Khi Emma Barratt (40 tuổi, sống tại Manchester, Anh) tiến hành thử thai trước khi ra khỏi nhà, cô không có lý do gì để hy vọng. Hơn 14 năm qua, cô thực sự đã phải vật lộn với mọi khó khăn để có thể trở thành mẹ. Một hội chứng rối loạn tự nhiễm với tên gọi anti-phospholipid đã khiến cô phải chịu đựng hai lần sinh non, ba lần sảy thai và ba lần IVF thất bại.
Đứa con của cô được đặt tên là Joseph đã sinh non ở tuần thứ 24 vào ngày 10/5/2002 và không thể sống sót. Cuối năm đó, cô tiếp tục sảy thai ở tuần thứ 7.
Năm 2005, cô lại phải chịu nỗi đau sinh non một lần nữa khi sinh con ở tuần thứ 21. Đến năm 2009, cô sảy thai ở tuần thứ 6 và đi cùng với đó là sự tuyệt vọng vì hôn nhân đổ vỡ.
"Tôi thực sự đã hết hy vọng. Mong muốn làm mẹ trong tôi rất mạnh mẽ, sâu thẳm trong tôi luôn động viện mình không được bỏ cuộc nhưng đồng thời tôi cũng không thể thoát khỏi ý nghĩ rằng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra", Emma chia sẻ.
Năm 2011, cô gặp Larry Hasford, chồng hiện tại, trong một bữa tiệc giáng sinh. Qua nhiều lần cố gắng nhưng không thể có con, hai người quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Vậy nhưng thật đáng tiếc, cả ba lần IVF đều không cho kết quả tích cực.
Đến tháng 4/2016, Emma thấy mình trễ kinh nên đã quyết định thử thai. Hai vạch xanh xuất hiện trên que thử thai đã khiến cô vừa bất ngờ vừa hạnh phúc.
"Sau ba lần IVF không thành, tôi rất sợ ước mơ làm mẹ của mình sẽ không bao giờ thành hiện thực, nhưng cuối cùng tôi lại mang thai tự nhiên. Sắp được trở thành mẹ là điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi thức dậy và cũng là điều cuối cùng tôi nhớ tới trước khi đi ngủ", Emma kể lại.
Ngay từ năm 2006, các bác sĩ đã thông báo với Emma rằng cô mắc hội chứng Anti-phospholipid (hay còn gọi là hội chứng máu dính). Đây là một loại rối loạn hệ thống miễn dịch khiến các cục máu đông hình thành bất thường. Trong thời kỳ mang thai, máu đông trong nhau thai dễ dẫn đến sảy thai, sinh non.
Vì vậy, ngay khi Emma mang thai được 4 tuần, các bác sĩ đã tiêm Clexane cho cô để giảm nguy cơ đông máu.
"Lần siêu âm 11 tuần thật khó tin. Nghe được nhịp tim của con giúp chúng tôi có thêm hy vọng", Emma bộc bạch.
Nhưng không lâu sau, họ lại phải nghe những tin buồn khiến hai vợ chồng vô cùng lo lắng. "Khi mang thai 17 tuần, các bác sĩ báo với tôi đó là một bé gái. Đến 20 tuần thì họ nói con bé quá nhỏ và vì có tiền sử sinh non nên tôi được chuyển sang một đơn vị y tế đặc biệt. Tại đó, tôi liên tục hỏi bác sĩ liệu con gái tôi có ổn không. Nhưng tất cả những gì họ có thể nói là có vẻ không ổn lắm vì con bé quá nhỏ", Emma nhớ lại.
Đến tuần thứ 23, Emma lại một lần nữa phải thót tim khi bác sĩ cảnh báo con gái cô có thể sẽ chết lưu. "Vậy nhưng mặc kệ tất cả, con bé vẫn sống và phát triển. Tất cả mọi người đều tập trung làm đủ mọi cách để con bé có thể sống sót".
Và rồi như có phép màu, "chiến binh nhí" trong bụng Emma tiếp tục sống sót đến tuần thứ 27 và nặng 500g. "Chính các bác sĩ cũng rất ngạc nhiên. Khi ông ấy nói điều đó, tôi và Larry đều bật khóc", Emma chia sẻ.
Sau đó, Emma đi khám mỗi ngày để kiểm tra tình hình em bé. Cuối cùng, ngày 27/10/2016, Romey nhỏ bé đã chào đời.
"3h45 phút ngày 27/10 là khoảnh khoắc tuyệt diệu nhất trong cuộc đời chúng tôi. Larry nhắm chặt mắt cầu nguyện khi bác sĩ lấy Romey ra khỏi người tôi. Con bé quá nhỏ, chỉ nặng 0,7kg nên cần hồi sức cấp cứu nhưng sau một lát, y tá đến bên chúng tôi hỏi có muốn chụp ảnh con không. Lúc đó tôi mới dám tin con còn sống", Emma nghẹn ngào kể lại.
Sau khi sinh, bé Romey phải trải qua 95 ngày trong bệnh viện, đối mặt với nhiều căn bệnh như chảy máu não, viêm phổi mãn tính. Đến ngày được về nhà, bé vẫn cần thở oxy hỗ trợ.
Hiện nay đã hơn 1 tuổi, tuy Romey chỉ nặng hơn 8kg nhưng rất khỏe mạnh, hạnh phúc. "Con bé là đứa trẻ cầu vồng của chúng tôi. Tìm con là một hành trình dài và đáng sợ nhưng mọi thứ đều đáng giá. Chúng tôi luôn tự hào vì sự sống diệu kỳ của con", Emma cho biết.
Theo M.An (Khampha.vn)