Mới đây, câu chuyện về người đàn ông tốt bụng nhưng xấu số được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận về tới hơn 56k lượt like và hơn 3k lượt bình luận sau vài giờ đăng tải. Câu chuyện do chính đồng nghiệp đã từng được anh giúp đỡ kể lại khiến nhiều người phải suy ngẫm.
"Một đồng nghiệp của tôi đột ngột qua đời. Ngày thường, anh ấy là một người đàn ông vô cùng tốt bụng và hào phóng, thường cho nhiều người trong công ty vay tiền. Tôi cũng được anh ấy cho vay 10 triệu, những người khác, người ít thì 1, 2 triệu, người nhiều thì cũng tầm 20 triệu.
Anh cũng là kẻ làm công ăn lương như tôi, tiền chẳng có nhiều nhưng luôn hết lòng với mọi người, và chẳng khi nào nhắc nhở ai đó phải trả tiền cho mình. Anh ra đi đột ngột không kịp để lại lời nhắn nhủ nào, vợ anh chỉ là một nhân viên bán hàng bình thường, họ có với nhau 1 con trai 6 tuổi.
Biết tin anh mất, tôi chủ động tới nhà và nói sẽ trả tiền trong thời gian sớm nhất. Vợ anh nhìn tôi và nói: "Chị biết, anh ấy có kể rồi...cảm ơn em!". Tôi vội vàng nói: "Không, em mới là người phải cảm ơn anh chị, chị đừng nói vậy".
Chị vợ anh ngậm ngùi: "Cả đời anh ấy cho bạn bè vay cũng phải mấy chục nghìn đô, nhưng sau khi anh qua đời, chỉ có em là người duy nhất chủ động nói sẽ trả tiền".
Ngày đưa tang anh, đồng nghiệp trong công ty có đến, nhìn cảnh nhà anh vợ góa con côi khóc ngất, một đồng nghiệp khác lúc ấy mới thừa nhận có vay tiền, còn lại tất cả đều im lặng. Tôi bàn bạc cùng người đó hoàn trả tiền đồng thời báo cáo sự việc với công ty, mong sếp thuyết phục những người còn lại để họ cư xử cho phải đạo.
Sếp nói vấn đề này rất khó xử lý, nhưng sếp đưa ra một phương án khác đấy là lấy danh nghĩa của công ty kêu gọi mọi người ủng hộ tiền cho gia đình anh. Thế nhưng không ngờ rằng khi quyên góp tiền, những người đồng nghiệp từng vay anh vài chục triệu, họ chỉ ủng hộ lại được vài trăm ngàn.
Tức tối, tôi đứng ra mắng mỏ họ mà họ vẫn không chịu thừa nhận. Tôi trả lại vợ chồng anh 10 triệu và quyên góp thêm 10 triệu nữa cho gia đình. Nhiều người nói tôi dại, 1 là không nên vạch trần người khác, 2 là không nên ủng hộ nhiều như vậy. Nhưng tôi mặc kệ, tôi không thể quên người đã giúp mình trong lúc khó khăn, giờ anh ấy tai nạn mất, tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó trong khả năng để đền đáp.
Tôi nghĩ đấy là phẩm chất cơ bản nhất của cuộc sống, phải không?"
Quả thực là một câu chuyện buồn về nhân tính tham lam của con người. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng ngay từ bé chúng ta đã được giáo dục phải làm một người thật thà, có vay phải có trả. Đỉnh điểm khi là hoàn cảnh của cô vợ cùng đứa con thơ ở lại, họ mất đi trụ cột gia đình, đi chỗ dựa tinh thần vật chất, rồi cuộc sống sau này họ sẽ ra sao? Điều này càng nổi bật thêm hành vi của nhưng kẻ đi vay không trả thực sự xấu xí và nhẫn tâm.
- Ở đời có vay có trả, không thể bùng được đâu. Người ta giúp mình khi khó khăn thì nhớ ơn cả đời. Đằng này họ mất đi, để lại vợ goá con côi, rất cần sự đền ơn đấy. Buồn cho những người bạn kia quá!
- Thù thì có thể quên không báo nhưng ơn nghĩa nhất định phải trả. Đây đã không trả được ơn, nợ của người đã khuất mà cũng nuốt trôi cho được?
- Nhiều khi cho vay dễ dàng, người ta sẽ nghĩ rằng mình nhiều tiền lắm bạc. Nhưng mấy ai hiểu được đó cũng là công sức vất vả của họ kiếm được và cho vay, không phải họ thừa tiền mà là họ tin tưởng và muốn giúp đỡ. Nhưng khi gặp khó khăn nhắc tới từ “trả” thì người đi vay là chủ nợ còn người đòi là người ăn xin. Đúng là đời!
- Sống đàng hoàng chưa chắc đã ăn ai, sống lỗi như vậy khi bản thân hay người xung quanh gặp chuyện thì đừng than thân trách phận! Của thiên rồi cuối cùng cũng phải trả địa thôi.
- Chủ thớt làm đúng lắm. Anh không dại, anh chỉ sống đúng với lương tâm của mình thôi.
Dung (Nguoiduatin.vn)