Khi con tức giận, có những điều bố mẹ nói ra chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tính cách của con.
Học cách nên nói những gì và tránh nói những gì, bố mẹ có thể giúp giải tỏa cơn giận cho con, đồng thời trao cho trẻ công cụ để kiểm soát những cơn giận của chúng. Sau đây là 6 điều mà bố mẹ không nên nói với con trong lúc chúng đang tức giận cùng những gợi ý nên nói gì trong những trường hợp này.
Có những điều mà bố mẹ không nên nói với trẻ khi chúng đang tức giận (Ảnh minh họa). |
1. "Con đừng có mà lè nhè nữa đi!"
Thay vào đó hãy nói: "Bố/mẹ không thể hiểu con, hãy nói bằng giọng bình thường của con nào!"
Mặc dù chúng ta đều điên đầu và muốn nổi đóa mỗi khi trẻ lè nhè, rên rỉ nhưng hãy cố kiềm chế. Bởi vì thường trẻ con còn chẳng nhận ra chúng đang lè nhè. Vì thế, thay vì lớn tiếng quát, bắt chúng dừng lại, chúng ta có thể làm điều đó một cách nhẹ nhàng và hiệu quả hơn nhiều.
Những lúc trẻ mè nheo, tức giận, nếu chúng nghe được câu "Bố mẹ không thể hiểu con" thì dần dần chúng sẽ ít lè nhè hơn vì chung quy lại, mục đích của trẻ cũng chỉ là muốn được bố mẹ lắng nghe. Bảo con nói chuyện bằng giọng bình thường để bố mẹ có thể hiểu chính là đang nói với con bố mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe con.
2. "Ngưng đấm đá lung tung ngay!"
Thay vào đó hãy nói: "Con có thể tức giận, nhưng bố/mẹ sẽ không để con đấm đá lung tung đâu!"
Bạn cần nói rõ cho trẻ biết rằng đấm đá, dùng bạo lực không thể chấp nhận được. Tuy vậy, bạn cũng phải cho con biết là con có thể bộc lộ cảm xúc và bạn hiểu rằng con đang rất tức giận. Trẻ cần phải học được bài học rằng mình có thể tức giận nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho người khác.
Hãy cho trẻ biết là bạo lực là không bao giờ có thể chấp nhận được (Ảnh minh họa). |
3. "Con đang cư xử trẻ con quá đấy!"
Hãy thử nói "Những cảm xúc này thật khó để hiểu được, vì thế chúng ta cùng nhau giải quyết nhé!"
Chúng ta không nên dạy con rằng những cảm xúc như tức giận chỉ là của trẻ con, mà thay vào đó phải để con biết rằng con sẽ còn đối mặt với những cảm xúc tức giận, thất vọng, buồn bã,… khi con lớn lên. Đừng loại bỏ những cảm xúc tiêu cực của trẻ, nên giúp trẻ bộc lộ cảm xúc ra ngoài và giải quyết chúng một cách phù hợp, an toàn.
4. "Con không được ném đồ đạc!"
Thay vào đó hãy nói "Con có thể tức giận, nhưng bố/mẹ sẽ không để con phá đồ đạc hay làm người khác bị thương"
Câu nói này cho thấy bạn thừa nhận cảm xúc của con, đồng thời nhấn mạnh cho con hiểu rằng bạo lực không phải là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề.
Đập phá đồ đạc không phải cách phản ứng phù hợp với cảm xúc (Ảnh minh họa). |
5. "Con đang làm bố/mẹ cảm thấy thật xấu hổ"
Hãy nói "Chúng ta sẽ tìm một nơi nào đó riêng tư để giải quyết việc này nhé!"
Nói như vậy sẽ không giúp trẻ bình tĩnh được mà còn khiến trẻ hiểu rằng cảm xúc của chúng đáng xấu hổ. Bằng cách đưa con ra một nơi riêng tư, bạn sẽ có thể giúp con đối mặt với cơn giận của chúng và bình tĩnh tìm ra giải pháp.
6. "Ngưng hét ngay!"
Hãy nói "Bố/mẹ biết con đang tức giận, nhưng bố mẹ không thể hiểu con nếu như con cứ hét như vậy!"
Ra lệnh cho trẻ "Ngưng hét ngay!" hầu như sẽ không có tác dụng gì. Thay vào đó, hãy cho trẻ biết là bạn đồng cảm và hiểu được cảm xúc của con, nhưng con cần nói bằng giọng bình thường thì bạn mới có thể lắng nghe và giúp con được.
Khi trẻ tức giận, người lớn thường có xu hướng muốn dập tắt cơn giận của con ngay bằng cách ra lệnh cho chúng im lặng. Mặc dù cách này có thể chấm dứt được vấn đề ngay nhưng nó lại không thể giúp trẻ học cách đối phó và tiết chế cơn giận của chúng. Dành thời gian giúp trẻ bình tĩnh lại, cảm thấy được lắng nghe, giúp đỡ và chỉ cho trẻ cách phản ứng với những cảm xúc sẽ giúp trẻ học cách điều chỉnh cảm xúc tốt trong tương lai.
Theo L.Phương (Trí Thức Trẻ)