Sự phổ biến của các thiết bị điện tử và internet hiện nay đã tạo cho trẻ em cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với thế giới và những điều mới lạ. Về mặt tích cực, việc này có thể giúp cho trẻ trở nên nhạy bén hơn nhưng bên cạnh đó nó cũng mang đến cho bố mẹ nhiều thử thách trong quá trình giáo dục con cái.
Nếu bố mẹ kiểm soát quá chặt chẽ, trẻ có thể sẽ hình thành thái độ chống đối, có các hành vi nổi loạn. Tuy vậy khi bố mẹ không có sự quan tâm đúng mức, trẻ tự do phát triển dễ đi chệch hướng, có khả năng ảnh hưởng đến tư duy và ảnh hưởng đến tính cách của chúng khi trưởng thành.
Hôm 10/9 vừa qua, người dùng mạng xã hội đã lan truyền mạnh mẽ một đoạn video gây nhức nhối ghi lại cảnh một cậu con trai đeo cặp sách đi học liên tục có hành vi đánh và đá mẹ ở giữa phố đông đúc. Người mẹ bị con trai đánh té nhào xuống đất, không đứng dậy nổi trước những cú đá liên tục của đứa trẻ.
Được biết sự việc xảy ra tại Bảo Kê, Thiểm Tây. Nhìn vào cách ăn mặc của đứa trẻ, dân mạng đoán rằng cậu bé chỉ đang học tiểu học. Hành vi hung hăng đánh mẹ của cậu bé làm cho người đi đường kinh ngạc và bức xúc. Tuy nhiên điều khiến mọi người ngán ngẩm hơn cả chính là việc người mẹ vẫn im lặng chịu đựng, nằm yên để mặc con trai đánh mà không có bất cứ hành động nào để giáo dục lại đứa trẻ.
Trong đoạn video được ghi lại, cậu bé còn đang mặc đồng phục, đeo cặp sách và khăn quàng đỏ. Không hiểu vì điều gì mà đứa trẻ tỏ ra rất tức giận. Sau khi khóc lóc và hét toáng lên, đứa trẻ đã lao vào đánh, đá, đẩy mẹ té xuống đất. Cậu bé ngỗ ngược còn leo hẳn lên người mẹ, đè xuống rồi dùng chân đá vào mông mẹ.
Người mẹ bất lực nằm chịu trận, muốn đứng lên nhưng không được. Lúc bấy giờ, có 3 chú bảo vệ gần đó phát hiện ra sự việc nên đã tiến tới ngăn cản, nói rằng cậu bé không được tiếp tục gây chuyện nếu không sẽ báo cảnh sát.
Đứa bé "không sợ trời không sợ đất", ngang nhiên chống nạnh, đối mặt với 3 người bảo vệ và quát mắng, thách thức họ. Hành động và thái độ ngang ngược của cậu bé làm cho tất cả mọi người chứng kiến phải lắc đầu ngao ngán.
Chị Trần, một người mẹ đang dắt con đi chơi vô tình đã chứng kiến sự việc. Chị cho biết thái độ của đứa trẻ rất xấc xược. Khi bị bảo vệ ngăn cản, cậu bé không chỉ cãi lại ngang ngược mà còn giật điện thoại của bảo vệ rơi xuống đất.
Theo ý kiến của chị Trần, để đứa trẻ có những hành vi vô lễ, ngỗ ngược như vậy, lỗi lớn nhất nằm ở cách giáo dục của cha mẹ và đây chính là dấu hiệu cảnh báo rất lớn về nhân cách xấu của đứa trẻ trong tương lai.
Ý kiến của chị Trần cũng giống như nhận định của cộng đồng mạng, cho rằng sự nuông chiều và nhẫn nhịn thái quá của người mẹ đã làm hỏng đứa trẻ, có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đời của cậu bé sau này.
Một số ý kiến cho biết, giáo dục con cũng như uốn nắn một cái cây nhỏ. Nếu chúng ta quá mạnh tay, cây sẽ gãy. Nhưng nếu không có sự hướng dẫn đúng đắn, cái cây nhỏ này sẽ phát triển chệch hướng.
Giống như trường hợp này, sự ngỗ ngược của cậu bé chính là hệ quả của việc giáo dục sai lầm từ phụ huynh. Có thể bố mẹ đứa trẻ chủ trương giáo dục theo kiểu mềm dẻo nhưng cũng cần có điểm giới hạn. Nếu như không sớm có cách giáo dục lại, người khổ sau này không chỉ là phụ huynh mà còn làm hại đến tương lai của con trai họ.
Theo Song Kỳ (Pháp Luật & Bạn Đọc)