Dưới đây là chia sẻ của chị Anh Ngọc, 28 tuổi, hiện sinh sống ở Ontorio, Canada về chi phí dành cho việc ăn uống mỗi tháng. Chị Ngọc chia sẻ trước khi sang đây định cư cùng chồng, anh chị từng sống hai năm ở Sài Gòn, nhưng tiêu tiền nhiều hơn khi sang Canada.
Tôi đã sang Canada, quê chồng, định cư được gần một năm. Thời gian đầu, tôi ở nhà cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và tranh thủ đi học thêm tiếng Anh. Vì chỉ có chồng đi làm nên tôi cố gắng tiết kiệm mọi thứ nhất có thể, từ tiền ăn uống tới shopping, đi chơi...
Thời còn ở Sài Gòn, tôi từng chi khoảng 8 triệu - 9 triệu cho việc ăn uống hàng tháng. Buổi sáng hai đứa thường ra hàng ăn cùng nhau, sau đó mới đi làm. Chi phí của hai người dành cho bữa sáng dao động 50 - 70 nghìn đồng tùy bữa, từ thứ hai tới thứ 6. Thứ 7, chủ nhật, hai vợ chồng sang chảnh hơn một chút, vừa đi ăn vừa cà phê lượn lờ, nên tốn kém hơn, khoảng 200.000 đồng... Tổng lại, bữa sáng của gia đình tôi mỗi tháng vào khoảng 2 triệu.
Buổi tối, mỗi bữa tôi chi hết khoảng 120 - 150 nghìn đồng. Số tiền còn lại là đi ăn hàng. Tôi rất thích ra quán ăn hoặc mua đồ sẵn ngoài chợ vì tiện, đỡ phải nấu nướng nhiều, vì thế khá tốn kém. Mỗi tháng vợ chồng tôi ăn hàng khoảng 6 lần, toàn vào quán ăn nước ngoài (anh thích pizza và những món Tây), trung bình khoảng 500.000 đồng/bữa. Tiền ăn tiêu tốn của hai chúng tôi gần 1/3 tổng thu nhập.
Khi sang Canada, học theo thói quen của mọi người, chúng tôi hầu như chỉ ăn sáng ở nhà. Mỗi sáng, chúng tôi thường chỉ ăn bánh mỳ nướng, hoặc yến mạch. Chồng tôi thích ăn ngũ cốc với sữa. Tôi mua loại 5 đôla một hộp ăn trong vòng 1 tuần. Sữa thì 4 đôla uống cũng khoảng 8 ngày, vì chồng tôi uống sữa thay nước. Bánh mỳ bố mẹ chồng tôi hay làm nên chúng tôi hay sang đó mang về. Như vậy, bữa sáng tôi tiêu tốn hết khoảng 36 - 45 đôla/tháng.
Chồng tôi buổi trưa ăn ở chỗ làm nên chúng tôi chỉ ăn chung với nhau bữa tối. Thường tôi sẽ nấu món Việt, còn anh thích ăn các món kiểu Tây anh sẽ tự vào bếp nấu. Vì nhớ quê nên tôi tự mày mò làm nhiều món như phở, bánh bột lọc... thay đổi mỗi ngày. Tôi cũng làm cho anh một số món Tây đơn giản như mỳ spaghetti, gà hầm... Chồng tôi thích làm món thịt xông khói cuộn gà rồi bỏ vào lò nướng, ăn chung với khoai tây nghiền, thỉnh thoảng nấu gà pasta hoặc mấy món Mexico như ớt nhồi phô mai với bò xay các kiểu... Bữa trưa chỉ có một mình tôi thường ăn qua loa hoặc hâm lại đồ còn từ tối hôm trước.
Tiền thực phẩm một tháng tôi chi ra trên dưới 200 đôla (tầm 4 triệu). Một tháng hai vợ chồng tôi đi ăn ngoài 2 lần, rẻ nhất là khoảng 10 đôla, mắc nhất khoảng 30 đôla... để thay đổi không khí.
Để tiết kiệm tiền mua thực phẩm hơn, tôi tải một ứng dụng mua sắm khá nhiều người dùng bên này. Khi nào muốn mua đồ thì lên app kiểm tra siêu thị có sản phẩm nào nếu mua sẽ được dồn tiền. Ví dụ hôm nay tôi muốn đi siêu thị tên No frills, tôi lên app và search No Frills! Sau đó app sẽ cho tôi biết nếu mua trái cây thì sẽ được cộng dồn 1 đôla, mua dầu ăn được cộng dồn 2,50 đôla... mua nhiều thì tích lũy nhiều.
Sau khi mua xong giữ lại hoá đơn rồi đưa vào màn hình điện thoại cho app quét. Sau đó tiền sẽ tự động được cộng dồn từ những thứ mua có trong danh sách. Lần sau đi chợ mua nếu mình muốn dùng số tiền tích lũy thì dùng, không thì cứ dồn đó khi cần. Một chiếc thẻ có thể dùng cộng dồn cho nhiều siêu thị, cây xăng... nên rất tiện. Những khoản cộng dồn tưởng ít nhưng nó cũng giúp tôi tiết kiệm được kha khá.
Như vậy mỗi tháng tôi tiêu tốn khoảng 260 đôla cho chi phí ăn uống, gồm cả ăn sáng, bữa tối và ăn hàng. So với số tiền ăn phải bỏ ra khi ở Việt Nam, tôi bớt được khá nhiều. Ở bên này, người ta thường ít khi đi ăn hàng, và tự nấu ở nhà những món có thể làm, nên tôi thấy ăn uống đảm bảo hơn. Thói quen hơi tí là chạy ra ăn hàng, tiện mua đồ có sẵn của tôi ở Việt Nam gần như biến mất khi sang đây.
Mỗi tháng chúng tôi cần phải trả một khoản tiền lớn hơn là 750 đôla cho tiền thuê nhà hàng tháng, nên tiền ăn tôi chỉ cho phép tiêu ở mức đó. Nếu hồi ở Việt Nam mà tôi nấu ăn sáng ở nhà, và chỉ đi ăn hàng 2 lần/tháng như bên này, tôi cũng đã tiết kiệm được một khoản không nhỏ.
Nhiều người vẫn nghĩ ở nước ngoài tốn kém lắm, nhưng bạn đều có thể kiểm soát và tiết kiệm trong khả năng của mình. Tự làm những thứ có thể làm, tiết kiệm từ những thứ nhỏ, ghi chép lại để so sánh sẽ giúp bạn nhận ra cái gì hợp lý, chưa hợp lý trong cách chi tiêu để có thể điều chỉnh kịp thời.
Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)