Vì sao đột quỵ hay gia tăng mùa thu đông?
PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bệnh đột qụy hay tai biến mạch máu não có hai dạng. Đột quỵ do nhồi máu não-tắc mạch máu não bởi những huyết khối, mảng vữa sơ nên máu không được nuôi. Thứ hai, đột quỵ do xuất huyết não, sức bền thành mạch kém, thành mạch bị phá vỡ khi gặp những gắng sức, lao động nặng, leo cầu thang, sự bực tức… Hai vấn đề xuất huyết não và nhồi máu não đều có liên quan đến dinh dưỡng không hợp lý trong một thời gian dài.
Đột quỵ thường gia tăng vào các thời điểm giao mùa, thay đổi thời tiết. Yếu tố thời tiết thay đổi đột ngột chỉ là yếu tố thuận lợi để bộc lộ những mầm bệnh, nguy cơ đã có trong mỗi cá thể có từ trước. Bởi thời tiết đang mát chuyển nóng, hoặc nóng chuyển sang lạnh dễ làm cho sự thay đổi trong cơ thể, nhất là những người cao tuổi không thích nghi kịp. Nếu như mạch máu đã bị chít hẹp bởi những mảng vữa xơ, cục huyết khối rồi nay lại bị chít hẹp hơn do gặp lạnh co thắt lại làm những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng và ôxy. Từ đó dẫn tới đột quỵ do nhồi máu não.
“Cũng có thể mùa thu đông là yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh nữa vì đây là mùa cưới. Thương lượng bia rượu được sử dụng nhiều hơn. Chất cồn lưu lại trong máu lâu vì khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm dẫn tới tăng nhịp tim, huyết áp, lưu lượng máu… Chỉ cần xuất huyết nhẹ cũng dẫn tới tai biến”, PGS.TS Bạch Mai cho hay.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, vào thời tiết trở lạnh, lượng bệnh nhân đột quỵ tăng khoảng 10-15% so với ngày thường. Đa phần các trường hợp vào cấp cứu đều muộn hoặc không được sơ cứu đúng cách khiến bệnh nặng thêm, thậm chí ngừng tim trước khi vào viện.
Với bệnh nhân đột quỵ, thời gian điều trị hiệu quả là trong 6 giờ đầu tiên sau đột quỵ, kết quả sẽ giảm dần theo giờ cấp cứu. Trong 1-3 giờ đầu, tỷ lệ người bệnh hồi phục trở về với cuộc sống bình thường cao; từ 4-6 giờ dù cứu được mạng nhưng dễ có những di chứng nặng như liệt, khó nói, không tự vận động…; còn sau 6 giờ trở ra, cơ hội sống là rất nhỏ.
Bởi vậy, việc nhận biết sớm dấu hiệu của đột quỵ và sơ cứu đúng cách sẽ giúp bệnh nhân tăng tỉ lệ hồi phục, giảm tử vong. Mọi người cần chú ý các dấu hiệu như: Người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội. Thứ hai, đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo. Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt. Nếu có 3 dấu hiệu cảnh báo, 90% là đột quỵ.
Các chuyên gia khuyến cáo, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu của người đột quỵ, cần phải sơ cứu cho họ một cách nhanh nhất. Nhanh chóng đặt bệnh nhân nằm nghiêng cao đầu 30-45 độ, mặc quần áo thoáng trong khi chờ xe cấp cứu 115. Trường hợp bệnh nhân bị nôn, cần xoay người bệnh nhân sang một bên để tránh đờm, dãi chui vào phổi. Nếu người bệnh bị co giật, phải lập tức dùng chiếc đũa bọc giẻ, đặt ngang miệng bệnh nhân để tránh cắn vào lưỡi.
Liệu pháp tự nhiên phòng đột quỵ
PGS.TS Lê Bạch Mai cho hay, để phòng ngừa bệnh đột quỵ cần phải đảm bảo dinh dưỡng một cách hợp lý, làm sao duy trì được sức khỏe tim mạch được tốt. Mỗi người cần biết các chỉ số cơ thể bản thân, cần chú ý trọng lượng cơ thể, giữ cho chỉ số BMI lý tưởng từ 20-22, không quá béo cũng không nên quá gầy. Tiêu thụ chất béo hợp lý, chú ý chất lượng chất béo của những axit béo không no cần thiết như axit béo omega 3, 6 phải đầy đủ. Không nên chỉ chú trọng đến các chất béo bão hòa từ thịt sẽ không tốt cho sức khỏe tim mạch.
Không ăn quá nhiều chất bột đường, đặc biệt là đường đơn-đường đôi. Hiện khuyến cáo tiêu thụ đường đơn, đường đôi vào tối đa dưới 10% tổng năng lượng của khẩu phần, tốt nhất là dưới 5% năng lượng khẩu phần. Chú ý ăn đủ lượng rau quả cần thiết. Rau ở đây là 400gr/người/ngày và chú ý lựa chọn loại rau lá, rau có màu tốt hơn là rau không có màu.
Bên cạnh đó, cần lưu ý không nên ăn mặn. Mỗi người chỉ nên ăn muối dưới 5g muối/người/ngày. Cùng với việc kiểm soát về dinh dưỡng, điều không thể thiếu là lối sống lành mạnh. Giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử, không hút thuốc, giới hạn uống rượu bia. Mỗi người hãy dành cho mình ít nhất 30 phút cho các vận động, hoạt động thể dục thể thao. Với những người quá bận cũng cần dành 10 phút mỗi ngày để vận động thể thao.
Trên bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp và tim mạch, ThS.BS Quan Vân Hùng-nguyên Trưởng khoa Ung thư, Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM đã đưa ra phương pháp phòng ngừa đột quỵ bằng liệu pháp 4T, trong đó: T1 là tinh thần, tâm lý liệu pháp (giảm stress), T2 là thực phẩm liệu pháp (chế độ ăn cân bằng kiềm – toan), T3 là thể dục liệu pháp (tập thể dục kết hợp hô hấp sâu giúp cải thiện lưu thông máu huyết, góp phần hạn chế tắc nghẽn mạch máu), T4 là thuốc liệu pháp (nếu áp dụng tốt T1,T2, T3 có thể dần tiến tới bỏ thuốc hẳn).
Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại thảo dược có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa chứng đột quỵ như: Tỏi, đông trùng hạ thảo, nhân sâm, linh chi đỏ, giảo cổ lam, quả sơn tra, lá sen, nghệ vàng, hoài sơn, hoa hòe và men vi sinh… Chất Allicin là một antioxidant rất mạnh, giàu manganese, calcium, phosphorus, selenium và vitamins B6, C… tác dụng tốt hệ tim mạch, chống đông máu, ổn định huyết áp, lipid, điều hoà miễn dịch, chống viêm, kháng khuẩn… Hoặc giảo cổ lam giúp ổn định cholesterol máu và giảm béo hiệu quả mà không phải kiêng quá mức; ổn định huyết áp, chống huyết khối, ngăn ngừa biến chứng tim, mạch, não, chống lão hóa, ngăn ngừa stress, cải thiện giấc ngủ...
Cần tầm soát đột qụy
Đột quỵ xảy ra đột ngột nên nếu có điều kiện nên tầm soát đột quỵ sớm, hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị sẽ được nâng cao. Những người có tiền sử huyết áp cao, bệnh lý tim mạch, bệnh mạch vành, mỡ máu cao, tiểu đường… nên khám định kỳ từ 3-6 tháng hoặc theo yêu cầu của bác sĩ. Người có kèm mỡ máu cao ngoài kiểm soát huyết áp cần lưu ý chỉ số mỡ máu ở mức an toàn.
PGS.TS Bạch Mai
Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)