Ngày nay, chương trình Tiểu học đã bắt đầu áp dụng khá nhiều các bài toán mang tính rèn luyện khả năng suy luận, tư duy logic cho các em học sinh. Đây có thể xem là một nét tiến bộ của chương trình học khi việc suy luận logic, linh hoạt là một yếu điểm của học sinh Việt Nam so với các nước khác trên thế giới.
Mới đây, một người mẹ đã đăng lại một bài toán của con mình đang học lớp 2: "Các bác giải hộ bài này với. Em tự thấy mình ngốc thật, học hết đại học mà không làm nổi bài toán lớp 2". Kèm theo đó là bài toán: "Trên tàu thủy có 45 con cừu. 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?"
Đây là một bài toán không lạ nếu bạn thường xuyên lướt MXH, thế nhưng, đa phần nhiều người thường nghĩ dạng bài này chỉ dùng để đùa giỡn, chọc phá nhau hoặc làm ví dụ cho những kiểu đề toán một đằng, yêu cầu đáp án một nẻo chứ không nghĩ nó hoàn toàn có thật và được đưa vào SGK chính thống.
Hầu hết phụ huynh đều cho rằng bài toán không thể giải được vì dữ kiện và đáp án khác nhau, thậm chí, có người còn đưa cả luật pháp vào khi cho rằng, có thể tàu này tuyển lao động dưới tuổi vị thành niên, do đó mới có sự cố ẩu tả như thế.
Thực tế, đáp án là "bài toán sai dữ kiện"! Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Thực - cha đẻ của bài toán từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn: Bài toán được đánh dấu (*) tức bài toán khó nhằm mục đích nâng cao năng lực nhận thức và kỹ năng phát hiện của học sinh, đồng thời rèn luyện kỹ năng đọc kỹ đề và suy nghĩ thấu đáo trước khi làm.
Quả thực, có lẽ các nhà biên soạn SGK và riêng nhà giáo Phạm Đình Thực đã hơi kỳ vọng quá cao vào khả năng suy luận logic của các em học sinh chỉ mới lớp 2 - lứa tuổi mà việc có thể suy nghĩ đa chiều, nghĩ đến được những trường hợp gần như không thể xảy ra là vô cùng hiếm.
Lộc (Nguoiduatin.vn)