Giọt nước mắt bên mâm cơm tối nhà con rể

21/09/2018 09:29:48

Sau câu nói của con rể, bà Minh nghẹn ứ cổ họng, bà vội quay mặt đi để tránh con rể nhìn thấy những giọt nước mắt đang lăn trên má.

Từ siêu thị trở về, bà Minh khệ nệ đặt đống đồ xuống sàn, uống vội cốc nước rồi bắt đầu xắn tay vào việc phân loại các túi lớn, túi bé. Đồ ăn tươi sống sẽ được sơ chế qua rồi bảo quản trong tủ lạnh, còn đồ khô sẽ được đặt đúng vị trí quen thuộc.

Xong xuôi, bà lại tất bật đến trường đón cháu rồi về lo cơm nước, tắm giặt cho chúng. Cứ đều đặn như vậy, suốt 3 năm qua, bà Minh vừa làm bà vừa làm mẹ cho hai đứa cháu ngoại mồ côi…

Bà ơi, bố cháu hôm nay có về ăn cơm với bà cháu mình không hả bà? – thằng Tít vừa hỏi vừa túm vạt áo bà Minh ngúng nguẩy.

Bố con hôm nay phải tiếp đối tác nên về muộn. Bố dặn các con cứ ăn cơm trước kẻo đói. Lát bố về ăn sau – bà Minh dỗ dành cháu.

Thằng Tít vẫn tiếp tục mè nheo: Sao hôm nào bố cũng về muộn thế hả bà?

Bố con dạo này bận nhiều việc quan trọng, để bà nói bố cuối tuần sắp xếp công việc rồi cho hai anh em con đi sở thú chơi nhé – bà Minh kéo đứa cháu út vào lòng an ủi.

Hoan hô bà ngoại. Cháu yêu bà ngoại nhất trên đời – thằng Tít nhảy cẫng lên cười sung sướng.

Giọt nước mắt bên mâm cơm tối nhà con rể
Bà ngoại và cháu. Ảnh minh họa

Nhìn nụ cười ngây thơ của đứa cháu út mà lòng bà đau nhói. 3 năm trước, khi còn là đứa trẻ nằm trong nôi, thằng Tít đã mồ côi mẹ…

Bà Minh vốn là người phụ nữ tháo vát, biết thu vén cho gia đình nhưng số phận lại hẩm hiu, tình duyên lận đận. Gần 30 tuổi, bà kết hôn với một người đàn ông cùng xóm đã qua một lần đò nhưng chưa có con. Hơn một năm sau, bà hạ sinh cô con gái đầu lòng.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, cuộc sống nghiệt ngã đã cướp đi người chồng yêu quý của bà trong cơn bạo bệnh. Từ ấy, bà một mình bươn chải để nuôi con ăn học rồi gả chồng cho con.

Con rể bà là trẻ mồ côi cả cha và mẹ từ nhỏ, thế nên, ngay sau khi kết hôn, anh đã đề nghị được đón bà lên thành phố sống cùng để phụng dưỡng nhưng bà đã từ chối.

Bà biết, cuộc sống của các con còn nhiều khó khăn nên không muốn trở thành gánh nặng thêm cho con. Mãi đến khi con gái sinh con, bà mới quyết định lên thành phố để tiện chăm con chăm cháu. Về sau, khi vợ chồng con gái thiếu tiền mua nhà, chính bà đã nhượng lại mảnh đất dưới quê để lấy tiền cho con.

Những tưởng phần đời còn lại của bà sẽ được vui vẻ quây quần bên con, bên cháu, nào ngờ, tai nạn ập đến đã khiến con gái bà “ra đi” mãi mãi, bỏ lại mẹ già, chồng trẻ cùng hai đứa con tội nghiệp. Ngày con gái đột ngột qua đời, bà Minh đã muốn “đi” theo con luôn. Nhưng vì thương hai đứa cháu còn quá nhỏ, bà đành nuốt nước mắt để tiếp tục sống.

Về phía con rể bà, từ khi vợ qua đời, anh cũng trầm tính hơn. Suốt một thời gian dài, anh mượn rượu giải sầu. Sau này, anh quyết định vùi đầu vào công việc để quên đi nỗi đau. Cũng từ đó, những lần đi sớm về khuya ngày càng nhiều, những bữa cơm chung với mẹ vợ và hai đứa con nhỏ cũng thưa dần. Nhiều lần, bà cho các cháu ăn cơm trước còn bản thân đợi con về ăn chung nhưng cuối cùng, bà đành dọn mâm cơm đi trong im lặng.

Bà biết, tâm con rể không xấu nhưng sự “ra đi” của cô con gái đã khiến bà và con rể không tìm thấy tiếng nói chung. Cuộc sống thường nhật cũng không tránh khỏi những va chạm, nhất là khi bà và con rể thuộc hai thế hệ khác nhau.

Có lần, thấy con rể bỏ chiếc áo sơ mi lụa xanh có dính vết ố vàng vào sọt rác, bà bèn mua thuốc về tẩy sạch rồi treo lại trong tủ áo. Khi nhìn thấy chiếc áo, con rể tỏ thái độ không hài lòng nói với bà: “Mẹ không cần làm thế này. Con không thể mặc một chiếc áo loang lổ chỗ trắng chỗ xanh để gặp khách hàng được mẹ ạ. Điều đó chính là hạ thấp bản thân mình trước mặt người khác”.

Anh nói bà không cần quá tiết kiệm. Sự nghiệp của anh đang rất phát triển, anh có thể lo cho bà và hai đứa con chu đáo. Mỗi tháng, anh đều đưa cho bà rất nhiều tiền để chi tiêu, lo cho các cháu, nhưng điều đó càng khiến bà đau lòng.

Bà thương các cháu bà, chúng đã thiệt thòi không còn được hưởng tình cảm của mẹ, giờ lại vắng tình cảm của cha nên bà muốn bao bọc các cháu, để các cháu luôn được sống trong tình yêu thương của người thân.

Thế nhưng, con rể lại không nghĩ như vậy. Anh luôn muốn các con phải tự lập, tập làm quen với môi trường sống khắc nghiệt ngay từ khi còn nhỏ để tránh va vấp về sau.

Nhiều đêm, bà trằn trọc không sao ngủ được. Bà thương con, thương cháu rồi nghĩ thương chính bản thân mình. Bà không thể sống mãi ở đây với con rể. Rồi sẽ đến lúc, con rể cũng phải tìm hạnh phúc riêng. Các cháu của bà sẽ lớn và có gia đình nhỏ của chúng. Khi ấy, bà sẽ đi đâu về đâu?

Trong bữa cơm tối hôm ấy, khi các cháu đã ăn xong, chỉ còn bà với con rể ngồi đối diện nhau. Bà bộc bạch những tâm sự chất chứa trong lòng. Bà nói khi nào con rể lấy vợ, bà sẽ về quê sống nhờ ở nhà anh trai.

Ngay khi bà vừa dứt lời, con rể buông đũa và thẳng thắn nói với bà: “Mẹ là mẹ của con. Đây là nhà của mẹ. Mẹ không cần phải đi đâu cả. Con và các cháu sẽ phụng dưỡng mẹ đến cuối đời. Còn nếu mẹ không muốn sống cùng con, con sẽ tìm một viện dưỡng lão tốt nhất thành phố này để mẹ hưởng an nhàn tuổi già”.

Sau câu nói của con rể, bà Minh nghẹn ứ cổ họng, bà vội quay mặt đi để tránh con rể nhìn thấy những giọt nước mắt đang lăn trên má!

Theo Ngân Bình (Giadinh.net.vn)

Nổi bật