Năm 2016, sau vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, TP Hà Nội xảy ra, tôi được cử đến hiện trường để đưa tin, bài trực tiếp. Điều đầu tiên tôi thấy ớn lạnh khi đến khu vực xảy ra vụ nổ đó là có quá đông người dân vây kín xung quanh. Nhiều người tranh thủ chụp ảnh, bàn tán và gọi điện tường thuật cho những người ở xa không có "cơ hội" đến xem.
Sức công phá của quả bom rất mạnh và rộng, khi đó có nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội nhưng cũng không khoanh vùng được hết hiện trường.
Thời điểm đó tôi nhớ rõ, một số cán bộ của Quân khu Thủ đô đã liên tục cầm loa tay nhắc nhở mọi người tránh càng xa khu vực được bảo vệ càng tốt. Nhưng đáp lại lời kêu gọi thì người dân ùa đến mỗi lúc một đông.
Nói gở, nếu khi đó có thêm một quả bom/mìn nữa phát nổ thì hậu quả xảy ra sẽ rất thảm khốc.
Nhưng ơn trời, rất may, trường hợp xấu nhất đã không xảy ra. Đó là vụ việc cho tôi cảm nhận, dường như một số người dân không biết sợ thứ vũ khí giết người rất khủng khiếp, đó là bom mìn.
Mới đây, khi cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cho trục vớt, di dời quả bom lớn ở chân cầu Long Biên thì thêm một lần nữa để thấy rằng, bom mìn ở bất cứ vụ việc nào cũng gây ra sự hiếu kỳ cao độ. Khi lực lượng công binh đang tiến hành xử lý quả bom lớn thì gười dân đã xúm đen xúm đỏ trên cầu để chỉ trỏ, xem xét và chụp ảnh tự sướng.
Để xảy ra tình trạng này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, khoanh vùng hiện trường chưa được tốt nhưng phần khác nó cũng xuất phát từ sự vô ý thức và thiếu hiểu biết của người dân.
Khi tiến hành rà phá, xử lý bom, mìn sẽ chẳng có cơ quan nào dám cam đoan, chúng tôi sẽ thực hiện an toàn tuyệt đối, không để xảy ra sự cố. Nhưng một số người dân chẳng xem đó là sự nguy hiểm, họ luôn cố gắng đến gần để có những bức ảnh tự sướng độc nhất.
Sáng ngày 3/1, thêm một vụ nổ rất khủng khiếp đã xảy ra tại làng Quan Độ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Ông Mẫn Văn Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho hay, vụ nổ khiến 2 cháu bé tử vong, nhiều nhà xung quanh bị đổ sập, phạm vi ảnh hưởng lên tới 5km.
Cũng theo ông Truyền, nơi phát nổ là một kho chứa hàng, không có người ở. Chủ hộ là ông Đặng Đình Tiến, xóm Chợ Bóp, làm nghề buôn phế liệu lâu năm.
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, các đơn vị như quân đội, công an cũng đã đến nơi để cùng người dân cấp cứu người bị nạn cũng như xác định nguyên nhân.
Và nhưng như thường lệ, người dân đã ngay lập tức kéo đến khu vực này rất đông. Rất ít người tự cảm thấy nguy hiểm để tránh xa hiện trường. Các cơ quan hữu trách cũng không có phương án di tản người dân, khoanh vùng khu vực nguy hiểm để đề phòng một sự cố cháy, nổ khác có thể tiếp diễn.
Những hình ảnh đã phát tán lên mạng cho thấy, có rất nhiều vật nghi là đầu đạn văng khắp nơi. Điều gì sẽ xảy ra nếu những vật này tiếp tục phát nổ hoặc bị thất lạc hay trẻ nhỏ thấy lạ nhặt về làm đồ chơi?
Chiến tranh đã chấm dứt ở nước ta hơn 40 năm. Tuy nhiên, tàn dư của cuộc chiến vẫn còn sót lại ở nhiều làng quê, thậm chí ở nhiều khu vực của thành phố lớn.
Chúng ta đã chịu rất nhiều mất mát, đau thương từ bom, mìn trong thời chiến. Để tránh bị sát thương vì thứ vũ khí khủng khiếp này, cha ông chúng ta đã phải đào hầm ngầm, địa đạo, hố tránh bom cá nhân khắp nơi.
Vậy nhưng bây giờ là thời bình, có vẻ như những câu chuyện trong thời gian khổ, nguy hiểm của quá khứ đã không làm ai hoảng sợ.
Bom mìn dù có chôn sâu trong lòng đất bao nhiêu năm thì vẫn là vũ khí giết người gây nguy hiểm cực độ.
Chẳng có lý do gì để người dân hiếu kỳ, tò mò và xâu xúm vào những chỗ có nguy cơ tai nạn cao như vậy. Một quả bom phát nổ đã gây những hậu quả quá lớn. Khi cơ quan chức năng còn chưa kịp rà soát, kiểm tra kỹ càng hiện trường thì có nghĩa đó là khu vực nên tránh xa.
Theo Bộ Tư lệnh công binh, riêng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là khoảng hơn 15,3 triệu tấn, trong đó có 7,8 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất. Tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng, tương đương với khoảng 800 nghìn tấn.
Khảo sát của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh), mỗi năm cả nước có khoảng 2 nghìn người chết và hàng ngàn người khác bị thương do tai nạn bom mìn.
Đất nước đã thoát khỏi chiến tranh hơn 40 năm nhưng mỗi năm vẫn có hàng ngàn người chết, trong số những vụ tai nạn này, có không ít người chết vì sự chủ quan vì sự thiếu biết, vì đã coi bom mìn như một trò đùa, như một thứ để câu like trên mạng.
Theo Hoàng Việt (Soha/Trí Thức Trẻ)