua, cái vòng luẩn quẩn kéo dài Tết đến hết cả tháng Giêng dường như chưa bao giờ chấm dứt dẫu chúng ta nói quá nhiều đến: thay đổi, lối sống mới, văn minh, tiết kiệm, không sĩ diện... Đôi khi, tôi đồ rằng, sự lê thê, rệu rã phần nào xuất phát từ tâm lý "no dồn đói góp" trong thẳm sâu mỗi người Việt.
Trải qua nhiều năm tháng đói khổ, chiến tranh giặc dã triền miên, thắt lưng buộc bụng lo toan đủ bề... khai sinh ra cái nhu cầu hưởng thụ cho ra nhẽ, cho bét nhè. Dần dà, chúng ta không thể chấp nhận cái hạnh phúc của một "mùa bình thường" để sống và lao động cho bình thường giữa tiết xuân tươi đẹp như nhạc của Văn Cao.
Thời điểm nhiều người còn chưa "công nhận" hết Tết thì bao cơ quan, doanh nghiệp phải "khóc ròng" vì đụng đến công việc, hoạt động đoàn thể thì "vườn không, nhà trống".
Quá nhiều lý do bao biện cho sự vắng mặt, thờ ơ, rệu rã sau Tết. Nào hoàn cảnh, quê xa, phong tục, tập quán... trong khi trên thực tế, còn lại những ngày nghỉ phép năm, các ngày nghỉ lễ rải rác khác (tính ra không dưới chục ngày!) chẳng ai lấy đi của người lao động! Thật lạ lùng!
Theo Thành Nam (Giadinh.net.vn)