Với những ai có thói quen đi chơi về muộn thì chắc hẳn không ít lần "thót tim" khi vô tình bắt gặp ma nơ canh, tranh quảng cáo, hình nộm... được dựng trong góc nào đấy trên đường hoặc để sau cửa kính các tiệm bán hàng. Đi đêm giật mình như thế đã đành, nhưng chắc không ai nghĩ mình sẽ bị những hình nộm giả "dọa" đến xém xỉu giữa ban ngày phải không?
Một cô gái trẻ ở Sài Gòn mới đây đã được phen "đứng tim" khi phát hiện ra sự thật bên trong chiếc bốt bảo vệ mà cô ấy đi ngang qua nhiều lần. Cô ấy vẫn nghĩ rằng anh bảo vệ ngồi trong bốt khá đẹp trai và chăm chỉ, lúc nào đi qua cũng thấy anh nghiêm túc làm nhiệm vụ ở vị trí của mình. Thế nhưng, đến hôm nay cô ấy bỗng nghĩ rằng có gì đó không đúng lắm, liền đến gần bốt bảo vệ để xem, ai ngờ anh bảo vệ mẫn cán ấy lại không phải người thật!
Nhìn phía đằng trước cửa kính thì không ai phân biệt được người ngồi bên trong là thật hay giả, bởi ánh sáng phản chiếu khiến hình ảnh không rõ ràng cho lắm. Hơn nữa, chẳng ai rỗi hơi mà soi xem anh bảo vệ là ai. Tuy nhiên, nhờ sự tò mò của cô gái trẻ mà cư dân mạng được phen mở mang tầm mắt, nhận ra bên trong bốt bảo vệ chỉ là một bức poster to bằng người thật mà thôi!
Có vẻ như anh bảo vệ được tạo ra từ một miếng xốp khá dày, sơn màu đen phía sau. Mặt trước là hình in từ ảnh chụp thật, nên ai cũng tin đó là anh bảo vệ trông coi khu vực xung quanh. Nhưng nếu di chuyển ra góc khác bên ngoài, đứng từ cạnh bốt nhìn vào thì mới biết đó là một "cú lừa"!
Chiếc video khám phá sự thật "động trời" bên trong bốt bảo vệ này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của hàng chục nghìn thành viên mạng, nhận về vô số bình luận ngạc nhiên. Người thì cười phá lên thích thú, người thì khoe cũng từng suýt xỉu khi đi ngang qua hình nộm giả giống như thế trên đường vắng lúc nửa đêm, người thì cho rằng đây chỉ là một trò đùa nhảm nhí. Tuy nhiên, có không ít ý kiến xác nhận rằng đây là hình ảnh có thật, xuất hiện ở khá nhiều khu chung cư ở Sài Gòn.
Có vẻ như dùng poster in hình bảo vệ như trên là một giải pháp tiết kiệm nhân lực cho những nơi không đủ người trông coi. Tuy nhiên nhiều thành viên mạng cho rằng đó là ý tưởng không hay ho cho lắm, vì nếu có kẻ xấu rình rập thì họ cũng dễ dàng phát hiện ra hình nộm giả, nên thực tế hình nộm này không mang lại sự đảm bảo an toàn. Hơn nữa, chiếc clip quay cảnh khám phá bốt bảo vệ giả đã được share ầm ầm trên mạng, lộ hết sự thật bên trong rồi thì hình nộm còn tác dụng gì đâu cơ chứ!
Theo Tiểu Bạch Dương (Trí Thức Trẻ)