Đừng trông đợi vào thế giới tốt đẹp, khi chính đàn bà không đứng về phía đàn bà mà chỉ muốn làm khổ nhau

23/03/2019 21:47:47

Còn gì đáng buồn và lạnh lẽo hơn là thay vì đứng về phía nhau, bảo vệ nhau, có những người đàn bà lại ghen tị, làm tổn thương nhau bằng lời nói hay thản nhiên nhìn nhau bị xâm hại. Đàn bà mà không biết thương nhau thì còn trông đợi vào ai nữa?

Sự im lặng kinh hoàng của một người đàn bà trước tội ác lên một người đàn bà khác...

Tháng 3 năm nay có lẽ là một tháng khó quên với rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ Việt. Không chỉ vì nó có ngày 8/3 để phụ nữ được tôn vinh mà còn là quá nhiều sự kiện chấn động liên quan đến nữ quyền, vi phạm sự tôn trọng, bình đẳng mà phụ nữ đáng được nhận. Đó là vụ xâm hại em bé 9 tuổi ở vườn chuối và vụ cưỡng hôn trong thang máy với mức xử phạt hành chính 200 ngàn.

Khi phẫn nộ của dư luận với 2 vụ xâm phạm quyền phụ nữ, trẻ em kể trên còn chưa qua đi thì một tình tiết mới của vụ nữ sinh đi giao gà bị cưỡng hiếp dã man ở Điên Biên lại càng khiến dư luận dậy sóng. Đó là cơ quan điều tra tạm giam thêm 3 nghi phạm, trong đó, có một phụ nữ là vợ của kẻ chủ mưu Bùi Văn Công, nghi phạm Bùi Thị Kim Thu.

Theo những điều tra mới nhất, nhóm đối tượng không chỉ hiếp dâm nạn nhân ở trên xe và ở nhà hoang, chúng còn đưa nạn nhân vào nhà Công để hãm hiếp tập thể sau khi sử dụng ma túy. Đáng nói nhất, nghi phạm Thu đã 2 lần tận mắt chứng kiến cảnh cô gái trẻ bị chồng mình và đám bạn nghiện làm nhục. Nhưng người đàn bà này đã không cứu người, cũng không hé răng nửa lời tố giác tội phạm.

Đến lúc nạn nhân bị giết chết rồi, Thu còn tham gia vào dàn dựng hiện trường, diễn đạt vai "người vợ tội nghiệp" khi bị công an triệu tập lấy lời khai, thậm chí còn tung tin giả là M.D đang có thai để đánh lạc hướng điều tra của cơ quan chức năng, hạ nhục người con gái tội nghiệp ấy thêm một lần nữa.

Đừng trông đợi vào thế giới tốt đẹp, khi chính đàn bà không đứng về phía đàn bà mà chỉ muốn làm khổ nhau

Dư luận căm phẫn khi một người phụ nữ lại có thể đối xử với một người phụ nữ đáng tuổi con mình, chưa từng gây thù chuốc oán gì với mình, theo cách tàn nhẫn đó? Sự tàn nhẫn đến độc địa, bởi nếu chỉ cần một chút nhân tính, hay một chút động lòng của người đàn bà với nhau, cô gái kia đã không phải ra đi trong tận cùng bi thương.

Chứng kiến tận mắt cô gái trẻ thanh xuân phơi phới bị 7 gã đồi bại giày vò thân thể, chẳng biết người đàn bà ấy đã nghĩ gì, để rồi trở thành tòng phạm khi tạo dựng hiện trường giả, loan tin thất thiệt về cô gái xa lạ M.D, chết trong cảnh lõa lồ thân thể?

7 gã đàn ông thủ ác, cứ cho là bị ma túy làm cho hung hãn, kích động, độc ác hơn "bình thường", nhưng nghi phạm Thu, người đàn bà hoàn toàn tỉnh táo, nhìn thấy cảnh cô gái trẻ đáng tuổi con mình bị hãm hiếp không chỉ một, mà hai lần, bà ta nghĩ gì? Liệu có chút thương xót nào không? Bà ta sợ? Sợ không chống trả nổi để bênh vực cô gái kia? Sợ mình sẽ bị đánh đập, hành hạ nếu giúp cô ấy? Sợ mình sẽ mất "chồng" - gã đàn ông nghiện ngập mà đến quá nửa đời người, đến tuổi xế chiều mình mới bập vào?

Và Thu có chút ăn năn hối lỗi nào không khi nhìn thấy một con người đã bị hãm hiếp và giết hại vì sự im lặng của mình? Có chút cắn rứt nào không khi dàn dựng hiện trường, khai man trước cơ quan điều tra, đóng vở kịch "tôi vô tội"?

Đừng trông đợi vào thế giới tốt đẹp, khi chính đàn bà không đứng về phía đàn bà mà chỉ muốn làm khổ nhau - 1

Thu nghĩ gì, chắc chỉ có mình bà ta mới biết, nhưng có một điều mà nhiều người tin, rằng nếu người đàn bà ấy có phản ứng khi chứng kiến sự việc, dẫu kết quả có thế nào, cô gái kia có lẽ sẽ được một phần nhỏ an ủi, ít ra, có một người đàn bà - người đàn bà duy nhất trong vụ án, ở vị trí có thể xoay chuyển được tình hình, đã xót thương mình, muốn bảo vệ mình, dù người ấy cũng là phái yếu.

Cô gái xấu số bị giày vò lần 2 khi đã khuất và cái gật đầu cay nghiệt của những người đã làm mẹ 

Trước khi Bùi Thị Kim Thu bị bắt vài ngày, khi cô gái giúp mẹ đi bán gà chiều 30 Tết còn chưa mất được 49 ngày, cô ấy lại bị xúc phạm thêm lần nữa, bởi một người đàn bà khác mang danh cư sĩ tu hành. Bà Phạm Thị Yến, người được ngồi trong khuôn viên ngôi chùa tiếng tăm miền Bắc để nói chuyện với hàng trăm, hàng nghìn người trong đạo tràng (và hàng chục nghìn người theo dõi video qua Yotube), người tự nhận rằng mình nói chuyện được với vong linh, nhìn thấu muôn kiếp.

Người đàn bà ấy lạnh lùng kết luận nguyên nhân cô gái trẻ Cao Thị M.D lại phải gánh chịu kiếp nạn kinh hoàng đến thế ở tuổi đôi mươi: "Trong tiền kiếp phải có hai loại tội. Tội thứ nhất là sát mạng chúng sinh dã man. Tội thứ hai là về mặt thân thể, trinh tiết của người khác bạn ấy xâm phạm, cho nên bạn mới bị quả báo như vậy"...

Nhưng đặt giả thiết bà Phạm Thị Yến nhìn thấu tiền kiếp là sự thật, thì chỉ riêng việc bà hùng hồn đến bình thản khi phát ngôn dẫn dắt cả nghìn Phật tử tu tập tin rằng, nữ sinh Cao Thị M.D đã sát mạng chúng sinh dã man và xâm phạm thân thể trinh tiết của người khác trong tiền kiếp nên mới bị quả báo, vẫn là một sự lạnh lùng, tàn nhẫn đến kinh khủng.

Đừng trông đợi vào thế giới tốt đẹp, khi chính đàn bà không đứng về phía đàn bà mà chỉ muốn làm khổ nhau - 2

Một trong những điều quan trọng nhất của đạo Phật, cũng như bất cứ tôn giáo nào, là hướng người ta đến cái thiện lương, không làm điều ác, sửa đổi tâm tính của mình. Còn với người theo đạo Phật, nếu có trí huệ, nếu hiểu đạo pháp, sẽ nhớ một trong những điều cấm kỵ của người hành đạo là: "Không nói lời ác ngữ". Lời ác là lời thêu dệt, lời xúc phạm, lời gây bất hòa và cả những lời làm tổn thương.

Thế nhưng, bà Yến, một người tự nhận mình là Phật tử, hơn thế, một người đàn bà đã từng có chồng, một người mẹ, lại buông lời xúc phạm và gây tổn thương nặng nề cho cô gái vừa mất còn chưa đủ 49 ngày, dù đó là nhân phẩm của tiền kiếp. Huống hồ, tiền kiếp có thật hay không, mấy ngàn năm từ khi có khái niệm đó trên đời, có ai dám nói lời xác thực?

Điều đáng sợ hơn cả là trong clip ghi lại lời giáo hóa của bà Yến về nghiệp báo nhân quả, khi nhắc đến cô gái trẻ Cao Thị M.D, người ta thắt lòng nhận ra, toàn bộ cử tọa bên dưới đều là những người phụ nữ. Già có trẻ có. Họ hẳn đều là những người bà, người mẹ. Họ có thể có con gái, cháu gái.

Nhưng họ mang những gương mặt vô cảm khi người trên bục chủ tọa – cũng là phụ nữ, cũng làm bà làm mẹ - trắng trợn xúc phạm nhân phẩm một cô gái vừa là nạn nhân của một tội ác tày trời. Cô gái đó đã bị bắt cóc, hãm hiếp tới 2 ngày liền liên tiếp bởi một đám đàn ông nghiện ma túy tại địa điểm cách nhà cô chỉ vài cây số rồi bị giết chết rằng đó là cái quả mà cô ta phải nhận, khi gieo nhân ác trong tiền kiếp.

Họ không thương, không xót, không bi phẫn. Họ thậm chí còn gật gù như thể tâm đắc: "Ồ, cô ta xứng đáng bị như vậy". Cả một đám đông, toàn những người phụ nữ, đã ứng xử với một cô gái đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời mình như vậy thay vì an ủi thân nhân, nguyện cầu hồi hướng cho người đã khuất theo đúng giáo lý nhà Phật.

Khi đàn bà không biết thương nhau, chúng ta sẽ trông cậy vào đâu?

Đó chỉ là một ví dụ, buồn thay, ồn ào nhất những ngày này để cho thấy một thực tế âm ỉ bấy lâu nay: Phụ nữ thực ra chẳng yêu thương nhau như họ vẫn nghĩ, vẫn tưởng, vẫn hô hào. Tại sao cùng là phụ nữ với nhau mà lại đối xử với nhau như vậy? Thế giới đáng sợ là khi phụ nữ không biết bảo vệ phụ nữ!

Phụ nữ sinh ra đã là phái yếu. Và vì thế tấn công họ rất dễ. Nhưng thật đáng buồn khi xã hội hiện đại hôm nay chứng kiến ngày càng nhiều những cuộc tấn công phụ nữ từ phụ nữ.

Những màn đánh ghen giữa phố đông mà đàn ông – kẻ chủ mưu kiêm người thực hiện – luôn bị xem là vô can. Trong các hội nhóm đông chị em, bạn không khó để nghe những nàng dâu kể chuyện bị mẹ chồng thóa mạ, sỉ nhục, nào là ăn bám chồng, nào là không biết đẻ, nào là không biết chăm con để con còi cọc, không thương con mới cho con đi học mầm non sớm, không biết giữ chồng nên chồng mới ngoại tình... "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà", chắc rồi, vì đàn bà đẻ, đàn bà chăm, đàn bà nuôi, nên mọi tội lỗi ở đời đứa trẻ đều do đàn bà cả (?!)

Rồi hàng vạn những cuộc tám chuyện gièm pha đơm đặt của phụ nữ về những phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, đủ đầy hơn mình. Con ấy giàu thế chắc có đại gia bao; trông nuột thế thôi nhưng trăm thằng qua tay rồi; cái mắt ấy lúng liếng thế kia thì đĩ phải biết; năng lực gì đâu, chỉ đong giai thôi mà thăng tiến nhanh thế; đồ hiệu ngập nhà, vi vu du lịch suốt ngày thế kia chắc chuyện ấy khéo lắm mới được chiều…

Đừng trông đợi vào thế giới tốt đẹp, khi chính đàn bà không đứng về phía đàn bà mà chỉ muốn làm khổ nhau - 3

Để yêu thương một người yếu thế hơn mình, nhan sắc kém hơn mình, béo hơn mình, nghèo hơn mình, chồng kiếm tiền ít hơn chồng mình, chồng chẳng có địa vị cao hơn chồng mình, có tủ đồ kém sang hơn mình…. với phụ nữ có lẽ không phải thử thách gì quá kinh khủng.

Nhưng để yêu thương, thấu cảm và che chở cho một người phụ nữ khác, bất chấp họ nổi bật hơn mình về mọi mặt, để cảm thấy vui vì họ được nể trọng, quả thực là một điều chẳng dễ với đàn bà. Ghen tị và hả hê khi cái đứa hơn mình bị giày vò, bị gặp nạn, hay chỉ đơn giản là nhắm mắt cho qua chẳng thèm bảo vệ khi thấy họ gặp chuyện không hay, thật buồn, đó là cách nhiều người đàn bà chọn ứng xử với người cùng giới của mình.

"Con gà tức nhau tiếng gáy, đàn bà tức nhau cái váy", câu thành ngữ thời @ tưởng chỉ vui vẻ thôi mà ngẫm kỹ sao đắng đót. Bởi khi đàn bà chẳng thể thương nhau, khi phụ nữ không bảo vệ được chính giới của mình thì sao có thể đặt kỳ vọng vào sự bảo vệ của xã hội, nhất là trong bối cảnh bất công về giới vẫn diễn ra ở rất nhiều nơi? Khi đàn bà không biết thương yêu, bảo bọc đàn bà, chúng ta sẽ trông cậy vào đâu?

Theo Hoàng Hồng (Helino)