12 năm trôi qua kể từ ngày sinh con gái đầu lòng, chị Phạm Thùy Linh, 35 tuổi ở quận Tây Hồ, "vẫn nhớ như in từng giây, từng phút" hành trình được gặp bé và cả chặng đường dài hai mẹ con cùng kiên cường chiến đấu để có cuộc sống như hôm nay. Bé Bảo Châu chào đời ở tuần 28 và nặng 1,2 kg. Hiện tại, con là cô bé lớp 5 ngoan ngoãn, đáng yêu; là cô chị cả luôn nhường nhịn và chăm sóc các em, lại khéo tay giúp mẹ nấu ăn ngon và làm việc nhà.
Mỗi lần đến sinh nhật con gái, 24/10, chị Linh lại kể cho Bảo Châu nghe con là em bé sơ sinh kiên cường như thế nào. Mẹ Linh còn viết hồi ký kể về những ngày Bảo Châu còn nhỏ để con biết từng trải qua những gì và người thân đã yêu thương, chăm sóc con ra sao. Có lần, mẹ Linh mang chiếc tất sơ sinh cho con xem. Châu cầm và ngạc nhiên khi chiếc tất ấy còn nhỏ hơn cả tất của búp bê.
Chào đời trong nỗi hoảng hốt của mẹ
Một ngày tháng 10/2006, sau khi ăn cơm tối xong, chị Linh thấy bụng đau dữ dội. Chồng đi công tác chưa về kịp nên chị một mình bắt taxi vào viện khám. Được yêu cầu đóng tiền để vào phòng đẻ ngay, chị thắc mắc vì thai mới được 28 tuần. Khi biết cổ tử cung đã mở và sắp đẻ, chị bắt đầu hốt hoảng rồi òa khóc gọi điện cho mẹ. Nằm trên giường chờ đẻ, chị hoang mang với câu hỏi tại sao con lại "chui ra" lúc này khi lẽ ra còn ba tháng nữa mới tới ngày sinh.
Thai còn non tuần lại chưa xoay nên được tiên lượng xấu. Sản phụ được khuyên đẻ thường thay vì mổ để dễ dàng mang thai và sinh con lại. Chị Linh bắt đầu gào khóc trong đau đớn, phần vì có những cơn thúc, phần vì nghĩ con không sống được. Bé Bảo Châu ra ngoài sau một hồi mẹ vật vã. Con không khóc, người tím bầm và "nằm chỏng chơ" trên khay inox. Lúc sau bé ọ ẹ rồi khóc ré lên khi được phát mạnh vào mông. Bảo Châu nhẹ cân và phải nằm lồng ấp, còn mẹ Linh được chuyển ra ngoài. Ngày đó, 8 tiếng chờ để được nhìn thấy đứa con bé bỏng, với chị Linh dài như cả thế kỷ.
Hàng ngày, mỗi lần lên khoa sơ sinh để gặp con, chị Linh sốc và bất lực khi nhìn bé nằm thiêm thiếp, khắp người cắm kim truyền và ống xông. Sau vài tuần được chăm sóc đặc biệt, Bảo Châu qua cơn nguy kịch và lần đầu tiên được về với mẹ.
"Cả đêm hôm đấy mẹ không ngủ được vì sung sướng. Thế là mẹ sắp được ôm con gái của mẹ vào lòng và chăm sóc con rồi. Khi được đón và bế con ra phòng Kangaroo, mẹ sợ lắm vì con quá bé, chỉ như cái chai nước nhỏ xinh. Mẹ sợ làm rơi con mất vì đầu của con bé hơn cả nắm tay của mẹ. Mẹ không biết bế thế nào và không biết bắt đầu từ đâu mà chỉ làm theo bản năng của người mẹ là bao bọc con mình", chị Linh tâm sự.
Hàng ngày, từ 7h đến 16h30, chị Linh tới viện tập chăm và ấp con. Chị đặt bé lên ngực rồi thủ thỉ tâm sự. Lần đầu làm mẹ, chị lóng ngóng cho con bú sữa bình mà không biết rằng con quá nhỏ, không có sức để mút. Để con ăn được, chị phải dùng thìa, xúc từng giọt sữa đặt lên "đôi môi hon hỏn như chim non đang chờ mẹ mớm mồi".
Vài ngày sau, Bảo Châu được về nhà nhưng phải vào viện mỗi thứ 5 hàng tuần để theo dõi sa võng mạc. Mắt là bộ phận cuối cùng hoàn thiện trong bào thai nhưng vì Bảo Châu ra quá sớm nên bộ phận này của con chưa hoàn chỉnh và có thể bị sa võng mạc, trường hợp xấu nhất là bị mù vĩnh viễn. Tai chị Linh như ù đi khi nghe bác sĩ giải thích. Chị ôm mặt khóc vì xót xa cho đứa con sinh non mấy tuần đầu đã phải lọc máu và dùng kháng sinh liều cao liên tục để giữ mạng sống. Ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, con sụt hai lạng chỉ còn một cân và giờ mắt lại có nguy cơ không nhìn thấy. Con được xuất viện nhưng cũng từ đây, chị Linh bắt đầu bước vào hành trình nuôi con đầy thử thách.
Hành trình chăm con tỉ mỉ và gian nan
Chị Linh không sao quên được những ngày đầu khi mới đón con về nhà. Ngày ấy, Bảo Châu ít tháng và bé nhất khoa sơ sinh ở bệnh viện. Con nhỏ tới mức không ai dám bế, trừ ông ngoại và mẹ Linh. Lúc ở viện ra, Bảo Châu ăn vào là nôn vì bị trào ngược dạ dày. Suốt nửa tiếng kiên nhẫn, chị Linh và ông ngoại mới cho con ăn được lượng sữa đựng trong "chén hạt mít". Thấy xúc thìa sữa dễ bị ra ngoài, chị Linh chuyển sang dùng lọ nhỏ xíu để nhỏ từng giọt sữa cho con. Nếu ngọ nguậy, con sẽ nôn hết ra. Vì thế, mỗi khi Bảo Châu ăn xong, mẹ Linh hoặc ông ngoại phải bế con bất động suốt một tiếng để giữ thức ăn trong bụng.
Hàng ngày, ông ngoại ghi chép cẩn thận lượng sữa Bảo Châu ăn được vào sổ. Đầu tiên, Bảo Châu ăn 20 ml/lần và một ngày được khoảng 250 ml. Lớn hơn, con ăn nhiều nhất được khoảng 90 ml/lần và một ngày 8 lần. Có thời gian con không chịu ăn, mẹ Linh phải cắm ống xông thức ăn cho bé.
Sợ con gái trầm cảm, ông ngoại một tay chăm sóc, bế ẵm đứa cháu sinh non. Chị Linh cho hay, ngoài ăn uống khó khăn, Bảo Châu còn khóc dạ đề "từ 20h đến 8h hôm sau". Con muốn được bế rong và dừng lại là khóc không ngừng. Những khi ấy, ông ngoại lại là người vỗ về, dỗ dành cháu cho con gái được nghỉ.
Sau lần được đưa đi khám mắt, Bảo Châu phải nhập viện mổ gấp vì mắt con sa võng mạc quá nặng. Suốt ba tiếng chờ con mổ hai mắt, chị Linh "như ngồi trên đống lửa". Nhìn đứa con một cân nằm lọt thỏm trong cáng bệnh nhân, người mẹ trẻ như "đứt từng khúc ruột". Nếu sau một tuần tái khám không ổn, Bảo Châu sẽ được mổ thêm một lần nữa, dù có thành công hay không. Sau khi tìm hiểu kỹ, chị Linh quyết định "đánh cược với ông trời" để con mổ tại Việt Nam.
"Tái khám sau ba tháng, mắt con đã không sao dù bác sĩ nói sau này sẽ để lại dư chấn là mắt kém, cận, loạn bẩm sinh, nhưng với mẹ, con không bị mù và có thể nhìn thấy là đã mừng lắm rồi", chị Linh viết.
4 tháng sau sinh, nhờ tình yêu và sự chăm sóc của người thân, Bảo Châu lên được 3,5 kg. Em bé sinh non ngày nào giờ đã là nữ sinh có dáng người cao, khuôn mặt ưa nhìn và học giỏi, dù đôi mắt cận 7 độ. Ngoài đời, Bảo Châu là cô bé nhút nhát nhưng tự lập và ra dáng chị cả. Lúc mẹ sinh em thứ ba, Bảo Châu quán xuyến các em, tự đi siêu thị mua đồ về nấu ăn rồi dọn dẹp.
Đông con nhưng chị Linh luôn cảm thấy thoải mái và "nhàn hạ" vì rèn chúng biết yêu thương, chăm sóc nhau từ nhỏ. Bà mẹ 4 con được nhiều người ngưỡng mộ vì vừa chu toàn được công việc, lại vừa nuôi con khéo.
"Đó là cuộc sống. Nếu bạn cho đó là khó khăn sẽ thấy khó khăn. Còn tôi, tôi thấy bình thường", chị Linh nói.
Theo H.Phương (Ngoisao.net)