Phá vỡ khuôn mẫu những bài văn thông thường là chỉ tả chiếc bút với hình dáng thu hút hay nét mực đều đặn, cậu bé này khiến mọi người ôm bụng cười vì những tâm sự chân thật đến... bá đạo.
Đó là cậu bé tên Khánh Nam, học lớp 4, ở Hà Nội. Không chỉ "tự thú" một tháng mất trên dưới mười cây bút, Khánh Nam còn kể chuyện cây bút gắn bó lâu nhất là... 2 tuần. Đồng thời nhận mình "may mắn" vì có mẹ làm giáo viên nên "mỗi hôm em cũng nhặt được gần chục cái bút sau giờ học".
"Quả thật khi đi học em không nhớ là mình dùng đến bao nhiêu chiếc bút mực. Trung bình mỗi tháng em làm mất trên dưới mười cái bút. Những cái bút em giữ lâu nhất là chiếc bút kim tinh mẹ mua cho em. Cây viết có màu đen dài khoảng 15cm...
Chiếc bút này đã giúp em viết được những hàng chữ đều đặn chính xác. Nhờ nó mà có lần em được cô giáo khen chữ có nhiều tiến bộ. Em rất yêu quý chiếc bút đó. Nhưng thật buồn vì mẹ mới mua được hai ngày em đã đánh mất nắp bút. Được khoảng hai tuần thì em không thấy nó đâu cả. Nhưng đó cũng là kỷ lục giữ bút của em. May mà mẹ em làm giáo viên, có dạy học ở nhà nên mỗi hôm em cũng nhặt được gần chục cái bút sau giờ học. Nhờ đó mà mẹ em đỡ tốn tiền mua bút.
Từ giờ trở đi em sẽ giữ gìn bút cẩn thận hơn để mẹ không than phiền về đồ dùng học tập của em".
Dưới bài văn, lời cô giáo nhận xét cũng khiến nhiều người thích thú: Bài văn của Nam dễ thương quá! Sẽ thật tuyệt hơn nếu Nam giữ gìn cẩn thận chiếc bút mà con dùng để viết bài tập làm văn này, để cô lại được đọc những bài văn khác với nét chữ cẩn thận như thế này Nam nhé!
Nhiều người "đánh giá cao" bài văn vì dám nói thẳng nói thật, đồng thời khen ngợi cách dùng câu từ lẫn triển khai ý mạch lạc, súc tích và không hề lủng củng. Chữ viết cậu bé còn khá đẹp, hầu như không sai lỗi chính tả. Lời phê của cô giáo cũng khiến dân tình thích thú vì quá tâm lý và đáng yêu.
Được biết, dù viết văn câu cú rất gãy gọn, logic, từ vựng phong phú như vậy nhưng thực tế từ năm 4 tuổi Nam đã theo bố sang Nhật, mãi đến lớp 2 mới về Việt Nam.
Mẹ Khánh Nam, một giáo viên dạy toán chia sẻ: "Bạn ấy viết văn bài nào cũng buồn cười vậy cả, tả gì cũng phải thật trăm phần trăm, chưa bài nào mình thấy có tí nghĩa 'văn học' chuẩn. Con luôn viết theo sở thích của mình chứ không bao giờ viết theo văn người khác hướng dẫn.
Như có lần, cuối kì, cô cho đề cương tả bạn thân và tả mẹ. Mình cho xem văn mẫu bảo đọc thuộc ý hay, bạn ấy thuộc lèo lèo. Hôm sau thi về tả bạn, tả nhân vật yêu thích, thế là bạn ấy tả luôn... nghệ sĩ K-ICM.
Hôm trước đề bài ra là viết thư cho bạn ngày Tết thì con bảo con viết thư cho... người yêu. Giờ bọn trẻ toàn tả văn thật. Các phụ huynh bây giờ cũng để con tự do để đẩy sự sáng tạo cho con dù đọc thì rất buồn cười", chị nói.
Nói về cách dạy con, mẹ cậu bé chia sẻ: "Hôm nào mình cũng dạy đến tận gần 22h nên con hầu hết tự học, cần chỉnh sửa gì thì mẹ sẽ hướng dẫn cho con. Còn trong giao tiếp hàng ngày, bạn ấy khá năng động, đôi khi thừa năng lượng.
Bố mẹ tôn trọng sự phát triển của con, chỉ hướng con không đi theo hướng xấu, chưa bao giờ ép con học theo ý mình. Còn tính cách mỗi bạn mỗi khác, mong phát triển được những năng lực tốt và hạn chế những điều không tốt cho con".
Theo mẹ của Khánh Nam, hiện tại gia đình không thấy con có năng khiếu gì để định hướng tương lai và bản thân chị chỉ cần con ngoan khỏe là đủ.
Theo Hiểu Đan (Pháp Luật & Bạn Đọc)