Theo miêu tả của người phụ nữ trong clip, nhà không có sân rộng để dựng rạp đám cưới nên đành phải lấn ra đường khoảng 1m. Chị này cho rằng đường vẫn rộng, cỗ bàn đã chuẩn bị xong, khách đang đến thì bị công an phường xuống yêu cầu dỡ rạp.
“Biết là sai, xin như thế rồi mà các bác không động lòng chút nào. Luật thì luật cũng phải có chút tình người chứ?”, người phụ nữ nói trong clip.
Trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ quan điểm trước tình huống của người phụ nữ trên. Một số cư dân mạng thông cảm với gia chủ, còn đa phần ý kiến ủng hộ cách làm của lực lượng chức năng, bởi vì thực tế tình trạng dựng rạp đám cưới chiếm lòng đường đã gây cản trở giao thông ở nhiều nơi.
Chị Nhật Hà (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, tình huống dựng rạp chiếm lòng đường, vỉa hè xuất hiện thường xuyên tại nơi chị sinh sống.
“Nhiều lúc tôi đi tới nơi mới biết có rạp đám cưới chặn đường vì gia chủ không có biển báo gì, thậm chí khi muốn lách qua còn bị xua tay yêu cầu đi lối khác. Nhà nào lịch sự hơn thì ghi biển thông báo “Nhà có việc, đi lối khác” mà không hề có câu “Thông cảm, xin lỗi đã làm phiền”.
Thực sự những lúc vội, tôi phải quay lại đi đường khác mất thời gian nên rất khó chịu. Tôi ủng hộ lực lượng chức năng làm nghiêm để không còn tình trạng dựng rạp như thế nữa”, chị Nhật Hà cho hay.
Ngày 9/5, trao đổi với PV VietNamNet, luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông.
Theo đó, trong một số trường hợp, người dân được sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông như dựng rạp đám cưới, tang ma...
Cụ thể, tại Điểm b,c thuộc Khoản 2, Điều 25a của nghị định trên, cho phép: Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình, thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ; Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình, thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ.
Tuy nhiên, quy định cũng lưu ý người dân sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông thì không được gây mất trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, người dân chỉ sử dụng hè phố chứ không được sử dụng lòng đường cho các hoạt động này. Trước khi sử dụng tạm, gia đình phải thông báo với UBND phường, xã sở tại.
“Việc dựng rạp để tổ chức đám cưới mà có sử dụng tạm thời, lấn chiếm lòng đường là hành vi trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ”, luật sư Nguyễn Doãn Hùng nhấn mạnh.
Căn cứ trên các quy định của pháp luật, luật sư cho biết, hành vi trái phép này sẽ bị xử phạt từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm, đồng thời bắt buộc phải phá dỡ, khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng, xét cả về lý và tình, việc dựng rạp làm đám cưới trên vỉa hè, lòng đường là hành vi gây cản trở giao thông nên không được chấp nhận. Thậm chí, nếu xảy ra tai nạn gây tổn hại sức khỏe, tài sản của người khác, gia chủ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định.
Theo N.Huyền (VietNamNet)