Phàm là dân công sở, đều đặn hàng ngày đi làm, ai cũng phải dành quỹ thời gian của mình ra để tham gia họp hành ít nhất một đôi lần. Bên cạnh những giây phút căng thẳng và rôm rả trong phòng họp, khoảng thời gian còn lại, đa phần ai cũng mong muốn được tận hưởng không gian riêng tư, tĩnh lặng để có thể tập trung hoàn thành tốt những công việc còn dở dang trong ngày.
Tuy nhiên, công sở vốn đông đúc và phức tạp, dù muốn dù không; những va chạm, lời qua tiếng lại cũng như những yếu tố gây nhiễu vẫn cứ thế mà xảy ra. Những hành vi gây khó chịu của đồng nghiệp như nói chuyện điện thoại to tiếng, ăn lớn tiếng, dùng giờ nghỉ giải lao để hút thuốc, gọi người khác bằng những từ họ không thích… luôn khiến chúng ta bận tâm, làm cạn kiệt năng lượng và tinh thần cũng như kích thích máu "khẩu nghiệp" trong mỗi con người.
Mặc dù vậy, nơi công sở vẫn luôn tồn tại những vấn đề to tát hơn nên những việc như thế này thường được mọi người xem nhẹ, trong trường hợp tác động mà nó mang lại không lớn lắm thì sẽ dễ dàng được bỏ qua. Tuy nhiên, dần dần, vấn đề không còn đơn giản nữa khi những bức bối, bực dọc cứ thế tích tụ chồng chất từ ngày này qua tháng khác khiến chúng ta không thể tiếp tục tập trung hết tâm trí vào công việc được nữa.
Lúc này là thời điểm cực kỳ cần thiết để nói chuyện với đồng nghiệp bởi lẽ nếu hiện trạng cứ tiếp tục xấu đi, không những năng suất của chúng ta bị ảnh hưởng mà mối quan hệ với những "kẻ chuyên đi gây nhiễu" cùng tệ dần.
Đứng trước thực trạng đó, chúng ta có thể xử lý những hành vi gây khó chịu của đồng nghiệp một cách khéo léo nhưng quyết đoán như thế nào?
1. Tránh ngồi lê đôi mách
Những lúc cảm giác ức chế tăng cao, con người ta thường có nhu cầu chia sẻ; do vậy, việc đi "tâm sự mỏng" với một đồng nghiệp khác là chuyện rất dễ diễn ra, nhất là đối với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, việc này không những không khiến vấn đề được giải quyết một cách triệt để mà còn khiến những thông tin xấu được dịp lan truyền một cách rộng rãi. Cuối cùng, những tưởng chị em là nạn nhân nhưng chính hành động không khôn khéo này đã khiến mọi người nhìn chúng ta như một kẻ phá hoại và gây chia rẽ.
2. Đánh giá tác động
Rất có thể cảm giác khó chịu chỉ xuất phát từ bản thân chúng ta một cách chủ quan. Do đó, hãy đánh giá và suy xét một cách cẩn thận xem những người xung quanh cảm thấy như thế nào? Hành động gây nhiễu của đồng nghiệp có thật sự ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đến chúng ta hay không? Chúng ta có thể tự chủ động xử lý mà không cần nhờ đến sự can thiệp của cấp trên hay không? Việc đánh giá và cân nhắc kỹ càng giúp chúng ta đưa ra được hướng xử lý đúng đắn và phù hợp.
3. Hãy khôn khéo!
Có thể những người đồng nghiệp của chị em đang không ý thức được việc họ làm và vấn đề vốn dĩ thuộc về hành vi gây nhiễu chứ không nằm ở đồng nghiệp. Nên về phần mình, chúng ta hãy kiểm soát cảm xúc khi đối mặt với những người đồng nghiệp đó.
Hãy khôn khéo và làm cho cuộc trò chuyện tập trung vào công việc nhất có thể. Hãy nói rõ cảm xúc của mình và đừng cá nhân hóa, vì điều này có thể khiến họ trở nên bảo thủ hoặc tức giận.
4. Xem xét mọi nguyên nhân tiềm ẩn
Hãy cố gắng tin tưởng những người đồng nghiệp của mình và mở lòng tìm hiểu nguyên nhân đằng sau của họ. Hành vi của anh ta có thể là kết quả một điều gì đó mà chúng ta chưa từng cân nhắc đến, chẳng hạn như sự khác biệt về văn hóa. Nếu vậy, chúng ta sẽ cần phải hành xử cẩn thận và cởi mở hơn.
5. Cởi mở và trung thực
Hãy thử ngồi xuống với nói chuyện với những người đồng nghiệp gây phiền nhiễu. Cố gắng cởi mở và trung thực khi chia sẻ về cảm nhận của bản thân mình nhưng cũng cần thể hiện sự tôn trọng và lắng nghe câu trả lời của họ bằng sự đồng cảm và không phán xét. Các cuộc trò chuyện thấu hiểu là cơ hội để mọi người thoải mái chia sẻ với nhau để giải tỏa những xung đột hay ngờ vực.
6. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Nếu hành vi chuyển từ mức độ gây khó chịu sang nghiêm trọng thì nó trở thành một vấn đề về hiệu quả làm việc hoặc kỷ luật. Trong những trường hợp này, tốt nhất là chị em nên để người quản lý hoặc bộ phận nhân sự xử lý.
7. Phát triển các cách đối phó
Nếu chị em cho rằng hành vi gây khó chịu của một người không có khả năng thay đổi hoặc quyết định lờ nó đi thì hãy đảm bảo rằng chúng ta đã trang bị những chiến lược đối phó thích hợp. Tập các bài tập hít thở sâu để giúp giữ bình tĩnh và tập trung.
Chị em có thể thử sử dụng nút bịt tai hoặc tai nghe khử tiếng ồn. Ở một diễn biến khác, hãy thử đổi sang bàn khác, hoặc điều chỉnh nơi làm việc của mình để không phải chứng kiến hành vi gây nhiễu của đồng nghiệp nữa.
Theo Louis (Helino)