Hiện đang có hơn 30.000 clip kiểu này trên mạng. Các bậc phụ huynh làm việc này lý giải, họ muốn làm cho đưa trẻ cảm thấy xấu hổ và sửa lại lỗi lầm của mình. Nhưng điều này đang gây ra những cuộc tranh luận trái chiều vì những video clip này thường được rất nhiều người chú ý mỗi khi đăng tải.
Trong một clip, phụ huynh đã giận dữ cạo đầu của con vì tội đánh bạn ở trường. Cũng với tội này, một ông bố đã quay cảnh phạt đứa con trai 10 tuổi phải đi bộ gần 2 cây số đến trường giữa cơn mưa xối xả, còn ông lái xe rề rề theo sau.
Nhiều ông bố bà mẹ khác giận con nghịch ngợm cũng có hành xử tương tự. Một phụ huynh tung lên mạng clip đang phạt con bằng cách dùng tông đơ cắt trọc nham nhở mái tóc để nó quê phải học tốt hơn.
Có người lại quay cảnh chính họ đang phá hết các thiết bị điện tử của con cái như một biện pháp trừng phạt, mục đích bắt trẻ thay đổi lối sống.
Một trong những video gây sốc nhất thuộc về bà mẹ tên Jessica Beagley. Bà mẹ này đã buộc con trai mình phải uống nước sốt nóng, rồi sau đó vừa la mắng vừa xả vòi nước lạnh băng lên người nước cậu ta. Người phụ nữ này tuyên bố rằng cô ta buộc phải dùng cách này để đối phó với thói hư tật xấu của con mình vì những biện pháp truyền thống đã không còn hiệu quả.
Tuy nhiên, phương pháp dạy con trực tuyến này của Jessica đã dẫn cô đến tòa án do bị kiện về tội lạm dụng trẻ em. Cô bị kết án treo và phải nộp phạt 2.500 đô la.
Trên Twitter, những lời phê bình thi nhau xuất hiện, đa số đều lên án cách dạy con của những ông bố bà mẹ này.
Số ít cho rằng, biện pháp quay hình ảnh đưa lên cho bàn dân thiên hạ xem để con cái quê như là sức mạnh của kiểu “yêu cho roi cho vọt”, tức dạy cho bọn trẻ một bài học.
Ở mặt ngược lại, những lời chỉ trích mô tả các động thái sỉ nhục trẻ là “tàn nhẫn”, “ức hiếp con cái thái quá thời 4.0” và “đáng lo ngại” cho xã hội. Phe chống đối tự hỏi, tại sao những bậc làm cha làm mẹ lại muốn công khai làm nhục chính con mình trước mắt bàn dân thiên hạ như vậy?
Chuyên gia tâm lý giáo dục Sue Atkins cho hay: "Điều kỳ quặc khó hiểu là chính họ tự quay phim con mình. Tại sao họ làm vậy? Họ làm vì ai? Chắc chắn là không làm vì lợi ích của trẻ, mà chỉ vì họ muốn chính họ được chú ý, tức hám cái danh hảo của kiểu sống ảo chẳng kém gì những người trẻ tuổi khác. Tại sao bố mẹ không làm gương và sử dụng các phương pháp giáo dục tích cực để chỉ bảo con cái hành xử cho đúng đắn?".
Tiến sĩ Karyl McBride, tác giả của cuốn sách "Con có bao giờ đủ ngoan với mẹ?" cũng đồng ý rằng: "Chế giễu và nhục nhã trẻ em dù âm thầm hay công khai đều là một hình thức lạm dụng về mặt tinh thần. Nó làm cho những đứa trẻ sau này trở thành những con người bị tê liệt vì nghi ngờ bản thân.
Nó gây ra nỗi sợ hãi và lo lắng lâu dài cho chúng. Trẻ em chỉ tôn trọng những người tôn trọng chúng và mang cho chúng cảm xúc dịu dàng.
Nếu bạn muốn một đứa trẻ trở thành một người tử tế, biết yêu thương, biết cảm thông với người khác... thì bạn cần đưa những cái đó cho chúng trước đã".
Theo Minh Minh (Đời Sống Pháp Luật)