Cộng đồng phẫn nộ khi thấy trẻ sơ sinh bị bạo hành
Mới đây, đoạn clip ghi lại cảnh một bé gái chưa đầy 2 tháng tuổi bị người giúp việc bạo hành dã man đã khiến dư luận cả nước xôn xao. Trong đoạn clip, đứa trẻ đáng thương bị nữ bảo mẫu dùng tay đánh, rồi tung hứng lên xuống, lắc trái lắc phải mà chỉ có thể khóc thất thanh. Sự việc nghiêm trọng này chỉ được phát hiện khi mẹ bé thấy con mình có biểu hiện khác lạ và lén đặt camera theo dõi.
Clip bé 1 tháng tuổi bị người giúp việc bạo hành dã man |
Trong thời đại ngày nay, nhiều gia đình lựa chọn việc thuê người giúp việc trông nom con cái để họ an tâm đi làm. Nhưng chính việc tin tưởng người giúp việc 100% đã gây ra nhiều vụ bạo hành nhẫn tâm khiến người lớn xem lại còn phải thấy rùng mình ớn lạnh.
Sau khi đoạn clip này được đăng tải, tất cả mọi người đều bất bình vì hành vi này quá man rợ và nguy hiểm. Ai cũng lên tiếng yêu cầu pháp luật phải nghiêm khắc trừng trị để làm gương cho những trường hợp khác.
FB L.D.H bình luận: "Một người dưng còn phải nín thở khi xem clip, thì không biết cha mẹ đứa bé sẽ có cảm xúc gì khi thấy đứa con đỏ hỏn trong hoàn cảnh như vậy. Hãy cố gắng hết sức để dành thời gian bên con các mẹ à. Đừng để những chuyện như vậy xảy ra, xót xa lắm".
FB H.T cho hay: "Thật tàn nhẫn khi một người mẹ phải chứng kiến cảnh con mình bị hành hạ như vậy. Thương em bé bỏng quá".
Sau khi gia đình của cháu bé trình báo lên chính quyền địa phương, cơ quan điều tra Công an TP Phủ Lý đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với bà Nguyễn Thị Hàn – người giúp việc được cho là có hành vi bạo hành cháu bé này.
Kinh nghiệm khi chọn người trông, giữ trẻ
Ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, bạo hành trẻ em là vấn đề đáng báo động. Câu chuyện bé gái gần 2 tháng tuổi bị người giúp việc bạo hành tàn nhẫn một lần nữa trở thành lời cảnh báo mạnh mẽ tới các bậc phụ huynh: dù bận đến đâu cũng phải quan tâm tới con trẻ, cảnh giác hơn trong việc đưa người lạ về nhà trông con. Đồng thời, các bậc cha mẹ cũng cần chuẩn bị cho mình những kĩ năng để có thể phát hiện kịp thời khi trẻ bị bạo hành.
- Người giúp việc phải là người yêu trẻ con
Trẻ con là đối tượng khá phiền phức, thường xuyên quấy khóc, nghịch phá nên người trông trẻ phải yêu trẻ, biết cách dỗ dành chúng. Để nhận biết được điều này, cha mẹ có thể xem ánh mắt của họ khi chăm con mình.
- Nắm rõ sức khỏe, lai lịch của người giúp việc
Việc nắm rõ lai lịch như quê quán, hoàn cảnh gia đình, thành phần gia đình… của người giúp việc là rất cần thiết. Trước hết là để bạn hiểu được phần nào con người họ. Sau là để đề phòng có trường hợp xấu xảy ra thì cũng có biện pháp xử lý phù hợp.
- Kiến thức và cách ứng xử của người giúp việc
Việc trông trẻ không dễ như nhiều người tưởng tượng. Người giúp việc phải có kiến thức cơ bản về cách chăm sóc trẻ như: ăn uống, vệ sinh, xử lý các tình huống khẩn cấp,... Cách cư xử của người giúp việc ảnh hưởng nhiều tới tính cách của bé. Khi người giúp việc có cách cư xử tốt thì cha mẹ mới yên tâm giao con cho người này chăm sóc dạy dỗ.
Bên cạnh đó, không nên thuê những người giúp việc có tư tưởng bảo thủ, lạc hậu vì có thể họ sẽ gây hại cho trẻ nhà bạn.
- Đừng dành 100% sự tin tưởng cho người ngoài
Hãy luôn nhớ rằng không ai đối tốt với con mình hơn bố mẹ của chúng. Những người giúp việc dù yêu thương trẻ đến đâu cũng chỉ là người làm công ăn lương. Khi áp lực quá lớn, họ có thể đánh mất bình tĩnh và làm những hành động không tốt cho trẻ.
Bạn hãy lắp camera tại những nơi trẻ thường xuyên sinh hoạt với người giúp việc như chỗ ngủ, nơi ăn uống, khu vực vui chơi... để theo dõi con mình dù bạn đang ở bất cứ chỗ nào. Nhưng tuyệt đối không để giúp việc biết được điều này.
Bạn có thể gọi điện hỏi thăm hoặc về nhà bất chợt để kiểm tra. Nhưng hãy làm một cách tế nhị và đừng tạo cho người giúp việc có cảm giác họ đang bị giám sát vì không ai muốn bị như thế cả. Hãy khéo léo để họ nghĩ rằng sự quan tâm của mình với đứa trẻ là chính đáng.
Hãy nhờ hàng xóm xung quanh để ý mỗi khi người giúp việc bế con bạn ra ngoài chơi. Bạn nên giới hạn cho họ phạm vi có thể đi cùng con bạn. Hàng xóm sẽ báo cho nếu con bạn bị đưa ra khỏi nơi được giới hạn.
- Đối xử với người giúp việc như người thân
Bạn đối xử với người ta thế nào thì người ta sẽ đối xử với con bạn như vậy. Hãy cho người giúp việc cảm giác mình được tôn trọng và thân thuộc như chính gia đình của họ. Sự ấm áp sẽ là sợi dây kết nối giúp họ gắn bó và có trách nhiệm hơn với công việc của mình.
- Dạy con ứng phó
Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên thì việc dạy trẻ các kỹ năng ứng phó là hoàn toàn cần thiết. Hãy cho bé học thuộc số điện thoại của người thân, số điện thoại của cảnh sát địa phương... Và nếu không may trẻ bị bạo hành, hãy dạy chúng cách chạy thoát và kêu cứu những người xung quanh.
Theo Huệ Anh (Khỏe & Đẹp)