Nếu như những người sếp khó tính luôn đặt nhân viên mình vào những khó khăn, thử thách để trui rèn sự kiên nhẫn cũng như tinh thần "chiến đấu" trong công việc cho cấp dưới, thì ngược lại, sếp xấu tính sẽ chỉ đặt ra mục tiêu rồi một hai bắt nhân viên mình phải hoàn thành.
Đến khi có vấn đề phát sinh, nếu như sếp khó tính sẽ ngồi lại, cùng nhân viên của mình tìm ra giải pháp để giải quyết thì sếp xấu tính lại thoái thác mọi trách nhiệm, thậm chí đổ toàn bộ lỗi lầm lên cấp dưới nếu có thể. Để hiểu rõ hơn về những người sếp xấu tính, chị em công sở có thể lưu ý một số đặc điểm nhận dạng sau:
Sếp xấu tính dạy sai, chỉ nhìn KPI, đem lương thưởng ra "dụ" nhân viên
Sếp xấu tính thường có cách cư xử khá trẻ con, có thể kể đến như việc luôn miệng phàn nàn về tất cả mọi thứ trong công ty, nói xấu sau lưng đồng nghiệp, xúc phạm những người có chức vụ cao hơn rồi tảng lờ đi như thể mình vô tội, chưa bao giờ tôn trọng mơ ước của người khác…
Bên cạnh đó, những dạng sếp kiểu này thường không quá quan tâm đến việc xây dựng để công ty có thể phát triển lớn mạnh. Ngược lại, họ thường khuyên nhân viên dưới quyền hãy rời bỏ tổ chức khi có vấn đề thay vì động viên hay truyền cảm hứng.
Đơn cử, khi chị em cố cảnh báo về việc một đối tác lớn đang không hài lòng với cách làm việc của công ty, thì thay vì tìm cách giải quyết, sếp xấu tính sẽ lờ đi đến khi hậu quả thực sự diễn ra.
Bên cạnh đó, những dạng sếp xấu tính chỉ thường tập trung vào KPI mà chẳng quan tâm đến việc nhân viên dưới quyền đã phải vật lộn với công việc của họ như thế nào. Sự quan tâm, hỏi han, hướng dẫn để nhân viên có thể tự mình hoàn tất công việc dường như là những thứ gì đó rất xa xỉ đối với dạng sếp xấu tính.
Rồi thay vì hướng dẫn cung cách làm việc, sếp xấu tính sẽ dùng lương thưởng cũng như những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn để "thúc" nhân viên làm việc "điên cuồng" mặc cho đời sống riêng tư và sức khỏe của họ có diễn tiến xấu đến mức nào đi chăng nữa. Bởi lẽ, trong mắt sếp xấu tính, nhân tố con người chẳng bao giờ quan trọng bằng những con số đẹp trong bản báo cáo được đặt trên bàn định kỳ.
Gặp sếp xấu tính, xử sao cho đẹp?
Gặp phải một người sếp xấu tính về cơ bản chẳng phải là lỗi của chị em; tuy nhiên, việc chịu đựng họ một cách bất chấp mới là hành động đáng trách. Do đó, hãy có trách nhiệm với chính bản thân mình một cách thực sự chủ động. Có khá nhiều giải pháp có thể được thực hiện để đối phó với một người sếp xấu tính.
Miễn là chị em có làm gì đó để xử lý hoàn cảnh mình đang gặp phải, việc chuyển sang một bộ phận hay công ty khác là điều hoàn toàn xứng đáng. Hãy gặp mặt trực tiếp bộ phận nhân sự hoặc một cấp trên có thẩm quyền để trình bày một cách rõ ràng, cụ thể những vấn đề mà bản thân mình đang gặp phải. Tuy nhiên, hãy nhớ chuẩn bị thật kỹ bằng chứng và những thứ liên quan để có thể mang ra ngay khi cần thiết.
Song song đó, trong trường hợp mọi thứ không diễn ra theo ý muốn, chị em hãy chuẩn bị cho mình kế hoạch dự phòng bằng cách gửi CV cho những công ty khác hoặc tìm kiếm công việc và sự hỗ trợ từ những người thân quen, những mối quan hệ đã có từ trước.
Làm việc dưới trướng một người xấu tính ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn cách chúng ta vẫn nghĩ. Họ khiến chị em chán nản, thiếu nhiệt huyết với chính hoài bão của mình. Từ đó, không những công việc mà con đường sự nghiệp về lâu về dài cũng chẳng mấy khả quan. Dù kết quả có như thế nào đi chăng nữa, hãy luôn nhớ, tuyệt đối đừng bao giờ nịnh nọt hoặc lấy lòng một kẻ như vậy bởi người đó không đáng được coi trọng.
Theo Louis (Helino)