Lên kế hoạch để 2 con học trường tư nhưng chị Thảo (Hà Nội) toát mồ hôi khi biết chi phí này sẽ ngốn hơn 30% thu nhập nhà mình.
"Vấn đề là, bé út đang được ông bà trông, vài tháng nữa cũng sẽ đi học mầm non, khi đó, chi phí cho bạn ấy cũng tầm 5 triệu nữa thì bố mẹ không biết co kéo kiểu gì", chị Thảo cho biết.
Vì lý do này, chị Thảo đã đi xem một số trường công gần nhà nhưng ngán ngẩm khi thấy mỗi lớp có 50-60 học sinh, nhà vệ sinh kém sạch sẽ và nhiều vấn đề khác.
"Hai vợ chồng căng thẳng suốt mấy tháng rồi và trước mắt đã xin cho cô chị vào tiểu học tư, còn cậu em nhỏ tính sau. Thậm chí nhà mình đã nghĩ tới phương án lại chuyển về ở chung với ông bà, cho thuê căn hộ vừa nhận dù đã phải chật vật mãi mới ra ở riêng được", chị Thảo chia sẻ.
Ảnh minh họa: Buscio Mary. |
Cho con vào học trường tư hay trường công cũng là nỗi lo của chị Hải Bình (Hà Đông, Hà Nội) khi chuẩn bị cho cậu con thứ hai đi lớp mẫu giáo. Chị Bình cho biết, khi mới có một con, anh chị không cần đắn đo gì khi chọn cho con vào trường tư liên cấp Ban Mai ở gần nhà (học từ mẫu giáo lên cấp 1), chi phí tổng mỗi tháng 7,5 triệu đồng, gần bằng nửa thu nhập của mẹ.
Nhưng đến bé thứ hai, cặp vợ chồng 35 tuổi phải vắt óc cân nhắc khi nghĩ tới ngân sách gia đình. "Mình muốn cả hai bé học cùng trường để tiện đưa đón. Lớp mẫu giáo sẽ hết khoảng 5 triệu. Nhưng nếu thế thì coi như lương mẹ tháng nào hết tháng đó. Lương giảng dạy của bố chỉ còn 16 triệu, phải cáng đáng mọi phí sinh hoạt trong nhà, đối nội đối ngoại, thì không còn tiết kiệm được đồng nào để phòng bất trắc về sau", chị Bình chia sẻ.
Sau cả tháng nâng lên đặt xuống, anh chị vẫn chưa thể đưa ra quyết định dù vẫn nghiêng về phương án gửi bé thứ hai vào trường tư. "Đã cho bạn đầu đi học trường tư rồi, giờ không nỡ để bé thứ hai chịu khổ. Thôi thì bố mẹ cố một chút, cắt xén các khoản khác tối đa", chị Bình tâm sự.
Trước tình hình đa số trường công ở Hà Nội đều quá đông, áp lực học tập lớn, phương pháp giảng dạy còn rập khuôn, rất nhiều bố mẹ muốn cho con vào học trường tư. Tuy nhiên, chi phí cho trẻ học tại các trường tư có tiếng như Nguyễn Siêu, Lê Quý Đôn, Đoàn Thị Điểm, Marie Curie, Olympia... đều không thấp, thường từ vài triệu đến cả chục triệu, gấp 5-7 lần, thậm chí chục lần học phí trường công, khiến phụ huynh phải đau đầu cân nhắc.
Hầu hết các gia đình thu nhập bậc trung không gặp khó khăn khi con đầu đi học các trường này, nhưng khi bé thứ hai đến tuổi đi học, chi phí nhân đôi lại thành gánh nặng với họ. Không ít gia đình khi đó đã phải chuyển hướng cho một trong hai con, hoặc thậm chí cả hai.
Chị Phương, ở khu đô thị Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, cho con gái đầu học hết cấp một ở trường Đoàn Thị Điểm với chi phí khoảng 5 triệu mỗi tháng (bé đi bộ về, không mất tiền xe đón). Khi con lên cấp 2, chị đã chuyển con về trường công chất lượng cao của quận, để dồn tài chính cho cậu út bắt đầu đi học mẫu giáo tư, học phí 4,5 triệu mỗi tháng.
"Từ năm nay, hai đứa nếu học trường tư hết hơn 10 triệu, chiếm 30% ngân sách gia đình, là quá lớn. Tôi sẽ cho bé sau học trường tư ở mẫu giáo và cấp 1 để bé cứng cáp, đỡ thiệt thòi so với chị, còn sau đó chắc cũng sẽ chuyển sang trường công", chị bày tỏ.
Theo thạc sĩ tâm lý Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý NT (Hà Nội), các gia đình có kinh tế eo hẹp không nên cố cho con học ở trường chi phí cao. Cuộc sống chứa đựng nhiều rủi ro, nếu "đứt gánh giữa đường", trẻ phải chuyển sang trường công sẽ gặp nhiều khó khăn. Phụ huynh cho con học trường công ở các cấp học thấp, rèn cho trẻ thói quen học tập tốt đồng thời bố mẹ tích lũy tài chính, đến bậc học cao hơn cho con vào trường tư chất lượng cao cũng là một lựa chọn.
Khi trẻ đã học trường tư nhưng vì điều kiện gia đình bắt buộc phải chuyển về trường công, bố mẹ cần làm công tác tư tưởng thật tốt. Nên nói thật với con về tình hình kinh tế gia đình, động viên trẻ chủ động thích ứng. "Trong nhiều trường hợp, trẻ trải nghiệm các môi trường khác nhau lại rèn luyện được ý chí và biết biến khó khăn thành sức mạnh", nhà tâm lý chia sẻ.
Bà Thúy Lê, chuyên gia ngành giáo dục tại TP HCM, nguyên giám đốc một hệ thống trường quốc tế, cũng cho rằng, môi trường gia đình vẫn là yếu tố quyết định, ảnh hưởng lớn nhất tới trẻ. Vì thế, nếu bố mẹ chưa vững tài chính, có thể cho con học ở trường phù hợp kinh tế gia đình, đồng thời chủ động rèn cho con những kỹ năng cần thiết để dù ở môi trường ra sao vẫn học tốt.
Muốn con được học ở môi trường chú trọng ngoại ngữ nhiều, phụ huynh cũng có thể lựa chọn cho con học trường tư ở cấp tiểu học, sau đó chuyển cho trẻ học trường công khi vào cấp 2.
Ở cấp tiểu học, trẻ chỉ cần nắm vững 3 kỹ năng là làm toán, đọc, viết là ổn. Nhiều bố mẹ sai lầm khi nghĩ rằng chọn trường tư để con được học nhẹ nhàng. Thực tế, với mỗi đứa trẻ lại cần có sự rèn luyện khác nhau. Nếu thấy con mình khả năng tiếp thu chậm hơn, trong khi giờ học kiến thức ở trường quá ít thì bố mẹ cần kèm thêm ở nhà. Điều quan trọng nhất là cần rèn cho trẻ ý thức tự học hằng ngày. Có như vậy, dù chuyển sang trường công, con vẫn có thể học tốt.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Bình Thạnh, TP HCM) nhấn mạnh cha mẹ cần hiểu không phải trường tư hay công quyết định năng lực học tập của trẻ. Chính cách ứng xử và tác động ở gia đình mới là yếu tố quan trọng khiến trẻ trở nên mạnh dạn, dễ thích nghi hay sẽ trở nên nhút nhát, lo âu khiến việc học bị trở ngại.
Theo V.Linh (VnExpress.net)