Thực tế, nhiều cha mẹ đang dồn phần lớn tài chính lo cho con ăn học, thậm chí bán nhà cửa cho con đủ tiền đi du học...
Đừng để khi con bay đi chỉ còn “cái tổ trống rỗng”
Anh Zafar Anjum, tác giả bài báo trên The Asian Parent đã chỉ ra một cách nhìn khác về “đầu tư cho con”.
“Bạn có nghĩ rằng mọi trách nhiệm kết thúc khi con bạn đi học đại học và bắt đầu cuộc sống riêng? Chưa chắc. Trách nhiệm của bạn với bản thân và vợ hay chồng mình sẽ vẫn còn tiếp tục”.
Các bậc cha mẹ châu Á nói chung, thường có tâm lý “hy sinh tất cả” cho con, tuy nhiên đây thực sự đã là một cách nghĩ lỗi thời.
Tác giả Zafar ví von khi bọn trẻ lớn lên, chúng như bầy chim bay khỏi tổ. Nếu như không chuẩn bị, thì lúc đó cha mẹ chỉ còn lại “cái tổ trống rỗng”. Cha mẹ nếu không có đủ tài chính để tự lo chăm sóc sức khỏe cũng như các nhu cầu khác khi về hưu, chắc chắn sẽ trở thành gánh nặng của con cái.
Vì vậy, việc tích lũy ngay từ khi còn trẻ, con còn bé để lo cho lúc nghỉ hưu là vấn đề cấp thiết với các bậc cha mẹ.
Nghiên cứu gần đây của hãng Nielsen cho thấy ở Singapore có tới 90% các bậc cha mẹ sẵn sàng hy sinh khoản tiền để dành khi về hưu để dồn cho chi phí giáo dục, phát triển của con cái.
Trong khi đó, người trẻ Singapore không mấy mặn mà với cách suy nghĩ truyền thống này. 80% số người trẻ được hỏi đồng ý rằng cha mẹ nên tiết kiệm tiền cho tuổi về hưu, thay vì đổ tiền vào lo các khoản học phí đắt đỏ cho con.
66% người trẻ đã tính đến việc tương lai sẽ phải lo cho cha mẹ già, và chỉ 8% trong số họ tự tin rằng họ có thể hỗ trợ được cha mẹ. Nhiều người vô cùng lo lắng, có tới 70% đã hạ mức chi tiêu ngay từ sớm để lo cho vấn đề này.
Cha mẹ nên làm gì để lợi cả đôi đường
Trong kế hoạch tài chính, để cha mẹ và con cái “hai bên cùng có lợi” trong việc tích lũy cho tương lai, tác giả Zafar đề xuất:
- Cha mẹ nên tìm những cách sáng tạo để vừa hỗ trợ con, vừa tích lũy tiền cho tuổi về hưu. Hãy nói chuyện thẳng thắn với con về định hướng, kế hoạch của con cũng như của cha mẹ trong tương lai.
- Nếu như con khao khát học đại học, con có thể cần phải tìm học bổng, các nguồn tài trợ để đi học.
- Con không nhất thiết phải được đi du học, học các lớp phát triển kỹ năng đắt đỏ mới thành công. Nhưng cha mẹ chắc chắn phải có nguồn tiền tích lũy để lo cho bản thân khi về hưu.
- Cha mẹ có thể dành thời gian, tình cảm và kinh nghiệm sống để hỗ trợ con, không nhất thiết phải dùng tiền.
Trong điều kiện tuổi thọ ngày càng cao, việc người già có thể tự lo cho bản thân khi về hưu là vấn đề đau đầu của không ít gia đình. Vì thế, việc các bậc cha mẹ nên suy nghĩ vấn đề này từ sớm, khi còn đang ở tuổi lao động là hết sức cần thiết. Chẳng ai muốn mình là gánh nặng của con cái trong tương lai, đồng thời chính thế hệ trẻ cũng rất lo ngại về vấn đề này.
Theo Nguyễn Phượng (VnExpress.net)