Tôi chọn hôm nay - ngay sau mùng 8/3 - ngày mà người ta nói nhiều về đấu tranh cho quyền phụ nữ, để nói về đàn ông, về những chàng trai quanh tôi và quanh cuộc đời nhiều cô gái khác. Tôi tin rằng, xét về mặt nào đó, đàn ông Việt Nam có rất nhiều nỗi bất hạnh.
Ngay từ đầu, bạn đã cảm thấy một điều gì đấy trái ngược ở đây. Lẽ thường thì đàn bà, con gái mới là "lực lượng" kêu gào sự bất hạnh trong những ngày này. Vậy lên tiếng cho sự bất hạnh của đàn ông chẳng phải là một suy nghĩ ngược đời hay sao? Tôi không nghĩ vậy bởi hoá ra, chính đám đàn ông, con trai cũng đang mắc kẹt trong những sung sướng, thiên vị tưởng như là đặc quyền của riêng phái nam. Những chàng trai được nuông chiều trở thành cái rốn của vũ trụ, không thể sống tự lập và gánh vác trách nhiệm phải trở nên thành công bằng mọi giá mới xứng đáng với sự kỳ vọng của gia đình - từng đấy thứ, tôi nghĩ cũng đã đủ để gọi là bất hạnh rồi.
Tôi không cảm thấy đây là một nghịch lý khó chấp nhận, một khái niệm đi ngược lại đám đông mà thậm chí, nó còn là một lý do hợp lý để chúng ta đấu tranh nhiều hơn cho bình đẳng giới, cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, nơi mà không ai, không một giới tính nào bị kìm kẹp trong sự đóng khung về vai trò mà xã hội và truyền thống đặt lên mình.
Lẽ thường, đàn ông sinh ra trong một sự chào đón đặc biệt của tất cả các gia đình. Đã có một thời gian dài, chính xã hội chúng ta cũng phải có những biện pháp, những cuộc tuyên truyền để đẩy lùi suy nghĩ trọng nam khinh nữ. Phụ nữ đẻ con gái thường được coi là chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình với gia đình nhà chồng, và hẳn các bạn vẫn nhớ đã có đến ti tỉ bài báo viết về những bi kịch gia đình xuất phát từ những cuộc cố gắng thầm lặng để cho ra đời bằng được một đứa con trai (dù trước đó, người vợ đã đẻ đến 3-4 cô con gái).
Chính bản thân điều này là một minh chứng hùng hồn nhất cho việc, chúng ta vẫn quá coi trọng vai trò của người đàn ông trong một gia đình. Phải có con trai để nối dõi tông đường, phải có con trai để làm đích tôn. Nhưng sự thật là gì? Những em bé trai sau khi được ra đời trở thành cục cưng của cả dòng họ, với đầy đủ những đặc quyền và sự chiều chuộng đến từ ông, bà, cụ, kị.
Tôi có những người bạn được bố mẹ chiều đến mức, họ không thể sống một mình nếu thiếu đi bàn tay chăm sóc của người phụ nữ. Họ được nuôi dạy sẽ lớn lên mạnh mẽ, độc lập, là trụ cột của cả gia đình, nhưng đồng thời cũng trở thành những ông hoàng lệ thuộc vào sự chăm sóc của bố mẹ, tự ái cao vời vợi và tất nhiên, họ thì là nhất.
Tôi biết có những người anh của mình, không thể nấu một bữa cơm cho ra hồn khi bố mẹ đi vắng, và căn phòng họ ở khi không có người giúp việc hay mẹ xắn tay vào dọn dẹp sẽ giống như một bãi rác vừa được copy paste đặt vào. Họ sẽ là những người chồng, người cha tương lai nhưng chưa hề có khái niệm tự lập và tự chăm sóc cho chính mình.
Ở cuộc sống gia đình thường nhật, thì tất nhiên các cậu chẳng mấy ai có tư tưởng sẽ giúp đỡ mẹ hoặc bà trong việc nhà. Từ bé họ không được dạy việc đó, và tất nhiên khi lớn, nó đã thành thứ suy nghĩ ăn sâu: không phải việc của đàn ông. Kể cả khi cậu ta rảnh còn mẹ thì đang mướt mải với tỉ thứ việc không tên.
Thậm chí, chuyện tương tự xảy ra với các chàng trai đang yêu, họ lấy khả năng nấu nướng, dọn dẹp của người con gái mình yêu ra làm thước đo để tiếp tục chuyện tình cảm, hoặc tính đường tiến tới hôn nhân. Tôi tự hỏi, họ đang tìm kiếm một người vợ, người yêu lý tưởng hay một cô giúp việc???
Không phải lẽ dĩ nhiên mà châu Á luôn là nơi có tỉ lệ phụ nữ bị bạo hành lớn trên thế giới, ngang bằng với Trung Đông (chúng ta đều biết phụ nữ ở những nơi đó đang trải qua một cuộc sống như thế nào). Điều này trở nên dễ dàng để lý giải khi ta nhìn sâu vào các gia đình, nhìn thấy cách người phụ nữ được giáo dục để hầu hạ và chiều chuộng chồng mình một cách vô điều kiện, và nhìn những người đàn ông được nuôi dạy để chấp nhận sự hầu hạ đấy mà không cảm thấy có lỗi. Sự ích kỉ lớn dần, tính tự cao và áp đặt cũng tỉ lệ thuận theo đó, và bạo lực xảy ra khi người phụ nữ không đáp ứng được yêu cầu của người chồng.
Tôi đưa ra tất cả những luận điểm này, hoàn toàn trên quan điểm của một người đã đọc, quan sát và tìm hiểu rất nhiều về nữ quyền và bình đẳng giới. Tôi không có ý định đổ lỗi cho phái nam vì sự bất bình đẳng này, ngược lại, tôi đồng cảm với họ. Họ không có sự lựa chọn nào khác khi lớn lên với sự giáo dục rằng mình là trung tâm thế giới, là tinh hoa và là những kẻ mang sứ mệnh cao cả gánh vác người phụ nữ trên vai. Họ không có sự lựa chọn nào khác khi bố mẹ bảo họ phải như vậy, sách vở tô vẽ vai trò của phái nam như vậy và nào thì Quách Tĩnh, Dương Quá hay Michael Corleone nói họ phải trở thành người đàn ông mạnh mẽ thì cool ngầu ra sao.
Tôi có thể kể ra đây một loạt những bất hạnh mà phái nam phải gánh chịu vì bất bình đẳng giới. Và tôi có thể kể cả những bất hạnh mà tất cả chúng ta đều phải gánh chịu vì những định kiến xã hội đặt lên giới tính, lẫn những kỳ vọng của gia đình vào cả con trai và con gái.
Đầu tiên là những sự bất hạnh của đàn ông. Tôi không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu cuộc tranh luận với một vài cậu bạn trai của tôi - khi họ có vẻ khó chịu và than phiền về việc người yêu mình quá thành đạt. Đa phần đều không thể chịu được việc lép vế trước con gái. (Tôi xin mở ngoặc ở đây, đó là đều là những thanh niên trẻ tuổi, có học thức và trải nghiệm xã hội, tôi tin tưởng là những người hiện đại và có suy nghĩ cởi mở). Tôi hỏi: "Tại sao? Người yêu của anh là một người tuyệt vời và cô ấy đang làm những điều tuyệt vời. Nếu anh không thể vượt qua, tại sao anh lại phải thấy xấu hổ vì điều đó? Cô ấy có làm việc gì xấu đâu?". Câu trả lời tôi nhận được luôn là: "Vì tôi là đàn ông, và đàn ông phải là chỗ dựa. Đàn ông phải vượt trội so với con gái và phải lo cho cuộc sống của cô ấy". Tôi lại tiếp tục hỏi: "Tại sao? Nếu anh không thể giỏi hơn cô ấy, tại sao cô ấy lại không được quyền giỏi hơn anh? Có nghiên cứu nào cho thấy nếu con gái là chỗ dựa thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ hay xã hội này sao?".
Không ai trả lời được nhưng tôi vẫn cảm thấy bầu không khí kiểu :"Nó hoàn toàn không hiểu gì hết". Quả thật tôi không thể hiểu. Tại sao phụ nữ thành công lại trở thành một khái niệm xấu xí với chính người mà mình yêu thương? Trong khi anh ta hoàn toàn có thể chấp nhận sự thành công đấy là một niềm hạnh phúc, một sự tự hào.
|
"Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có quyền thoải mái để yếu đuối. Và cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có quyền để mạnh mẽ".
|
Và tôi thấy, bản thân sự cứng đầu đấy của đàn ông cũng chính là nguồn cơn bất hạnh của họ. Họ phải gánh vác một trách nhiệm quá lớn mà xã hội và chính sự chiều chuộng gia đình mình đặt ra. "Phải thành công, phải là trụ cột, phải vượt trội người yêu, người bạn đời của mình. Phải kiếm được nhiều tiền". Các chàng trai bước ra đời với suy nghĩ mà bố mẹ gieo vào đầu về một gia đình hoàn mỹ bao gồm: Chồng kiếm được nhiều tiền và vợ ở nhà nấu ăn. Nhưng nếu bây giờ ta đưa ra một công thức khác cho họ lựa chọn: Vợ kiếm được nhiều tiền và chồng ở nhà chăm sóc gia đình. Tất cả sẽ nheo mặt: Có gì đó sai sai ở đây.
Đã có những cuộc tình đổ vỡ vì chính chàng trai không thể chịu được việc người vợ tương lai của mình có tương lai xán lạn hơn, và cũng đã có rất rất nhiều người đàn ông trở thành những con sâu rượu, những kẻ bê tha, những hố sâu trầm cảm và tuyệt vọng vì không thể thành đạt, không thể thành chỗ dựa cho người con gái, thất bại trong việc trở thành hình mẫu mà xã hội đặt ra ban đầu.
Tôi nghĩ, điều đó cũng trầm trọng tương tự như việc người phụ nữ bị xã hội áp đặt phải trở nên hiền dịu, phải ở trong bếp, đừng học quá cao và luôn phải hy sinh vì gia đình mới là một phụ nữ hoàn hảo. Vấn đề là, quá ít người trong chúng ta nhận ra điều đó. Phụ nữ Việt Nam đòi hỏi bình đẳng hàng ngày, nhưng họ chỉ đơn giản là đòi bình đẳng trong chuyện rửa bát, chuyện dọn nhà. Không ai đòi bình đẳng cho mình trong việc đi làm, cũng không ai nghĩ đến việc tạo nên một xã hội bình đẳng từ chính việc thay đổi cách chiều chuộng người đàn ông của mình, hay tự tạo dựng cho mình một sự nghiệp riêng thay vì chỉ chăm chăm đi tìm một người chồng, một người yêu giàu có.
Rất nhiều người phụ nữ phải chịu bất hạnh từ chính sự bất bình đẳng này, từ chính sự hy sinh mà họ được dạy từ nhỏ, nhưng không ai nhìn ra được bức tranh toàn cảnh. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng: đây là một bi kịch tình yêu mà bất cứ ai cũng phải gánh chịu, chứ không phải là một kết quả của một thế hệ bị ảnh hưởng bởi sự giáo dục và bị áp đặt những định kiến từ xã hội.
Bình đẳng giới không chỉ là quyền lợi của các cô gái, mà nó còn là quyền lợi của các chàng trai. Nó không chỉ là câu chuyện để các cô gái trẻ có thể thành công và trở thành bất cứ ai, được tôn trọng và không bị phán xét khi sống một cuộc sống mà họ mong muốn, mà nó còn là câu chuyện để người con trai có thể vượt qua được những áp đặt xã hội, tự lập, vứt bớt những gánh nặng và không phải gồng mình theo những chuẩn mực truyền thống.
Bình đẳng giới không có nghĩa là người nam sẽ phải lép vế, mà đơn giản là cả hai giới đều có thể thoải mái theo đuổi ước mơ và sống hạnh phúc theo cách của riêng mình.
>> Trang Hạ: “Tôi thấy tội nghiệp cho đàn ông mỗi dịp lễ 8/3”
>> 7 điều lý giải phụ nữ mới thực sự là "anh hùng" trong nhà
Theo Diệp Nguyễn (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)