Đề nghị gửi tiền biếu bố mẹ chồng, nàng dâu Việt xúc động trước dòng tin nhắn dễ thương
Mối quan hệ giữa nàng dâu với bố mẹ chồng luôn cần nhiều thời gian, sự thấu hiểu dành cho nhau thì mới có thể luôn ấm êm, hoà thuận. Đối với con dâu Việt và bố mẹ chồng ngoại quốc, sự khác biệt văn hóa, bất đồng ngôn ngữ... càng là rào cản khiến họ phải nỗ lực nhiều hơn để thực sự hiểu nhau.
Nhưng với chị Trần Thị Phương Khanh, 32 tuổi, hiện đang là giáo viên Tiếng Anh tại thành phố Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa chị và bố mẹ chồng người Ấn Độ luôn thân thiết với nhau dù ở cách xa hàng nghìn km. Theo chị Phương Khanh, bố mẹ chồng chị là người có tư tưởng rất cởi mở và thương chị như con gái.
"Từ lúc cưới tới giờ gần 5 năm, bố mẹ chồng không bao giờ chịu nhận tiền của tụi mình, dù bố mẹ già vẫn phải làm việc vất vả chứ không phải giàu có gì.
Cứ nói để dành tiền mua nhà đi con, bố mẹ tự lo được, sau này bố mẹ không còn, tiền để dành thì cũng mang về cho tụi con hết, gửi qua gửi lại làm gì.
Nay bên Ấn dịch quá, đang lockdown nên bố mẹ chồng ở nhà không đi làm. Mình hối thúc chồng biếu bố mẹ ít tiền , cứ gửi đi không cần thông báo.
Chồng nhất quyết nói bố mẹ không nhận, em gửi qua bố mẹ giận đó. Mình bảo nay dịch bố mẹ nghỉ làm, anh xem thuyết phục lại lần nữa xem, thì nhận được tin nhắn này.
Bố mẹ chồng không giỏi tiếng Anh ngoài mấy câu chào hỏi căn bản, nên dùng google dịch qua tiếng Việt, dễ thương ghê luôn" - Chị Phương Khanh nói.
Theo đó, bố mẹ chồng của chị Khanh kiên quyết từ chối nhận tiền của con dâu vì ông bà vẫn còn tiền tiêu. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bố mẹ lúc chị lúc nào cũng nghĩ cho các con và không muốn các con phải lo lắng cho mình.
Chuyện tình nàng Việt - chàng Ấn Độ quen nhau qua mạng, trò chuyện online 9 năm trước khi về chung một nhà
Từ câu chuyện về bố mẹ chồng người Ấn cực kỳ dễ thương, tốt bụng, người phụ nữ Việt cũng bật mí thêm về chuyện tình yêu đặc biệt của mình với chàng trai Ấn Độ kém 1 tuổi, khiến nhiều người không khỏi trầm trồ.
Chuyện tình của họ gắn liền với hai từ "duyên phận", số mệnh đã sắp đặt họ sinh ra là dành cho nhau dù cả hai sống cách xa đến hơn 5000km.
Chị Khanh quen anh Asshish Soni (30 tuổi, đang làm nhân viên IT) cách đây 18 năm, khi họ mới chỉ là những cô cậu thiếu niên 13, 14 tuổi.
"Lúc đó mình 14 tuổi. Vì thích tiếng Anh nên mình lên chat room nước ngoài trên yahoo để kiếm bạn luyện tiếng Anh. Câu chuyện của hai đứa bắt đầu 18 năm trước, khi ấy anh chàng mới 13 tuổi, cả hai nói chuyện bằng tiếng Anh hằng ngày.
Mỗi lần gặp nhau đều cảm thấy rất vui, nhưng cả hai đều còn ít tuổi nên chuyện trò trong sáng, bạn bè bình thường thôi.
Thời đó chưa có máy tính ở nhà hay smartphone, mình phải ra tiệm net để nói chuyện với bạn ấy. Chỉ ấn tượng lần đầu gặp, bạn ấy hẹn lần sau gặp lại, mình bảo "hên xui" thì bạn bảo "chúng ta phải gặp lại nhau" khiến mình nhớ mãi."
Cứ thế, đôi bạn thân Việt - Ấn chuyện trò, tâm sự với nhau mỗi khi có dịp rảnh rỗi mỗi ngày, trong suốt 5 năm liền.
Phải đến khi chị Khanh đỗ Đại học, chị mới nhận được lời tỏ tình của bạn trai ngoại quốc. E ngại vì khoảng cách địa lý, khác biệt ngôn ngữ, văn hoá sẽ khiến họ khó nên duyên, cô gái Việt ban đầu đã từ chối tình cảm của anh chàng Ấn Độ.
"Nhưng anh vẫn kiên trì thuyết phục, kiểu "mưa dầm thấm lâu". Mãi 1 năm sau mình mới nhận lời yêu. Yêu xa thêm 8 năm, mãi đến khi mình 27 tuổi, anh mới sang Việt Nam.
Trước đó thì cả hai còn trẻ, phải lo sự nghiệp, kiếm tiền nữa. Nhiều lần mình cũng mệt mỏi, chông chênh, nghĩ muốn kết thúc mối tình khó có thể nên duyên vợ chồng vì quá xa xôi, cách trở.
Nhưng sau tất cả, tụi mình cũng vượt qua được vì dù suốt 9 năm yêu xa, chưa từng gặp trực tiếp nhưng giữa tụi mình có sợi dây tình cảm vô cùng mãnh liệt.
Cũng nhờ quen anh nên từ năm 14 tuổi đến nay mình toàn nói tiếng Anh, sau thành cô giáo luôn".
Năm 2006, anh Asshish Soni quyết định nghỉ việc ở quê nhà, sang Việt Nam theo diện visa du lịch 3 tháng.
Khi gần hết visa, cặp đôi làm đăng ký kết hôn và chàng trai Ấn Độ xin phép bố mẹ để sống định cư tại Việt Nam cùng vợ. Năm 2007, bố mẹ anh sang Việt Nam tổ chức đám cưới cho con trai theo nghi lễ truyền thống của người Việt.
Theo chị Phương Khanh, chị cảm thấy vô cùng may mắn vì được cả chồng và bố mẹ chồng yêu thương, chiều chuộng. Bố mẹ chồng và chồng chị Phương đều là người ăn chay trường, và có tâm hồn vô cùng thiện lành.
Chồng chị thuộc tuýp người của gia đình, anh tôn trọng giá trị gia đình, rất vun vén cho tổ ấm của mình sau khi kết hôn.
Bố mẹ chồng cũng có tư tưởng vô cùng hiện đại, văn minh, họ yêu thương con dâu như con gái và luôn lắng nghe để hiểu con mình nhiều hơn.
Nàng dâu Việt kể: "Mẹ chồng mình luôn muốn có con gái, nên khi anh quen mình bà rất vui. Từ thời hai đứa còn yêu qua mạng, bà đã tự tay chọn quà gửi sang cho mình.
Suốt bao năm qua mẹ chồng - nàng dâu chưa từng có mâu thuẫn gì. Họ ăn chay trường nhưng khi đi ăn chung, mình gọi món mặn họ vẫn rất vui vẻ, mẹ nói "con quen ăn mặn từ nhỏ, mẹ rất tôn trọng điều đó và không có vấn đề gì hết".
Có lẽ nhờ bố mẹ chồng tốt bụng, tâm lý vậy nên mình càng yêu chồng và gia đình chồng nhiều hơn".
Theo Ngân Hà (Pháp luật & Bạn đọc)