Trên thị trường, có rất nhiều cuốn sách self-help dạy bạn cách làm giàu và trở nên thành công bằng con đường dễ dàng nhất. Tuy nhiên, theo thống kê của Marketdata, ngành công nghiệp xuất bản trị giá hơn 800 triệu USD này đã mắc phải một sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Bởi lẽ, nó hiếm khi nghiên cứu những nhân vật thực sự giàu có và thành công.
Trong lời mở đầu của cuốn sách The Wealth Elite: A groundbreaking study of the psychology of the super rich, tác giả Rainer Zitelmann đã để ý rằng, các nhà xuất bản chỉ tập trung nghiên cứu những gương mặt ưu tú của nền kinh tế như Bill Gates, Warren Buffett, Jeff Bezos,... mà bỏ qua tầng lớp thực sự “giàu có về mặt của cải”.
Để lấy tư liệu cho cuốn sách của mình, Zitelmann đã phỏng vấn 45 người thuộc nhóm này ở Đức.
Xuất thân có làm bạn giàu không?
F. Scott Fitzgerald từng nói: “Tôi sẽ nói cho bạn biết về những người siêu giàu. Họ khác với tôi và bạn.” Tuy vậy, ngay giữa những người giàu với nhau đã có sự khác biệt lớn.
Kết quả này đập tan định kiến cho rằng người giàu thường có xuất thân khá giả, học giỏi ở trường và nhanh chóng kiếm được công việc ưng ý.
Theo Zitelmann, thật sai lầm khi đánh đồng tất cả những người giàu có với nhau. Phần lớn họ đều kiếm tiền nhờ kinh doanh chứ không phải nhờ đi làm.
Trường học cũng không phải là nhân tố quyết định đến sự giàu có. “Những người học giỏi ở trường không phải lúc nào cũng trở thành triệu phú hay tỷ phú. Bằng cấp không phải là yếu tố quyết định đến sự giàu có của bạn,” Zitelmann cho biết.
Trong số những người giàu nhất nước Đức được Zitelmann phỏng vấn, không có ai trong số họ đến từ gia đình khá giả hay nghèo khổ. “Phần lớn họ đến từ tầng lớp trung lưu.”
Điểm chung của người giàu là gì?
Nếu xuất thân không phải là điểm chung của giới siêu giàu, vậy tính cách của họ thì sao? Thông qua nghiên cứu, Zitelmann đã tìm ra vài điểm chung khiến cho những con người này lại giàu “nứt đố đổ vách” đến vậy.
Đặc điểm nổi trội nhất của giới giàu có, đó là họ có tinh thần cực kỳ lạc quan. Một triệu phú được hỏi cho biết, lạc quan nghĩa là “nhờ vào năng lực và các mạng lưới quan hệ đã tạo dựng, bạn luôn tìm ra giải pháp mình cần”.
Nhờ sự tự tin này, giới siêu giàu thường đưa ra các quyết định dựa trên bản năng. Mặc dù người Đức thường bị cho là quá lý trí, nhưng có đến một nửa số người được Zitelmann phỏng vấn cho biết họ thường quyết định chủ yếu theo bản năng. Chỉ có ⅓ nói rằng việc phân tích đóng vai trò chính trong việc đưa ra quyết định.
Nếu điều này đi ngược lại bản chất của xã hội Đức, liệu giới nhà giàu này có quan tâm không? Hầu hết họ đều đồng tình với Zitelmann: “Tôi thấy mình giống kiểu người tự mở ra lối đi riêng cho bản thân hơn.”
Dường như, “bơi ngược dòng” cũng là một phẩm chất được nhiều người giàu có chia sẻ.
Những thói quen lạ của giới nhà giàu
Bạn có hay đặt ra mục tiêu trong đời không? Nếu có, có lẽ bạn sẽ muốn suy nghĩ lại sau khi nghe một vài mục tiêu mà người giàu hướng tới.
“Tôi đã ăn chạy được khá lâu rồi, tháng 1 năm nào cũng vậy. Nhờ đó, tôi có thể thiết lập và viết ra những mục tiêu của mình,” một triệu phú cho biết.
Người khác thì tiết lộ rằng, anh ta sẽ “đắm mình vào mọi thứ đến mức khắc ghi những hình ảnh đó vào trong tâm trí, để rồi chúng sẽ hiện nguyên hình trước mắt.” Một triệu phú khác thì đầu tư hơn, thuê cả chuyên gia phong thủy về để tân trang lại ngôi nhà của mình: “Chuyên gia tạo một góc tài lộc cho tôi, nơi tôi sẽ dành 1-2 phút mỗi ngày để cầu nguyện.”
Vậy đâu mới là điều khiến người ta giàu có như vậy?
Khi nghiên cứu, Zitelmann đã khẳng định, “những đặc điểm được đề cập tới trong cuốn sách không phải là công thức để thành công”. Tuy nhiên, các cuốn self-help thường lấy luôn những kết quả này.
Họ có thể viết rằng: “Xuất thân không quan trọng” hay “Hãy lạc quan, tin tưởng chính mình, và đừng sợ bơi ngược dòng…”
Thậm chí, có người sẽ gợi ý rằng nên đặt một góc tài lộc ở trong nhà để có cầu thần tài mỗi ngày.
Tuy nhiên, đây chỉ là những thông tin có tính chất tham khảo. Ngoài ra, Zitelmann cũng cảnh báo: “Dù có giống nhau về tính cách và hành vi (lạc quan, chịu đựng được khó khăn, tin tưởng vào bản thân), bạn vẫn có nguy cơ thất bại."
Theo Ngọc Hà (Trí Thức Trẻ)